Mạng Strategy Page đưa tin cho hay, Trung Quốc đã quyết định không tiến hành xuất khẩu dòng tiêm kích tàng hình J-20 do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô nước này chế tạo.
Quyết định này có thể được coi tin xấu cho một số quốc gia hiện đang muốn mua các dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 giá rẻ từ Trung Quốc. Kể từ khi được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2011 cho đến nay, J-20 đã được Trung Quốc tiến hành sửa đổi khá nhiều lần và hai nguyên mẫu gần đây nhất của dòng máy bay này còn được trang bị hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động.
|
Giấc mơ xuất khẩu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc còn khá xa vời.
|
Bên cạnh đó, 3 trong tổng số sáu nguyên mẫu đầu tiên của tiêm kích tàng hình J-20 đã được đưa vào bay thử nghiệm trong năm 2014, nhiều chuyên gia quân sự cũng đánh giá rằng Trung Quốc đã vay mượn thiết kế F-22 của Mỹ để phát triển J-20. Ngoài ra hệ thống động cơ phản lực Saturn AL-31F của J-20 cũng bị cho là hoạt động kém hiệu quả so với thiết kế động lực học của J-20.
Động cơ cũng là điểm yếu lớn nhất trong thiết kế của J-20 hiện tại, khi mà AL-31F vốn là dòng động cơ phản lực được Nga chế tạo để trang bị cho các dòng máy bay tiêm kích đa năng như Su-30, Su-27 hay cường kích Su-34. Xét về nhiều góc độ thì J-20 vẫn thua xa so với F-22 của Mỹ hay PAK FA của Nga.
Trong một cuộc xung đột tiềm năng trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc thì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ triển khai các phi đội tiêm kích tàng hình J-20 để tấn công biên đội tàu sân bay của Mỹ, nhưng với các tính năng kỹ chiến thuật yếu kém của J-20 hiện tại thì vẫn còn nhiều câu hỏi cần được trả lời.
Mặt khác Trung Quốc vẫn biết rõ các yếu điểm của J-20 cho nên nước này vẫn tiếp tục phát triển và hoàn thiện J-20 với nhiều nguyên mẫu khác nhau, ngoài ra Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phát triển dòng động cơ phản lực nội địa WS-15 để trang bị trên J-20.