Cựu học sinh trường Chuyên Hà Nội – Amsterdam cho rằng, những người điếc vẫn có ước mơ riêng và cuộc sống của họ vẫn tươi vui như bất kỳ ai khác.
Phạm Hà Thu Anh đang là sinh viên năm cuối ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Fairleigh Dickinson. Ảnh: NVCC
Mới đây, cô gái 21 tuổi, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Fairleigh Dickinson (Vancouver, Canada), đã trở thành một trong hai người trẻ thắng giải thử thách mã hóa Swift Student Challenge của Apple ở Vancouver, Canada.
Điều này giúp Thu Anh giành được một vé tham dự Hội nghị nhà phát triển toàn cầu (WWDC) - một hội nghị thường niên của “gã khổng lồ công nghệ” Apple thu hút nhiều nhà phát triển ứng dụng, nhà báo và các blogger công nghệ nổi tiếng trên khắp thế giới.
Cựu học sinh chuyên Văn rẽ hướng sang ngành IT
Sinh ra vốn hoàn toàn khỏe mạnh, 13 tháng tuổi, Thu Anh đột nhiên lên cơn sốt cao rồi mất dần thính lực. Khi ấy còn quá nhỏ, cô không có khái niệm gì về sự thay đổi của thế giới quan.
“Lên vài tuổi, em vẫn chỉ là một cô bé ngây thơ với một tuổi thơ khá êm đềm và có được sự yêu thương hết mực từ gia đình”, Thu Anh nói.
Sự thiệt thòi hơn so với bạn bè đồng trang lứa chỉ được Thu Anh nhận thức rõ ràng khi bắt đầu bước vào bậc tiểu học. Đó là khi cô học trò nhỏ cảm thấy khó khăn khi nghe cô giáo giảng bài và luôn phản ứng chậm hơn các bạn khác. Cũng vì nghe kém nên việc học nói của Thu Anh khá chật vật. Suốt quãng thời gian tiểu học, Thu Anh hay nói ngọng và thường tự ti về bản thân.
Là một người thuộc cộng đồng người điếc Việt Nam, nhưng Thu Anh không muốn những người trong cộng đồng mình tồn tại chỉ là để truyền cảm hứng hay làm tấm gương vươn lên cho người khác.
Ở hầu hết các ngôi trường từng theo học, Thu Anh vẫn luôn là người duy nhất điếc và xung quanh đều là người có thể nghe. Nhưng trước sự động viên của gia đình và sự đồng hành của thầy cô, bạn bè, tư tưởng của Thu Anh bắt đầu thay đổi. Nữ sinh không suy nghĩ tiêu cực nữa mà tự đặt mục tiêu cho bản thân phải cố gắng gấp bội.
“Cũng nhờ những suy nghĩ tích cực nên em ít khi nghĩ tới những điều bi lụy hơn. Em luôn nghĩ mình có thể làm được như các bạn và đã làm đúng như thế”.
Nhờ vậy, suốt thời gian trung học, Thu Anh cố gắng học tập chăm chỉ và thi đỗ vào lớp chuyên Văn của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Sau đó, nữ sinh cũng giành được học bổng đi du học tại Canada và dần lấy lại được sự tự tin trong cuộc sống.
Ở môi trường mới, nữ sinh Việt vẫn giữ tâm thế cố gắng gấp đôi so với các bạn học. Vì vậy, cô liên tục nhận được giấy chứng nhận Dean’s List dành cho học sinh có GPA cao mỗi kỳ. Sự thiệt thòi, theo Thu Anh, không đến từ việc “khó nghe hơn các bạn khác” mà là thiệt thòi nếu như bản thân không có sự chủ động liên tục.
“Vì thế, em luôn chủ động trong mọi thứ: chủ động email hay gọi điện cho các giáo sư; chủ động tìm kiếm tài liệu nghiên cứu; chủ động email người mình muốn học hỏi và chủ động nắm bắt cơ hội”.
Ngoài ra, Thu Anh cũng không ngần ngại thuyết trình và giao tiếp bằng tiếng Anh dù đôi lúc vẫn còn nói ngọng. Nữ sinh cũng giữ vị trí Chủ tịch Câu lạc bộ Lập trình của Trường ĐH Fairleigh Dickinson.
Lựa chọn hướng đi hoàn toàn khác so với thời còn học phổ thông là ngành Công nghệ thông tin, Thu Anh cho biết, điều này xuất phát từ mối quan tâm và hứng thú của cô với công nghệ, nhất là khi công nghệ đã hỗ trợ người điếc rất nhiều trong thế giới nghe.
“Em chọn học ngành Công nghệ thông tin cũng vì em tò mò đằng sau những phần mềm của máy trợ thính mà em vẫn luôn quen thuộc được phát triển như thế nào. Hơn nữa, em cảm thấy những kỹ sư công nghệ có sức mạnh tạo nên sự thay đổi thực sự trong xã hội, giống như cách họ đã thay đổi thế giới của em”, Thu Anh nói.
'Người điếc cũng có thể làm mọi thứ'
Mùa hè năm ngoái, Thu Anh bắt đầu đi tìm kiếm những cơ hội mới. Sau đó, nữ sinh giành được cơ hội đi thực tập tại bộ phận iOS Accessibility của Apple. Dự án thực tập liên quan đến Headphone Accommodations (Trợ năng cho tai nghe) thiết kế hỗ trợ người điếc và khiếm thính trong việc áp dụng dữ liệu thính lực đồ của Thu Anh rất thành công, đã được công bố và sắp cho ra mắt trên iOS 15.
Đến năm nay, cô tiếp tục giành được một vé tham dự Hội nghị nhà phát triển toàn cầu của Apple – ước mơ của nhiều sinh viên công nghệ thông tin - do thắng giải thử thách mã hóa Swift Student Challenge.
Cuộc thi yêu cầu sinh viên thực hiện một dự án lập trình cùng bài luận chia sẻ về dự án ấy. Nữ sinh người Việt đã chọn chủ đề Thính lực đồ với mục đích là để phổ biến kiến thức về thính lực đồ tới tất cả mọi người.
“Nhiều người cho rằng khả năng nghe của bản thân là hiển nhiên, không cần phải chăm sóc nuôi dưỡng. Nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm. Vì thế, qua dự án này, em mong muốn truyền tải thông điệp rằng, khả năng nghe không thể là mãi mãi nếu như ta không biết trân trọng”, Thu Anh nói.
Cả quá trình lên ý tưởng, viết luận, lập trình được Thu Anh thực hiện trong 10 ngày. Thời gian tuy gấp rút nhưng may mắn, mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ.
Thực hiện dự án này, Thu Anh cũng mong muốn các công ty công nghệ đầu tư nhiều hơn về mảng trợ năng dành cho người điếc. Bởi, một sản phẩm tốt là sản phẩm không bỏ quên bất kỳ cộng đồng nào trong xã hội và dùng được cho tất cả mọi người.
Thu Anh luôn giữ cho mình sự lạc quan, tự tin. Ảnh: NVCC
Cho đến thời điểm hiện tại, khi đã được đi trên hành trình thực hiện những điều mà mình ước mơ, Thu Anh cho biết bản thân đã nhận lại được nhiều thứ.
Đó là sự tự tin, lòng can đảm, tình cảm với cộng đồng người điếc, gia đình, bạn bè và lòng tin yêu hơn với cuộc sống.
Mới đây, Thu Anh còn thành lập ra một câu lạc bộ sách cùng với bạn bè có thể trao đổi, chia sẻ về những cuốn sách mình đã đọc và viết về tác động của công nghệ với xã hội, và cách để những kỹ sư, lập trình viên có thể dùng công nghệ “làm tốt hơn” cho xã hội.
“Cuộc sống của người điếc vẫn luôn chứa đựng rất nhiều màu sắc. Nhiều người hay nhìn người điếc với ánh mắt cảm thương và dùng từ khiếm thính như một cách nói giảm, nói tránh.
Nhưng thực tế, gọi người điếc là sự tôn trọng nhất bởi đó là một cộng đồng có ngôn ngữ và văn hóa riêng, rất đẹp và phong phú. Và em nghĩ rằng, người điếc cũng có thể làm mọi thứ như những người khác, chỉ là không thể nghe mà thôi.
Vì vậy, em cũng mong muốn một người điếc tồn tại không phải để truyền cảm hứng hay làm một tấm gương vươn lên. Đó cũng là những con người hoàn toàn bình thường, và họ cũng có rất nhiều hoài bão, ước mơ và cả tình yêu thương”.