“Tôi nghĩ cần thêm thời gian để có thể đánh giá khách quan về sự thành công hay thất bại của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cũng như quá trình tuyển sinh. Không công bằng nếu đánh giá một việc ở tầm quốc gia, liên quan triệu con người, dựa trên một sự kiện mang tính cá nhân, như việc một phụ huynh thuê xe cứu thương để kịp rút (hay nộp) hồ sơ cho con”, GS Ngô Bảo Châu nói.
Theo GS Châu, khi Bộ GD&ĐT quyết định giữ phương án gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, ông đã biết có nhiều vấn đề phức tạp. "Tuy nhiên, tôi thấy cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ GD&ĐT trong việc đảm bảo cho sự trung thực của kỳ thi năm nay. Nếu so sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể", ông nêu quan điểm.
|
GS Ngô Bảo Châu. |
Trước những bất cập về tuyển sinh tạo nên trục trặc gây ra nhiều mệt mỏi, thậm chí tâm lý hoảng loạn ở một số thí sinh và phụ huynh, GS Ngô Bảo Châu khẳng định: Chắc chắn những năm tới, Bộ GD&ĐT sẽ cải tiến nền tảng công nghệ, phương án kỹ thuật nếu tiếp tục duy trì việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh đại học.
GS Ngô Bảo Châu cho biết, năm 2014, đã nêu ý kiến về việc thi tốt nghiệp THPT, bởi những biểu hiện thiếu trung thực ở kỳ thi này. Đến thời điểm hiện tại, ông vẫn bảo lưu quan điểm nên bỏ thi tốt nghiệp THPT.
Theo GS Ngô Bảo Châu, kiểm tra chất lượng dựa vào một quá trình tốt hơn kỳ thi, cho nên học bạ, điểm học trong năm là đủ để quyết định việc lên lớp và tốt nghiệp.
Trước ý kiến đợt xét tuyển vừa qua có nhiều thí sinh coi trọng việc đỗ đại học hơn khả năng và sở thích của mình, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: "Có thể do một số trục trặc trong tuyển sinh khiến các em vào ngành không mong muốn, chỉ để đỗ đại học. Đó là điều đáng tiếc".
Ông hy vọng, trong quá trình học, các trường cho phép sinh viên được chuyển ngành, khoa ưa thích. GS Ngô Bảo Châu nêu, điều quan trọng nhất là làm những gì mình thích. Các bạn trẻ hoàn toàn có thể sống ý nghĩa, đem lại cho mình niềm vui, mà không nhất thiết phải cố lấy bằng đại học.
Nói về thực trạng những người giỏi Toán học nhưng đã từ bỏ công việc này, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: Các nhà toán học nổi danh trên thế giới là người Việt Nam không phải chỉ có một, những đồng ngiệp trẻ đều có sự nghiệp rất tốt. Đúng là thực tế có nhiều học sinh năng khiếu trong lĩnh vực Toán học nhưng chọn việc khác. Đó là điều không may. Những gì chúng tôi làm hiện nay là sáng lập viện nghiên cứu mới, tổ chức khóa học, cấp học bổng để học sinh yêu Toán có nhiều cơ hôi hơn, tham gia trao đổi tại nước ngoài. GS Ngô Bảo Châu cho biết, ông luôn làm việc với tinh thần tiếp lửa cho những bạn trẻ yêu khoa học đến gần hơn với thực tế.
Trên Facebook của mình, GS Ngô Bảo Châu viết:
Tôi không nắm được hết mọi cộng việc của Bộ GD&ĐT, nhưng tôi tán thành những quyết định như đóng cửa bớt những khoá đào tạo tại chức kém chất lượng, cơ bản là bán bằng, lập lại việc tuyển thẳng học sinh giỏi vào đại học ở các ngành học tương ứng và cơ bản hơn, việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học đang được triển khai từng bước.
Về phía dư luận, tôi nghĩ rằng trước khi phê bình chính quyền cũng nên đặt mình vào vị trí của họ xem mình thực sự có thể làm tốt hơn hay không. Khi phê bình những gì chính quyền làm chưa tốt, cũng nên ghi nhận những gì họ làm tốt, hoặc làm tốt hơn trước.
Ví dụ nếu so sánh với đề án biên soạn sách giáo khoa mà năm ngoái đã gây phản ứng dữ dội trong dư luận, năm nay Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể đã được chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng.