Cảm giác giống như đi thi hoa hậu
Ngày 23/7/1980, phi công nổi tiếng Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37. Ông trở thành người Việt Nam, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.
|
Tướng Phạm Tuân và bạn đồng hành trong chuyến bay vào vũ trụ lịch sử. |
Nhớ lại quá khứ, tướng Phạm Tuân cho biết, ngày đấy, để phục vụ cho chuyến bay vào không gian, các phi công Việt Nam được tham gia rất nhiều, tuyển chọn trong 6 - 7 tháng. Người được chọn phải có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, sự hiểu biết, nhận thức về vũ trụ, phù hợp với tiêu chuẩn của chương trình.
Trải qua nhiều vòng, sang đến Liên Xô có 4 người trong đó có tướng Phạm Tuân. Sau gần 1 tháng khám tuyển ở Bệnh viện Trung ương quân đội Moskva, Hội đồng khoa học quốc gia gọi 4 người đến để công bố, lúc đó ai cũng hồi hộp.
“Tôi được gọi vào đầu tiên và cảm giác lúc đó chắc giống như thi hoa hậu. Không ngờ vừa vào trưởng đoàn và tất cả thành viên của Hội đồng bắt tay chúc mừng”.
Sau đó ông luyện tập ở trung tâm vũ trụ khoảng 16 tháng. Ngày 21/7/1980, tướng Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko được xướng tên bay cùng nhau. Như vậy, ông chỉ biết mình là phi công bay chính trước giờ bay 3 ngày.
Tướng Phạm Tuân kể, khoảng thời gian trước khi bay 2 tiếng, ông có suy nghĩ bất an chẳng may mình gặp nạn nhưng xác suất không lớn. Suy nghĩ thoáng qua không làm ông nao núng, vì quá trình tập luyện đã rất tin tưởng vào phi hành đoàn.
Mang tiếng oan vì mang bèo hoa dâu vào vũ trụ
Đúng 1h33 ngày 23/7/1980 (giờ Hà Nội) tại sân bay vũ trụ Baikonur (Liên Xô) tàu vũ trụ Liên hợp 37 do Gorbatko và Phạm Tuân điều khiển đã phóng lên vũ trụ. Khi cờ Tổ quốc Việt Nam được mang lên, chúng ta chính thức có tên trong bản đồ du hành vũ trụ quốc tế.
|
Hình ảnh tướng Phạm Tuân trong chuyến bay lịch sử |
Ông cho biết, tàu thực hiện 142 vòng quỹ đạo quanh trái đất, tiến hành hơn 30 thí nghiệm viễn thám hàng không, hòa tan các mẫu khoáng chất và các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu.
Ông nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy quả đất tròn xoay nằm lơ lửng giữa một không gian xanh thẳm, trong không gian không trọng lực, cảm giác rất đặc biệt. Thú vị thứ hai là ngày đêm chỉ kéo dài trong 90 phút, trong đó 60 phút ban ngày, 30 phút là đêm”.
“Tàu bay qua tất cả các nước, nhìn qua cửa sổ tôi thấy sao lấp lánh, to hơn và cũng sáng hơn nhiều vì không gian tinh sạch, rồi cảnh mặt trời, mặt trăng. Tôi đã cố gắng tìm dải đất hình chữ S thân thương để ngắm nhìn. Trước đó tôi cũng lái máy bay rất nhiều nhưng để bay cao như thế thì có lẽ cả đời chỉ có một, cảm giác quá tự hào”, ông kể thêm.
Ông cũng cho biết, trong quá trình bay đã xảy ra một trục trặc, đó là khi bay lên chuẩn bị lắp ghép, đúng ra phải quay 180 độ để tăng tốc độ tiếp cận con tàu mẹ, nhưng đến khi quay được 90 độ thì hỏng mất hệ thống quay. Kiểm tra mãi không được đành tắt máy và chờ sau gần 90 phút. Đội bay Bungari - Liên Xô trước đó cũng đã xảy ra trục trặc và lắp ghép không thành công, họ phải quay về Trái Đất không tiếp tục được hành trình, nên phi hành đoàn khá khá lo lắng. Nhưng cuối cùng mọi việc cũng được giải quyết.
Tướng Phạm Tuân kể, sau khi trở về trái đất, có rất nhiều đồn thổi xung quanh ông và chuyến bay này, đặc biệt nhất là chuyện ông mang bèo hoa dâu. Nhiều người độc miệng đã bảo, "Cái ông Phạm Tuân sinh ra ở đồng quê chiêm trũng nghèo Thái Bình, chuyên nuôi bèo cho lợn ăn có khác. Lên vũ trụ chẳng mang cái gì hay hay mà lại mang bèo hoa dâu. Giờ bèo không biết còn hay mất, có tốt không".
|
Tướng Phạm Tuân trong một lần gặp gỡ bạn bè quốc tế. |
Tướng Phạm Tuân giải thích: Chuyện mang bèo đi, phải do đội ngũ các nhà khoa học quyết định, chứ không phải chuyện thích mang gì thì mang. Bèo hoa dâu dễ sinh sôi nảy nở, hút khí cacbonic, sản sinh ra oxy. Trên vũ trụ lại có rất nhiều tia nhiễm xạ, liệu nó có tác động lên con người, lên sinh vật tạo nên sự đột biến gen hay không và mang bèo hoa dâu lên là để phục vụ mục đích nghiên cứu này".
Tướng Phạm Tuân khẳng định, tất cả những câu chuyện lùm xùm đó, cuối cùng cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống của ông, mà thậm chí làm ông quyết tâm, nỗ lực hơn trong công tác.