Báo cáo về tình hình giáo dục gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm tiếp theo.
Thí sinh tự do được chọn bài thi
Từ năm 2020 trở đi, kỳ thi này được tổ chức ổn định bảo đảm sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Chính phủ phê duyệt.
Cũng theo ông Nhạ, việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã làm cho kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, trung thực, khách quan hơn.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm không ảnh hưởng đến cách dạy, cách học cũng như sự chuẩn bị từ trước của thí sinh. Các cơ sở giáo dục ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh.
Những trường có yêu cầu cao, trường có ngành đặc thù, năng khiếu có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên biệt hay tổ chức thi môn năng khiếu theo quy định để lựa chọn được thí sinh vào học các ngành phù hợp.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, đối với bài thi tổ hợp, thí sinh lớp 12 bắt buộc phải làm cả 3 môn thi trong vòng 150 phút. Thí sinh tự do dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn thi các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi khoa học tự nhiên hoặc bài thi khoa học xã hội phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.
Theo dự kiến, thí sinh tự do ra khỏi phòng ngay khi hết thời gian làm bài thi môn. Bộ GD&ĐT cũng sẽ lập hội đồng thi riêng cho thí sinh tự do. Hội đồng này sẽ sắp xếp thí sinh theo môn thi nhằm bảo đảm trật tự trong phòng thi.
Đề thi năm 2017 gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT.
Năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT. Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT.
|
Chấm thi THPT quốc gia năm 2016 tại Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: Tấn Thạnh /Người Lao Động. |
Phải thực hiện tốt việc làm ngân hàng đề
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ đang lập ban soạn thảo đề thi trắc nghiệm cho các môn thi THPT quốc gia 2017, huy động sự tham gia của các giáo viên giỏi trên cả nước để có ngân hàng đề thi đủ lớn và chất lượng để mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng.
Theo ông Ga, Bộ GD&ĐT đã đưa ra hàng rào kỹ thuật để bảo đảm tính an toàn, nghiêm túc, khách quan cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng nên dù thí sinh có ngồi cạnh nhau cũng không thể nhìn bài nhau được.
Trong quá trình coi thi, ngoài những cán bộ quản lý, giáo viên các sở GD&ĐT, trường THPT, Bộ GD&ĐT cử giảng viên các trường ĐH, CĐ xuống các địa phương để phối hợp thực hiện.
Về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng về môn thi, bên cạnh 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ thì các bài thi tổ hợp các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là hợp lý để có thể đánh giá toàn diện năng lực, kiến thức của học sinh.
Tuy nhiên, việc tổ hợp và tiến tới tích hợp các môn thi về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cần được nghiên cứu kỹ để có lộ trình phù hợp và thống nhất kế hoạch đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở giáo dục phổ thông cũng như việc đào tạo chuyên nghiệp ở các trình độ sau THPT.
Về đề thi, ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt công tác đề thi, nhất là ngân hàng câu hỏi thi phục vụ các bài thi trắc nghiệm khách quan, một mặt bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan và phù hợp với chuẩn chương trình giáo dục; mặt khác, nội dung phải có tính khoa học, kích thích được tư duy sáng tạo của thí sinh, đồng thời có sự phân hóa trình độ để đo lường được kỹ năng và kiến thức của người học, phục vụ cho hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ.
Cần lộ trình đổi mới thi cụ thể
Về giải pháp lâu dài, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiến hành xây dựng đề án về đổi mới căn bản từ tổ chức, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và kiểm định chất lượng GD&ĐT.
Việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cần có lộ trình cụ thể, bảo đảm tính khoa học, khả thi, đồng thời, cần có phương án chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm thực hiện.
>>> Mời quý độc giả xem video về tuyển sinh quân sự (nguồn VTV):