Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (ĐHQG Hà Nội) - chỉ cho tôi từng đường nét trên tấm bản đồ vẽ “đế chế An Nam” của nhà địa lý kiệt xuất Phillippe Vandermaelen xuất bản năm 1827. Trong đó, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm trọn trong vùng biển của miền Trung của xứ An Nam ngày ấy.
|
Truyền thông trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm sự kiện giới thiệu bộ Atlas thế giới này. |
Giờ đây, biển Đông đang dậy sóng khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, tấm bản đồ đã trở thành một bằng chứng vô giá khẳng định chủ quyền biển đảo của ta.
Vừa được công bố bộ bản đồ đã gây xôn xao dư luận, nhưng ít ai biết hành trình từ châu Âu tới Việt Nam của bộ bản đồ đặc biệt này. Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc đã kể về hành trình tìm bộ Atlas thế giới. Câu chuyện cuốn hút, hấp dẫn và ly kỳ.
Ở Paris ngẫu nhiên gặp bản đồ Hoàng Sa - Trường Sa
Năm 1993, giáo sư Ngọc được giao chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Từ đó, ông rất quan tâm khai thác tư liệu ở nước ngoài, đặc biệt là tư liệu bản đồ. Ông đã tập hợp được nhiều bản đồ của phương Tây và Trung Quốc về Việt Nam.
Gần đây, khi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức triển lãm tư liệu chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa đã mời ông làm chủ tịch Hội đồng thẩm định và lại được tiếp xúc với rất nhiều loại bản đồ. Nhưng cơ duyên dẫn ông tới bộ Atlas thế giới nổi tiếng lại từ một người học trò.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Hải - làm nghiên cứu sinh tiến sỹ do GS Nguyễn Quang Ngọc hướng dẫn. Đang làm nghiên cứu sinh thì chị Hải xin được học bổng làm tiến sỹ ở Đại học Paris 7 ở Pháp. Mỗi lần sang Pháp nghiên cứu tư liệu, GS Ngọc được người học trò của mình giúp đỡ. Và cơ hội gặp bộ Atlas thế giới đã đến từ một ngày tình cờ của chị Hải. GS Ngọc kể:
|
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc đang thuyết minh về mảnh bản đồ “Đế chế An Nam”. |
“Hải biết tôi rất quan tâm đến những tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa. Một lần, Hải đến thư viện quốc gia Pháp thấy trước cổng có hiệu sách bán rất nhiều bản đồ và Atlas cổ. Rất ngẫu nhiên, Hải phát hiện thấy một tờ rời vẽ vùng biển Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hải đã chụp lại tờ đó và gửi về cho tôi.
Có nhiều năm nghiên cứu về bản đồ, tôi nhận thấy ngay, đây là tấm bản đồ rất quý. Tôi chưa thấy tấm bản đồ phương Tây nào thể hiện chủ quyền của mình rõ như vậy. Tôi lập tức gọi điện sang nhờ Hải mua lại tờ đó. Tờ này dĩ nhiên đã được vẽ lại hoặc scan chứ không phải bản gốc.
Chị Hải mua được tờ đó và gửi về. Tôi chia sẻ tờ này và được mọi người trong giới đánh giá đây là bằng chứng rất quý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi đã báo cáo việc này tới Bộ TT&TT. Bộ TT&TT đã tổ chức một hội đồng gồm các chuyên gia để đánh giá tấm bản đồ. Vì thực tế, sau khi khai thác thông tin tôi biết đây chỉ là một tờ rời nằm trong bộ Atlas gồm 6 tập.
Phải nghiên cứu bộ gốc trong tổng thể của nó mới đánh giá được hết giá trị. Lúc đó, Bộ TT&TT, trực tiếp là Thứ trưởng Trương Minh Tuấn và anh Lê Văn Nghiêm - Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại đã động viên tôi: GS là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất để giáo sư sang bên đó nghiên cứu trực tiếp bộ Atlas”.
Ông Ngô Chí Dũng - Giám đốc dược phẩm Eco đã trở thành Mạnh Thường Quân tài trợ cho giáo sư Nguyễn Quang Ngọc chuyến đi sang châu Âu tìm bộ Atlas.
Những điều lạ của cuốn Atlas thế giới
GS Ngọc bay sang Pháp và nhờ sự chắp nối của người học trò Nguyễn Thị Hải, ông đã gặp các giáo sư của đại học Paris 7 và Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Các vị giáo sư đánh giá đấy là bộ Atlas rất quý đồng thời tiết lộ ở Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viên Đại học Y của Pháp đang có bộ Atlas này.
GS Ngọc đến Thư viện quốc gia Pháp và ngạc nhiên khi thấy ở đây có hai bộ Atlas thế giới. Một bộ rời chỉ có 99 tờ, nhưng trong đó 4 tờ về Việt Nam thì vẫn còn nguyên. Bộ thứ 2 đầy đủ 6 tập của Hoàng tử cháu ruột Hoàng đế Napoleon Bonapart, vẫn còn dấu từng tờ bản đồ từ ngày xưa. Bộ sách gốc của hoàng tử cháu ruột Napoleon ở Thư viện Quốc gia Pháp đã mang lại cho giáo sư Nguyễn Quang Ngọc những cảm xúc khó tả.
Sau đó, ông sang Thư viện Trường Y - Paris. Lúc đầu ông lấy làm lạ: Vì sao thư viện Trường Y lại có bộ sách này? Nhưng khi đến thì ông đã có câu trả lời: Đó là một thư viện vĩ đại- một trung tâm lớn về khoa học của Pháp. Rất nhiều thành tựu lớn về khoa học được lưu trữ ở đây. Bộ Atlas thế giới có ở đây và được đóng dấu riêng của thư viện.
|
Một mảnh của bộ bản đồ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. |
Hành trình tiếp theo, GS Nguyễn Quang Ngọc sang Bỉ, quê hương của nhà địa lý kiệt xuất Phillippe Vandermaelen - tác giả của bộ Atlas thế giới. Nước Bỉ có truyền thống về bản đồ, sớm và nổi tiếng bậc nhất thế giới. Phillippe Vandermaelen sinh ra trong một gia đình giàu có, bố hành nghề y và có cơ sở sản xuất xà phòng rất lớn. Nhưng từ nhỏ Phillippe Vandermaelen không thích y học lẫn sản xuất xà phòng mà lại đam mê vẽ bản đồ.
Chính Phillippe Vandermaelen tham gia vẽ bản đồ cho Napoleon. Năm 1816, bố mất, Phillippe Vandermaelen không bị ràng buộc bởi công việc kinh doanh nữa, đã dồn tâm sức và gia sản cho việc làm bản đồ. Ông là người đầu tiên đưa kỹ thuật in li-tô vào nước Bỉ. Ông mua hàng nghìn phiến đá lớn từ Đức đưa sang Bỉ để in li-tô.
Sang Bỉ, GS Ngọc dành nhiều thời gian nghiên cứu các tài liệu ở Viện Địa lý Hoàng gia. Tại đây, ông nhận thấy, bộ gốc Atlas thế giới ở Bỉ và ở Pháp giống nhau. Người ta đều cho rằng đây là những bộ xuất bản từ 1925 - 1927. Theo chuyên gia nghiên cứu về Phillippe Vandermaelen ở Thư viện Hoàng gia Bỉ thì bộ Atlas có 4 trang về Việt Nam được làm năm 1826.
GS Nguyễn Quang Ngọc kích chuột vào tấm bản đồ cổ được chụp lại trên máy tính, thuyết minh cho tôi hay: “Điều tôi kinh ngạc nhất ở đây là công nghệ vẽ bản đồ . Lúc đấy ở các nước phương Đông, kể cả Nhật Bản và Trung Quốc đều vẽ bản đồ bằng tưởng tượng và cảm tính, không có tỷ lệ chính xác, không có giá trị khoa học mấy. Còn với bộ Atlas thế giới nếu so nó với bản đồ ngày nay thì đường vĩ tuyến trùng khớp tuyệt đối...”.
Đã thấy quý vật nhưng làm sao để đưa về Việt Nam? Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc kể tiếp cuộc hành trình của mình: “Tôi đến Hiệu sách cổ Sanderus, số 32, Nederkouter ở thành phố Gent và gặp bộ sách Atlas thế giới ở đó. Khi tôi làm so sánh đối chiếu thì thấy rằng bộ sách này với các bộ Atlas thế giới ở Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ hay Thư viện Quốc gia Pháp là một, đều được in vào năm 1827. Khi đã xác định được một cách chắc chắn rồi, tôi báo với Bộ TT&TT và anh Ngô Chí Dũng- nhà tài trợ.
Tôi và các chuyên gia đều khẳng định rằng đây là bộ bản đồ quý nhất đầu thế kỷ 19, minh chứng một cách rõ ràng, mạch lạc chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Một bộ sách quý như vậy thì không có lý do gì để không mua. Tiền trong nước được chuyển vào tài khoản của học trò tôi - chị Nguyễn Thị Hải, và từ đó chị Hải chuyển tiếp tiền sang tài khoản của hiệu sách kia.
Khi mua xong, có người của ta, đến cầm sách mang về nước, chứ tôi không cầm. Tôi nghĩ bộ Atlas này sẽ được coi như một tài sản quốc gia. Trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở vùng biển Việt Nam thì việc trao cuốn Atlas cổ này rất có ý nghĩa, nó nhắc Trung Quốc biết rằng họ không có chủ quyền hay lợi ích cốt lõi ở đây”.
Vì sao bộ Atlas cổ với 4 tấm bản đồ về Việt Nam lại quý đến như vậy? Khi làm bộ Atlas thế giới Phillippe Vandermaelen đã dựa vào những bản đồ tốt nhất đến đầu thế kỷ 19. Đó là những tấm bản đồ đã được điều tra nghiên cứu rất cụ thể, rõ ràng dựa trên điều tra thực địa và quan sát thiên văn của các chuyến du hành.
Tôi nhìn lên tấm bản đồ cổ, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, những cù lao Ré, Cù Chàm... hiện rõ trên vùng biển miền Trung của “đế chế An Nam”. GS Nguyễn Quang Ngọc thốt lên rằng tấm bản đồ giá trị bởi tính khách quan.
Phillippe Vandermaelen vẽ bản đồ thế giới đã khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam vì có đầy đủ tư liệu, và cơ sở khoa học, chứ chẳng phải như Trung Quốc, bị thôi thúc bởi tham vọng độc chiếm biển Đông mà tưởng tượng ra “đường lưỡi bò” phi lý.