3 lần đi viện chỉ vì lỵ amip
Bà Nguyễn Thị Vinh (63 tuổi ở Long Biên, Hà Nội), 2 tháng phải nhập viện 3 lần vì đau bụng kéo dài, đi ngoài ra mủ và máu. Lần thứ nhất bà được chẩn đoán viêm tụy cấp được điều trị ra viện sau đó vẫn đau bụng, đi ngoài khó, có mủ. Lần thứ hai bà lại được chẩn đoán viêm đường mật. Ra viện về nhà, dù dùng cả thuốc Nam nhưng bà vẫn đau quặn bụng từng cơn, đi ngoài nhiều lần... Lần thứ 3 được nội soi tiêu hóa thì niêm mạc đại tràng của bà đã bị loét nhiều ổ hình cúc áo và miệng núi lửa, soi phân tươi phát hiện kén lỵ amip. Bà phải nằm viện điều trị gần 20 ngày, nhưng nếu chỉ chậm vào viện 1 - 2 ngày nữa, đại tràng bị thủng, phải phẫu thuật thì điều trị rất khó khăn.
BSCK II Vũ Đức Chung, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354 cho biết, lâu lắm rồi mới thấy bệnh nhân bị lỵ amip nhiều như vậy. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng đã có trên 10 bệnh nhân nhập viện. Đa phần đi nội soi đại tràng thì phát hiện ra. Hầu hết bệnh nhân đều ở giai đoạn muộn, có trường hợp thủng đại tràng. Đặc biệt, có gia đình cả hai vợ chồng đều bị.
Theo BSCK II Vũ Đức Chung, lỵ amip là bệnh do nhiễm đơn bào Entamoeba histolytica gây loét ở niêm mạc đại tràng. Bệnh lây qua đường tiêu hóa do ăn phải thức ăn hoặc nước uống có kén amip. Triệu chứng ban đầu của lỵ amip rất kín đáo, người bệnh thường khó phát hiện. Sau 2 - 6 tuần bị nhiễm kén amip, người bệnh thấy đau bụng dưới và tiêu chảy, đau quặn bụng từng cơn ở hố chậu phải, đau lan cả bụng dưới hoặc ra sau lưng. Người bệnh đi ngoài có khi tới 10 - 15 lần/ngày. Phân chủ yếu là máu và nhầy nhớt.
Đôi khi người bệnh mót đi ngoài nhưng đi ngoài không có phân (dấu hiệu đi ngoài giả). Bệnh không được điều trị cũng có thể tự ổn định dần và thường để lại các biến chứng do tổn thương niêm mạc đại tràng, khi không được điều trị bệnh có thể gây thủng đại tràng hoặc có thể tiến triển mạn tính với nhiều đợt bệnh cách khoảng nhau.
|
Nội soi cho bệnh nhân bị lỵ amip tại Bệnh viện 354. |
Nhiều biến chứng nguy hiểm
BSCK II Vũ Đức Chung cảnh báo, lỵ amip lây qua đường tiêu hóa, trực lỵ theo thức ăn, nước uống vào miệng, khi đến ruột thì xâm nhập vào niêm mạc ruột, gây sang thương là những vết loét nhỏ trong lòng ruột. Bệnh xảy ra khắp nơi trên thế giới với tỷ lệ 10%. Ở Việt Nam, tỷ lệ người lành mang mầm bệnh có nơi lên đến 25%, tại TPHCM tỷ lệ trung bình là 8%. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nặng ở người già và trẻ nhỏ. Đặc biệt, bệnh dễ gây thành dịch ở những nơi điều kiện vệ sinh kém vì chỉ cần 8 con trong ruột là có thể gây bệnh. Hầu hết các trường hợp nhiễm amip đều không có triệu chứng, vì vậy người bệnh thường ít khi tự phát hiện mình bị bệnh, nên bệnh có xu hướng chuyển thành mạn tính và kéo dài, khiến việc điều trị gặp không ít khó khăn.
Để phòng bệnh lỵ amip, cần thực hiện triệt để ăn chín uống sôi, không nên ăn rau sống, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đối với bà con nông dân không nên dùng phân tươi bón rau.
TIN LIÊN QUAN: