Cắt nghĩa hai chữ “cao số” và cách cải số

Google News

(Kiến Thức) - Chúng ta thường nghe nói cô này cao số nên khó lấy chồng hay anh kia cao số nên sát vợ… Vậy, hai chữ “cao số” được cắt nghĩa như thế nào?

Số thế nào là cao?
Trong cuộc sống thường ngày, hẳn nhiều người đã một lần nghe thấy thiên hạ bàn tán anh này chị kia cao số. Đó là những khi các nhân vật đó ở vào những trường hợp như: muộn lập gia đình hoặc là đã qua một vài lần hôn nhân đổ vỡ hay bị góa vợ góa chồng sớm…
Mặc dù khái niệm “Cao số” chưa được định nghĩa một cách chính thức nhưng trong các sách số, sách tử vi đã có những lý giải về nó.
Cuốn sách số Diễn cầm tam thế của Dương Công Hầu kết hợp tuổi với giờ sinh để quyết đoán người ta có lấy vợ lấy chồng được không. Theo đó, những người tuổi: Dần, Mão, Thìn mà sinh vào giờ Tị hoặc giờ Sửu thì phạm. Người tuổi Thân, Dậu, Tuất mà sinh giờ Hợi hoặc giờ Mùi là phạm. Người tuổi Hợi, Tý, Sửu mà sinh giờ Dần hoặc giờ Tuất thì phạm. Người tuổi Tị, Tý, Mùi mà sinh giờ Thân hoặc giờ Thìn là phạm.
 Bình thường phụ nữ tuổi Dần thường hay bị người đời ngộ nhận là cao số. Ảnh: Internet.
Các tuổi sinh vào giờ bị phạm thì Dương Công Hầu quả quyết: “Trai phạm nhằm tuổi này, giờ này thì không có vợ; gái phạm nhằm tuổi này giờ này thì không có chồng”.
Trong khoa Tử vi, một người được cho là cao số khi cung mệnh của người đó có sao Cô Thần hoặc Quả Tú. Gặp hai sao này đóng cung mệnh thì hoặc là việc tình duyên sẽ trắc trở yêu mà không đến được với người mình yêu hoặc là sớm rẽ lìa đôi lứa… Nói chung là tình duyên hôn nhân không thuận lợi.
Đó mới chỉ là nói một vế của cao số là về chuyện có chồng có vợ không. Vế còn lại của khái niệm cao số là có khi có gia đình nhưng vợ chồng xung khắc nhau dẫn đến đổ vỡ phải vài ba lần đò mới yên ấm. Về điều này, trong Tử vi có nhiều câu phú nói đến.
Chẳng hạn có câu:
Vũ Khúc, Thất Sát đồng danh
Ba lần hôn phối mới lành được chăng
Câu này có nghĩa là cung Phu Thê mà có Vũ Khúc và Thất Sát cùng tọa thủ thì người ấy phải vài ba cuộc hôn nhân may ra mới yên ổn được.
Hoặc:
Phối cung Không Kiếp kể chi
Trai hai ba độ họa may mới toàn.
Không là Thiên Không hay Địa Không, Kiếp là Địa Kiếp. Đó là những ác sát tinh mà những người xem Tử vi rất ngán ngẩm. Những sao này nằm ở cung nào là mang lại điều xấu cho cung đó. Như câu trên tức là cung Phu Thê (hay còn gọi tắt là cung Phối) mà có Thiên Không hoặc Địa Không đi kèm Địa Kiếp thì cũng phải vài ba lần đò mới đến được bến bờ yên ấm.
Cải số được không?
Khoa Phong Thủy có khái niệm Phong thủy cải vận tức là dùng những vật phẩm để “trấn yểm” nhằm hạn chế bớt tai hại và chiêu tài lộc vượng khí vào nhà, vậy khi ở vào trường hợp “cao số” hoặc mang một lá số tử vi xấu thì có cải số được không.
Về vấn đề này, cuốn Cuộc đời và số mệnh của tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Tùng đã có những lời bàn sâu sắc. Ông viết: “Khoa Tử Vi mà chúng ta đề cập ở đây chỉ dẫn cho chúng ta những trường hợp và phương cách cải số nhưng xét ra cũng rất hạn chế và kết quả của cuộc cải số này vẫn còn ràng buộc chặt chẽ vào những yếu tố quan trọng mà con người khó lòng kiểm chứng được, đó là phúc đức của mỗi người. Khi nói phúc đức của mỗi người chúng ta đã hiểu rằng phúc đức tạo được do chính bản thân mình tạo ra và phúc đức mà mình thừa hưởng được từ cha mẹ, ông bà hay nói chung là của dòng họ. Như vậy, chúng ta đã nói biết số và thuận theo số cũng là một hình thức cải số nhưng tiêu cực”.
Bên cạnh cách cải số tiêu cực như trên thì còn một số cách được gọi là tích cực tuy nhiên hiệu quả cũng rất hạn chế. Ví dụ khi một đứa con nào đó sinh ra có lá số xung khắc với cha mẹ thì thường nó sẽ hay đau ốm bệnh tật hoặc là từ khi sinh ra đứa con này, cha mẹ của nó thường gặp những điều không may. Trong trường hợp này, các thày Tử vi thường đưa ra lời khuyên là cho đứa con đó ở với ông bà nội, ngoại hoặc là gửi đến cô dì chú bác.
Cách này nghe có vẻ là dễ nhưng lại gặp phải một khó khăn rất lớn bởi vì có cha mẹ nào sinh con ra mà không muốn chính tay mình nuôi dạy con. Thêm vào đó là biết bao hệ lụy về mặt tâm lý và sự hình thành nhân cách của đứa nhỏ khi không được trực tiếp sống với cha mẹ.
Với chủ đề cao số, tác giả Vĩnh Tùng viết: “Một ví dụ khác như đối với những người con gái mà khoa Tử Vi gọi là “cao số” hoặc có số hình khắc với chồng con, nặng nề hơn là số sát phu thì những lời khuyên thông thường là không nên cử hành đám cưới hỏi linh đình, mà càng nên đơn giản, càng lặng lẽ âm thầm càng tốt. Tùy theo mức độ khắc sát nặng nhẹ, hoặc lễ cưới không đốt đèn long phụng, không rước dâu, hoặc có thể ở mức độ là cô dâu lặng lẽ xách vali về nhà chồng, hay một hình thức khác mà chúng ta thường nghe nói là cưới chạy tang.
Cưới chạy tang là trường hợp đôi bên chưa có ý định làm đám cưới, nhưng nếu trong gia đình hai bên có tang, thì đây cũng là một cơ hội hóa giải sự khắc sát nặng nề, những giọt nước mắt ngày sau khóc chồng thì nay đã đổ xuống cho tang sự”.
Mặc dù có đưa ra những ví dụ như thế, song tác giả Vĩnh Tùng cũng như rất nhiều bậc thầy Tử vi khác đều đồng ý rằng cách cải số tốt nhất, cao nhất là “Đức năng thắng số”. Mà phúc đức thì ngoài chuyện được thừa hưởng từ tổ tiên dòng tộc ra còn là chính những kết quả của chính chúng ta gieo nên trong đời sống thường nhật mà ta vẫn quen nói là tu nhân tích đức.
Để minh chứng cho điều đó, một ví dụ rất điển hình được Vĩnh Tùng dẫn ra là: “Ví dụ như một giai thoại về đức năng thắng số là một cậu bé được ông thầy coi số và nói với cha mẹ cậu ta sẽ không sống qúa tuổi 17. Một ngày tình cờ đi qua con suối, cậu bé thấy tổ kiến có hàng ngàn con kiến đang bị cuốn trôi theo dòng nước. Cậu bé can đảm lội xuống suối để cứu tổ kiến. Và cha mẹ đã ngạc nhiên khi thấy cậu vẫn sống qua tuổi 17”. Ở đây, chính cái tâm thiện khởi phát của cậu bé trong lúc cậu lội xuống suối cứu đàn kiến đã tích cho cậu nhiều nhân đức để thắng cái số yểu mệnh vốn dĩ của cậu.
(*) Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.
Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)