Trẻ nhập viện vì cha mẹ nhầm triệu chứng bệnh giao mùa

Google News

Không ít phụ huynh không phân biệt được triệu chứng ban đầu của các loại bệnh, dẫn đến cho con uống sai thuốc và bệnh nặng thêm.

Các bác sĩ cảnh báo, hiện đang là thời điểm thời tiết giao mùa, rất khó chịu (ngày nắng, đêm se lạnh), trẻ em dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp và tiêu chảy do virus. Tuy nhiên, không ít phụ huynh lại không phân biệt được triệu chứng ban đầu của các loại bệnh, dẫn đến cho con uống sai thuốc và khi nhập viện thì bệnh đã nặng.

Người khám, nhập viện tăng

Theo ghi nhận của PV, tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, như Nhi trung ương, Xanh Pôn, Bạch Mai... số bệnh nhân tới khám và điều trị các bệnh liên quan đến mũi, họng tăng theo ngày.

Khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) từ đầu tuần trước luôn đông trẻ bị viêm đường hô hấp đến điều trị. TS. Nguyễn Tiến Dũng, trưởng Khoa Nhi cho biết, thời tiết ngày nắng, đêm se lạnh là nguyên nhân khiến số trẻ nhập viện do các bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng, đặc biệt là trẻ bị bệnh hen. Bệnh thường gặp ở các bệnh nhi là viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản cấp, hen phế quản, viêm amidan...

Cũng theo TS. Dũng, hen phế quản là quá trình viêm mạn tính ở đường hô hấp với các đợt bệnh nặng gây cơn hen cấp tính. Ở nhiều trẻ, các cơn bệnh này thường xảy ra vào ban đêm mỗi khi thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh. "Thông thường, hen phế quản thường xuất hiện ở trẻ khi trẻ bị nhiễm siêu vi trùng đường hô hấp, với các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ho", TS. Dũng nói. Bệnh nhi đến khám nhiều bởi cha mẹ sợ bệnh về đường hô hấp không được điều trị ngay và dứt điểm sẽ biến chứng sang xoang mũi, viêm tai.

v
Chen lấn xếp hàng mua sổ khám bệnh cho con.

Các bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết, hiện nay ở miền Bắc thời tiết giao mùa, các loại siêu vi trùng phát triển mạnh, nhiệt độ chênh lệch giữa đêm và ngày lớn nên các bệnh viêm đường hô hấp như: Cúm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi... có cơ hội bùng phát.

Trong khi đó, sức đề kháng của trẻ em yếu, khả năng thích nghi với sự thay đổi thời tiết kém nên các bệnh viêm đường hô hấp như: Viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, hen... có điều kiện hoành hành. Hiện tại, trung bình một ngày mỗi bệnh viện lớn tại Hà Nội phải tiếp gần 100 bệnh nhân vào khám và điều trị các bệnh liên quan tới mũi, họng với các triệu chứng ho, sốt, ngạt mũi kéo dài.

Theo nhận định của các bác sĩ tại phòng khám của bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ đến đây bệnh đã tiến triển nặng với các triệu chứng sốt cao, khó thở, thở khò khè, vì thế số trẻ phải nhập viện điều trị rất lớn. Khoa Hô hấp của bệnh viện Nhi luôn trong tình trạng quá tải, mỗi ngày có hơn 100 bệnh nhi vào cấp cứu và điều trị, 2-3 bệnh nhi nằm chung một giường bệnh và thời gian điều trị thường phải kéo dài từ 5-7 ngày với chi phí lớn. Một điều đáng ngại nữa là trẻ bệnh nặng phải dùng thuốc kháng sinh liều cao, chủ yếu là tiêm và truyền.

Trẻ nhập viện do tiêu chảy cũng gia tăng, hiện mỗi ngày khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khoảng 10-15 bệnh nhân. Có những đêm, khoa này tiếp nhận 2 hoặc 3 trẻ vào cấp cứu do mất nước.

Phần lớn bệnh nhi là trẻ từ 2 tuổi trở xuống. Điều đáng ngại, có trường hợp trẻ bị tiêu chảy từ 5-7 ngày, đã được gia đình cho uống đủ các loại thuốc, bệnh không đỡ mới nhập viện nên tình trạng bệnh rất nặng.

Chị N.T.T (ở Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) có con 2 tuổi đang điều trị ở bệnh viện cho biết, thấy con ho, sốt, khò khè và đi ngoài liên tục nhưng chị đã không đưa con đến bác sĩ khám ngay mà tự ý mua thuốc  kháng sinh điều trị tại nhà gần một tuần nên bệnh con càng nặng thêm. Khi được đưa đến viện cấp cứu, bé đã viêm phế quản cấp và bị tiêu chảy.

Các bác sĩ cho biết, bệnh này khá phổ biến ở trẻ nhỏ, nếu đã bị mắc bệnh cần uống nhiều nước oresol (pha đúng hướng dẫn ghi trên gói thuốc) và phải đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa để chữa trị.

Theo bác sĩ Phùng Nhã Hạnh, Bệnh viện Xanh- Pôn (Hà Nội) thì, hiện miền Bắc bắt đầu vào mùa, trẻ bị tiêu chảy do  Rotavirus. Phần lớn, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và nếu không được thăm khám, xét nghiệm kỹ, dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như cảm lạnh, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, thậm chí có nhiều gia đình đổ tại trẻ mọc răng nên tiêu chảy.

Chính những nhầm lẫn đáng tiếc đó khiến không ít trẻ nhập viện trong tình trạng mất nước, sức khỏe suy kiệt nặng vì bị tiêu chảy quá nhiều lần mà không được điều trị đúng cách. Bác sĩ Hạnh khuyến cáo, tiêu chảy do virus khiến ruột bị tổn thương, do đó cần cung cấp đủ dinh dưỡng để rút ngắn thời gian (5 ngày thay vì 15 ngày) hồi phục cho trẻ. Tuy nhiên không nên cho trẻ ăn những chất khó tiêu như bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn...

Cũng theo bác sĩ Hạnh, do sức đề kháng của trẻ em yếu, khả năng thích nghi với sự thay đổi thời tiết kém vì vậy trong thời điểm chuyển mùa này, các bậc cha mẹ cần phải chú ý đến việc phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp và tiêu chảy cho trẻ.

Cách tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ là giữ thân nhiệt ổn định, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với không khí nóng, lạnh đột ngột. Ngoài ra, trong chế độ ăn uống, cha mẹ cần cung cấp đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của trẻ.

Nếu trẻ sốt cao, trên 38,5oC mà dùng thuốc hạ sốt không đỡ cộng với các triệu chứng như trẻ lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, buồn nôn, nôn khan nhiều lần... thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ khám và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh không được tự ý mua thuốc kháng sinh tự điều trị bệnh cho trẻ; phải dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh gây nguy hại đến trẻ. Bởi uống thuốc kháng sinh không đúng liều lượng, không theo chỉ định, nhất là khi chưa chẩn đoán bệnh đúng sẽ dẫn tới kháng thuốc.      

Trẻ nhập viện tăng kỷ lục

Theo tìm hiểu của PV, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) có ngày tiếp nhận đến 7.000 trẻ đến khám bệnh và điều trị (trong đó có 2.000 trẻ cần phải nhập viện). Trẻ mắc bệnh về đường hô hấp chiếm tỷ lệ lớn nhất. Khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi đồng 1 đang ở trong tình trạng rất ngột ngạt; buồng bệnh, hành lang, các lối đi đều được thân nhân tận dụng để mắc võng, làm chỗ nằm tạm cho bệnh nhi.

Trong buồng bệnh, trẻ phải nằm đôi, thậm chí nằm ghép 3 - 4/giường. Không khí nóng bức, ngột ngạt khiến nhiều bé khóc thét liên tục. Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng trong tình trạng tương tự. Hành lang khoa Hô hấp có hàng chục chiếc võng mắc san sát nhau để bệnh nhi nằm.

Theo N.Giang Người đưa tin

 

Bài đọc nhiều:

 

Y tế nước ta đi ngược “phòng bệnh hơn chữa bệnh”! Y tế nước ta đi ngược “phòng bệnh hơn chữa bệnh”! Đề phòng rắn cắn dịp cuối thu, đầu đông Đề phòng rắn cắn dịp cuối thu, đầu đông Cuộc phẫu thuật chửa ngoài tử cung “đầu đời” Cuộc phẫu thuật chửa ngoài tử cung “đầu đời”

 

[links()]

Bình luận(0)