Đề thi minh họa THPT quốc gia có làm học sinh choáng?

Google News

Không ít giáo viên, học sinh cảm thấy “choáng” với độ khó của đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Vậy họ có lo lắng?

Với đa số giáo viên, học sinh, việc Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa 13 môn thi kỳ thi THPT quốc gia 2015 là tin vui vì biết được hướng ra đề, ôn tập với một kỳ thi nhiều đổi mới. Tuy nhiên, cũng không ít giáo viên, học sinh cảm thấy “choáng” với độ khó của đề thi năm nay.
Đạt điểm trung bình không dễ
Nếu như đề thi tốt nghiệp THPT các năm trước, nội dung kiến thức gần như được giới hạn trong chương trình lớp 12 thì năm nay, theo nhận xét của nhiều giáo viên, kiến thức 3 năm THPT được trải rộng trong đề thi, thậm chí có cả lớp 9. “Riêng môn ngữ Văn, để ôn hết các tác phẩm trong chương trình lớp 12 đã khó, nay nếu như trong đề thi minh họa thì học sinh phải nhớ nhiều kiến thức tổng hợp từ năm lớp 10, 11. Nếu giờ giáo viên phải ôn lại cho học sinh toàn bộ chương trình THPT thì với thời gian còn lại là không khả thi” – ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Wellspring cho biết. Khả năng đạt điểm trung bình ở môn Ngữ Văn nếu tính theo đề thi minh họa với học sinh là không dễ vì đạt được điểm 6 đề thi minh họa cũng ngang với điểm 8 đề thi tốt nghiệp THPT năm trước.
De thi minh hoa THPT quoc gia co lam hoc sinh choang?
 Nhiều giáo viên và học sinh cho rằng việc giải đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia là không hề dễ. 
Tương tự với môn Toán, một giáo viên chia sẻ, nếu so sánh từ đề thi tốt nghiệp năm trước thì năm nay đề thi khác hẳn, với nhiều kiến thức từ lớp 10, lớp 11. Còn theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, đề thi minh họa môn Toán lần này cho thấy một vấn đề cần khắc phục, tránh thiệt thòi cho học sinh. “Với câu hỏi khó, nếu giống như đề thi minh họa thì học sinh nào rất giỏi mới có thể làm được và ngược lại sẽ mất toàn bộ điểm nếu làm được gần hết quá trình mà chưa cho ra kết quả. Trong khi đó, ở những câu hỏi dễ hơn thì được chia nhỏ tới 0,25 điểm, học sinh làm được phần nào được tính điểm phần đấy chứ không “đố mẹo” như câu hỏi khó. Nên có cách ra đề để ở câu hỏi khó học sinh vẫn được tính điểm từng phần”. Cũng như vậy, với môn Sinh học, một giáo viên bình luận dạng đề này rất khó cho học sinh trung bình, vì vậy nên có sự phân hoá rõ về đối tượng xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.
Tránh để học sinh “choáng”
Cách ra đề minh họa lần này của Bộ GD-ĐT có nhiều ưu điểm như phân hóa được học sinh, tránh tình trạng học tủ, bài mẫu như trong môn Ngữ văn. “Tôi đã tham khảo ý kiến nhiều học sinh, giáo viên về môn Ngữ văn. Đa số trả lời là “choáng”. Việc đang quen với yêu cầu của đề thi tốt nghiệp THPT, nay phải đối mặt với một đề thi dành cho cả những thí sinh chuyên để thi đại học môn Văn thì học sinh, giáo viên thấy sợ là dễ hiểu” – ông Đặng Đình Đại cho biết.
Một thực tế mà ai cũng nhận thấy là lâu nay môn Văn là một trong những môn khó lại thuộc khối xã hội, khối mà ít học sinh lựa chọn học để thi vì vấn đề việc làm. Tình trạng học sinh không lựa chọn môn Văn đã diễn ra nhiều năm nay. “Thực tế lâu nay, giáo viên môn Văn bậc THPT cũng chỉ biết dạy để học sinh của mình đạt yêu cầu tốt nghiệp THPT. Tâm lý các em là chỉ cần đạt điểm trung bình rồi lấy điểm các môn khác bù vào vì không phải môn các em thi đại học. Vì vậy, khi đối mặt với đề thi minh họa môn văn không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng rất lo lắng” – ông Đặng Đình Đại nhấn mạnh.
Việc đưa ra đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT là rất hữu ích nhưng theo ông Đặng Đình Đại, Bộ nên công bố sớm hơn để có thêm thời gian cho học sinh chuẩn bị. “Ở trường các em chỉ quen với đề kiểm tra môn Ngữ văn trong 90 phút. Nhiều em không làm hết thời gian, gác bút vì hết chữ. Đến khi thi tốt nghiệp THPT năm ngoái, đề Ngữ văn kéo dài 150 phút và bây giờ là 180 phút. Nếu không được hướng dẫn kỹ năng làm bài, rất có thể học sinh không biết cách phân bổ thời gian hợp lý để làm bài thi hiệu quả cao nhất”.
Để tránh tình trạng học sinh sốc, buông bút ngay từ những câu hỏi đầu của đề thi năm nay, ông Đặng Đình Đại cho rằng Bộ GD-ĐT nên rút kinh nghiệm cách ra đề, sắp xếp câu hỏi yêu cầu kiến thức cơ bản lên đầu, câu hỏi nâng cao xếp sau. Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương lại cho rằng, nếu tách riêng phần nâng cao và cơ bản thì lại thành đưa 2 đề thi vào một bài thi. “Nên chăng giáo viên hướng dẫn kỹ cho học sinh kỹ năng nhận biết câu hỏi phù hợp với năng lực của bản thân để lựa chọn làm trước, tránh mất quá nhiều thời gian vào câu hỏi khó” – PGS Văn Như Cương nêu ý kiến.
Theo An Ninh Thủ Đô

>> xem thêm

Bình luận(0)