1. Argo
Bộ phim thứ ba do tài tử Ben Affleck làm đạo diễn là ứng cử viên nặng ký nhất cho giải thưởng quan trọng này. Dựa vào một sự kiện có thật, phim kể về 6 con tin người Mỹ ở Iran được giải cứu dưới sự giúp đỡ của một đoàn làm phim giả mạo. Phim lột tả cuộc khủng hoảng con tin ở đất nước Trung Đông này vào cuối thập niên 1970. Ngoài vai trò đạo diễn, Ben Affleck còn kiêm luôn diễn viên chính. Với Argo, anh thực sự thoát khỏi cái bóng tài tử điển trai ở Hollywood để trở thành một trong những đạo diễn hàng đầu hiện nay.
Chủ đề thoạt nghe có vẻ như liên quan tới chính trị nhưng Argo lại mang tính giải trí khá cao, lôi cuốn người xem tới những giây cuối cùng. Cảnh cuối phim ở sân bay được bình chọn là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trên màn ảnh rộng năm qua. Argo đã giành cả Quả Cầu Vàng, Bafta và nằm trong danh sách những phim hay nhất ở hầu hết các cuộc bình chọn. Ben Affleck lỡ hẹn với đề cử Đạo diễn xuất sắc không ảnh hưởng tới việc Argo có tiềm năng nhất trong 9 tác phẩm để trở thành Phim hay nhất của Oscar lần thứ 85.
2. Lincoln
Nếu việc Ben Affleck trượt đề cử Đạo diễn xuất sắc đồng nghĩa với việc Argo khó thành Phim hay nhất thì ứng viên sáng giá nhất trong số các phim còn lại có lẽ là Lincoln. Phim tái hiện một phần cuộc đời vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ - Abraham Lincoln. Khi cuộc nội chiến vào giai đoạn ác liệt nhất, ông nỗ lực tìm cách chấm dứt đổ máu và đối phó với các ý kiến phản đối trong nội các về quyết định giải phóng nô lệ của mình.
Lincoln không phải là một tác phẩm dễ “xơi” ngay cả với các fan điện ảnh và thậm chí còn bị coi là phim “cúng cụ”, chỉ hợp với người Mỹ. Tuy nhiên, giải Oscar lại là giải thưởng của Mỹ và những bộ phim tôn vinh các người hùng của xứ cờ hoa từ trước đến nay lại rất dễ ăn giải. Thêm vào đó, Lincoln lại do một “cây đại thụ” của nghệ thuật thứ bẩy vốn rất “quen mặt” tại các kỳ Oscar là đạo diễn Steven Spielberg thực hiện.
3. Les Misérables
Bộ phim nhạc kịch đồ sộ của đạo diễn Tom Hooper là một trong những tác phẩm xuất sắc của điện ảnh thế giới năm qua. Phim tái hiện câu chuyện kinh điển của nhà văn Victor Hugo một cách chân thực, sống động, hoành tráng với phần dàn dựng đáng kinh ngạc và diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên hạng A. Phim được lòng từ giới phê bình cho tới số đông khán giả thông thường và thành công lớn về thương mại với gần 400 triệu USD.
Tại Quả Cầu Vàng hồi tháng một, Những người khốn khổ đã giành giải Phim hài / nhạc kịch xuất sắc. Sự cộng hưởng ở mọi thứ tạo nên bộ phim, từ diễn xuất, dàn dựng cho tới âm nhạc, hình ảnh đều xứng đáng được tôn vinh ở giải thưởng điện ảnh lớn nhất hành tinh. Trong đêm trao giải tối 24/2, dàn diễn viên còn được mời trình diễn các ca khúc trong phim. Liệu đây có phải là dự báo về “cơn mưa” giải thưởng của Những người khốn khổ? Câu trả lời sẽ chỉ có vào cuối tuần này tại nhà hát Dolby (Los Angeles, Mỹ).
4. Silver Linings Playbook
Bộ phim tình cảm hài có sự tham gia của tài tử Bradley Cooper và minh tinh Jennifer Lawrence là một bất ngờ lớn của năm qua. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên và nói về Pat, một chàng trai phải điều trị tâm lý 8 tháng sau khi chứng kiến vợ mình ngoại tình với đồng nghiệp. Sau khi ra viện, anh chuyển về sống với bố mẹ để mong tìm lại được người vợ và sống một cuộc sống như mình mong đợi. Thế nhưng mọi chuyện thay đổi khi anh gặp Tiffany, một phụ nữ trẻ đẹp cũng gặp những bất trắc trong cuộc sống như anh…
Silver Linings Playbook là một trong số rất ít tác phẩm trong lịch sử Oscar được đề cử ở 6 hạng mục quan trọng nhất, bao gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc và 4 hạng mục cho diễn xuất. Phim còn có thêm đề cử cho Kịch bản, Dựng phim. Với bao nhiêu thăng trầm và đau thương từ những vụ khủng bố, xả súng trong năm qua, nước Mỹ có nhiều lý do để tôn vinh một bộ phim tươi sáng, mang màu sắc lạc quan như Silver Linings Playbook.
5. Amour
Tác phẩm giành Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2012 đã càn quét rất nhiều giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ năm qua. Amour là câu chuyện về tình yêu của cặp vợ chồng già Anne và Georges bị thử thách bởi tuổi già và bệnh tật. Bối cảnh chủ yếu diễn ra trong một ngôi nhà với hai nhân vật xuyên suốt phần lớn thời gian nhưng đạo diễn Michael Haneke vẫn đem tới cho khán giả một tác phẩm gây xúc động mạnh mẽ và đầy ám ảnh.
Amour nắm đến 90% cơ hội giành giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar lần này. Tuy nhiên ở hạng mục Phim hay nhất, tác phẩm này phải đối đầu với những ứng viên nặng ký khác như Argo, Lincoln hay Silver Linings Playbook. Tuy nhiên, đôi khi Oscar vẫn tạo nên nhiều bất ngờ và những phép màu nhiệm. Trong lịch sử, chưa có tác phẩm nào giành cả giải Phim hay nhất lẫn Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.
6. Beasts of the Southern Wild
Bộ phim độc lập đầu tay của đạo diễn trẻ Benh Zeitlin cũng là một trong những tác phẩm gây bất ngờ tại Oscar năm nay. Phim nói về cuộc sống của cô bé Hushpuppy cùng người cha ốm yếu, nóng nảy ở một vùng đất luôn bị lũ lụt tàn phá ở bang Louisiana. Beasts of the Southern Wild là phim tâm lý, giả tưởng và có kinh phí vỏn vẹn 1,8 triệu USD. Phim từng đoạt giải quan trọng tại LHP độc lập Sundance năm ngoái và gây ấn tượng ở LHP Cannes.
Tại Oscar lần này, Beasts of the Southern Wild được đề cử tới 4 giải quan trọng gồm Phim hay nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc và Kịch bản chuyển thể hay nhất. Nữ diễn viên 9 tuổi Quvenzhané Wallis còn ghi danh vào lịch sử là người nhỏ tuổi nhất được đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc. Khán quả quan tâm tới dòng phim độc lập đều đang háo hức chờ xem Beasts of the Southern Wild có tạo ra đột phá tại Oscar 2013 hay không.
7. Zero Dark Thirty
Ba năm trước, nữ đạo diễn Kathryn Bigelow chinh phục Oscar với bộ phim The Hurt Locker và lần này, bà tiếp tục tranh giải thưởng quan trọng nhất với tác phẩm Zero Dark Thirty. Phim tái hiện những nỗ lực truy quét và săn lùng thủ lĩnh al-Qaeda – Osama Bin Laden – suốt hơn 10 năm từ sau sự kiện 11/9/2001 mà nữ điều tra viên Maya giữ vai trò then chốt, trước khi tên trùm khủng bố khét tiếng bị tiêu diệt dưới tay đội đặc nhiệm Navy S.E.A.L Team 6 trong đợt đột kích tại Pakistan.
Phim gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện bởi những phản đối mang tính chất chính trị liên quan đến nội dung. Tuy nhiên, những nỗ lực của Kathryn Bigelow và đoàn làm phim vẫn xứng đáng được ghi nhận tại Oscar lần này. Vấn đề là Zero Dark Thirty cũng mang một thể loại phim gần giống với The Hurt Locker ngày trước. Liệu Kathryn Bigelow có làm nên lịch sử điện ảnh hay không? Kết quả sẽ có vào tối 24/2.
8. Django Unchained
Sau Inglourious Basterds vào năm 2010, tác phẩm tiếp theo của đạo diễn Quentin Tarantino tiếp tục lọt vào danh sách tranh giải Phim hay nhất tại Oscar lần thứ 85. Phim lấy bối cảnh 2 năm trước cuộc nội chiến của nước Mỹ, một nô lệ da đen được trả tự do là Django (Jamie Foxx) cùng một thợ săn tiền thưởng (Christopher Waltz) đi tìm và giải cứu vợ của anh thoát khỏi một chủ đồn điền điển trai nhưng độc ác (Leonardo DiCaprio).
Django Unchained vẫn mang đậm phong cách điện ảnh đặc biệt của Quentin Tarantino. Đây là một tác phẩm xuất sắc nhưng khó có cơ hội giành Oscar cho Phim hay nhất khi đứng chung với những Argo, Lincoln. Dường như Quentin không có duyên lắm với giải thưởng điện ảnh lớn nhất của nghệ thuật thứ bẩy. Anh từng có hai bộ phim tranh giải tại Oscar là Pulp Fiction (năm 1995) và Inglourious Basterds (năm 2010) nhưng đều “dính” phải những đối thủ nặng ký và được đánh giá có nhiều tiềm năng chiến thắng hơn.
9. Life of Pi
Sự trở lại của đạo diễn Lý An được đánh dấu bằng 11 đề cử Oscar lần thứ 85, trong đó có hạng mục Phim hay nhất. Life of Pi chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yann Martel, nói về cuộc đời trôi dạt giữa đại dương của cậu bé 16 tuổi người Ấn Độ, Pi, với một con hổ hung dữ đang đói bụng. Lênh đênh trên biển hơn 227 ngày, Pi vận dụng hết kiến thức về động vật và bản năng sinh tồn để đối mặt với nỗi sợ hãi và sự cô đơn giữa mênh mông biển cả.
Life of Pi xứng đáng được đề cử Phim hay nhất nhưng khó đoạt giải bởi phần hình ảnh trong phim quá đẹp, quá mãn nhãn đến nỗi lấn át hoàn toàn câu chuyện. Tuy nhiên, vẫn khó có thể nói trước được điều gì bởi Viện Hàn Lâm thi thoảng cũng hay có màn “trả nợ”. Năm 2006, Brokeback Mountain từng gây bất ngờ khi… không đoạt giải Phim hay nhất và biết đâu năm nay, Oscar sẽ trả “món nợ” 7 năm về trước cho Lý An.
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU