Vụ 5 người ngộ độc nấm: Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất đã tử vong

Google News

(Kiến Thức) - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bé Lý Minh Khôi (13 tuổi) ở Võ Nhai, Thái Nguyên đã tử vong.

Người nhà bệnh nhân cho biết, em đã tử vong lúc 7h sáng 13/3, hiện thi thể bệnh nhân đã được đưa về Thái Nguyên và dự định an táng vào ngày mai.
Bốn bệnh nhân khác là hai vợ chồng bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi) và Triệu Nho Phú (56 tuổi), chị Lý Thị Thơm (35 tuổi) và cháu họ chị Thơm là Lý Thị Thùy (14 tuổi) đang được các bác sĩ điều trị tích cực, lọc máu, thay huyết tương và chưa tiên lượng được tình hình.
 Bệnh nhân ngộ độc nấm đang được điều trị
Trước đó, ngày 9/3, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) đã tiếp nhận cùng lúc 5 bệnh nhân trong 2 gia đình được chuyển từ Thái Nguyên do ngộ độc nấm rất nặng. Trường hợp nặng nhất là bà Vũ Thị Hồi, 60 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốc, tụt huyết áp, trụy mạch, kèm theo hội chứng rối loạn tiêu hóa: nôn mửa, tiêu chảy…
Cũng liên quan đến tình trạng ngộ độc nấm, trong ngày 13/3, Trung tâm mới tiếp nhận thêm 4 bệnh nhân ngộ độc nấm từ Thái Nguyên chuyển xuống. Theo thông tin ban đầu, được biết những bệnh nhân này cũng bị ngộ độc do ăn phải nấm tán trắng. Đây là loại nấm có tán màu trắn, mùi thơm dịu, gần giống nấm thường vì thế nhiều người nghĩ không phải nấm độc.
Trước tình trạng ngộ độc nấm ngày càng gia tăng, ngày 12/3, Cục An toàn Thực phẩm đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp tuyên truyền cho người dân về công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm do nấm độc gây ra.
 Cần tuyên truyền người dân không nên sử dụng nấm không rõ nguồn gốc. Nhất là nấm rừng
Theo đó, các địa phương dựa vào tình hình thực tế để huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn trong công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm do nấm độc.
Thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng chống ngộ độc do nấm độc tới tận hộ gia đình dưới nhiều hình thức bằng cả tiếng tiếng Kinh và tiếng dân tộc. Tuyên truyền để người dân tuyệt đối không hái, sử dụng nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc để ăn, khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Các đơn vị chức năng tăng cường hoạt động giám sát ca bệnh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm do nấm độc để phát hiện sớm và triển khai kịp thời các biện pháp dự phòng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân và khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc do ăn nấm độc xảy ra.
Lê Phương

Bình luận(0)