Cách tránh ngộ độc từ mùi... hoa giả

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều gia đình đã sắm những cành, bình hoa giả để trang trí, bày lên bàn thờ gia tiên... Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng hoa giả mới xuất xưởng có chứa các dung môi hữu cơ có thể gây ngộ độc.

Giả cũng có mùi 

Chị Đào Tố Phương, Bắc Linh Đàm, Hà Nội phản ánh trong một lần đi mua sắm, thấy hoa giả đẹp liền "tậu" luôn một chậu mai vàng về trưng ở góc nhà. Đi làm về, chồng chị tưởng là hoa thật chạy lại ngắm, sờ, ngửi... Tuy nhiên, chỉ sau vài phút hít hít, ngửi ngửi anh bắt chị mang vứt ngay chậu hoa vừa mua về. Lý do là vì từ bình hoa đẹp ấy có mùi rất hắc, ngửi cảm thấy bị đau đầu.

Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã dạo một vòng thị trường hoa giả (hay còn gọi là hoa nhựa, hoa lụa). Loại hoa này được bán từ trong cửa hàng cao cấp đến chợ, thậm chí cả hoa giả bán rong. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, một người bán hoa giả rong trên đường Mai Dịch, Hà Nội cho biết, đợt này chị bán chạy hơn do đang vào dịp Tết. Xe hoa của chị có đủ các loại từ ly, lan, hồng... với các kiểu dáng để cắm lọ đến cắm bình, trồng trong chậu, hoa treo tường, hoa để giỏ... Giá cả loại hoa này cũng không quá đắt, khoảng 15.000 - 20.000đ/cành.

Như vậy, chỉ với khoảng 4 - 5 cành hoa người chơi đã có thể cắm được một bình khá đẹp mắt. Tuy nhiên, đứng chọn hoa một lúc, bản thân chúng tôi cũng thấy từ chiếc xe hoa của chị Nguyệt thoang thoảng mùi hắc giống như mùi của những ngôi nhà vừa mới sơn. Hít, ngửi một lúc có cảm giác mắt hơi cay cay, nhức đầu và chóng mặt.

Phân tích về nguyên nhân gây mùi và sự khó chịu cho người chơi hoa giả PGS.TS Đỗ Quang Huy, Khoa Môi trường, Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Để làm hoa giả người ta phải dùng đến các chất kết dính như hồ và keo dán. Mùi hắc xuất phát từ các chất kết dính có chứa các dung môi hữu cơ.

Đặc trưng chung của dung môi hữu cơ là tính dễ bay hơi, nên có nhiều khả năng gây tác động có hại đến con người qua đường hô hấp. Một số chất dung môi hữu cơ phổ biến có tác động ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người như chất benzen, toluene, formaldehyde... Khả năng chịu tác động của các chất này phụ thuộc nhiều vào sự nhạy cảm của từng người. Ở nồng độ vượt mức cho phép, đa số cảm thấy cay mắt, mũi và họng khi tiếp xúc, thậm chí tiếp xúc nhiều với những chất này còn nhức đầu, mỏi mệt...

Không ít người mua hoa giả về giật mình vì hoa giả cũng có mùi. 

Cách xử lý tránh ngộ độc

PGS.TS Ngô Quốc Quyền, nguyên cán bộ Viện Hóa học, Viện KH&CN Việt Nam cho biết, đặc điểm của các dung môi hữu cơ có tính bay hơi. Vì thế, sau một thời gian, mùi hắc sẽ tự động mất. Đây chính là lý do không phải ai mua hoa giả cũng ngửi thấy mùi khó chịu. Những loại hoa giả để một thời gian sẽ không còn mùi. Chỉ có những loại vừa mới "xuất xưởng", mới có mùi "lạ" vì keo dính chưa khô, các mùi hắc chưa bay hết.

Các chuyên gia cho biết, các chất dung môi hữu cơ này không có lợi cho sức khoẻ, bằng chứng là ngửi hoa giả có mùi hắc lâu là cảm thấy cay mắt, chóng mặt. Tuy nhiên, người dân không nên quá lo lắng, cũng như không nhất thiết phải vứt hoa đi. Nếu mua hoa giả mà có mùi thì tuyệt đối không để hoa trong phòng kín, nhất là phòng ngủ rất dễ gây cảm giác mệt, khó thở... Hãy để hoa chỗ thông thoáng nhằm giúp mùi bay đi. Sau một thời gian, khi mùi bay đi hết thì người sử dụng có thể để hoa ở chỗ nào tùy thích. 

Ngoài ra, còn một cách nhanh hơn, nếu thấy mùi người dân có thể dùng máy sấy sấy qua hoa. Nhiệt độ sẽ giúp keo bám nhanh và mùi hắc bay đi. Điều này cũng rất giống với việc sơn nhà. Trong sơn cũng có các dung môi hữu cơ gây mùi rất khó chịu. Sau khi sơn, nếu chuyển về ngay thì không tốt, tuy nhiên, để vài ngày khi sơn bắt đầu khô, các dung môi bay đi hết thì không có vấn đề lo lắng ảnh hưởng gì. 

Các loại keo có chứa dung môi hữu cơ sử dụng nhiều trong cuộc sống. Ví dụ như các túi quà Tết (gồm bánh kẹo, rượu, chè...) khá phổ biến. Để gắn các sản phẩm và tạo dáng cho sản phẩm, người ta cũng sử dụng các loại keo dán này.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Minh Châu

Bình luận(0)