Tím tái sau sinh, cẩn thận trẻ bị bệnh thần kinh

Google News

(Kiến Thức) - Trẻ bị tím tái sau khi sinh thường có dấu hiệu thần kinh, sang chấn não xuất hiện từng cơn và tần suất ngày càng tăng lên dù có thở oxy nhưng không đỡ.

Ảnh minh họa. 
Thông thường, tình trạng tím tái sau khi sinh là do phổi của trẻ chưa trưởng thành nên chức năng trao đổi oxy làm không tốt, đặc biệt là ở những trẻ đẻ thiếu tháng. Nguyên nhân là do tuần hoàn nhau thai bị ngưng trệ bởi sa dây nhau, rau tiền đạo, rau bong non... nên quá trình chuyển dạ bị thiếu oxy. Đồng thời, phế quản của trẻ bị tắc bởi nước ối và phân su, dẫn tới không khí không vào đến phổi; phổi bị tràn nước ối hoặc xẹp một vùng. 
Trẻ bị tím tái sau khi sinh thường có dấu hiệu thần kinh, sang chấn não xuất hiện từng cơn và tần suất ngày càng tăng lên dù có thở oxy nhưng không đỡ. Hiện tượng tím tái do viêm màng não ít gặp. Nếu mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ sẽ bị tím tái toàn thân, liên tục thở oxy mà không đỡ. 
Đặc biệt, nếu trẻ bị tím tái mà không có dấu hiệu thần kinh nhưng khó thở (không có tiền sử thai nghén bệnh lý) thì thường do thoát vị hoành bẩm sinh, tim bị đẩy sang bên, gây tràn khí màng phổi. Một số trường hợp trẻ sinh tím tái do có tiền sử thai nghén từ người mẹ bị mắc bệnh nội khoa. Ngoài ra, các nguyên nhân ít gặp khác là do cảm lạnh, viêm tai nặng, xoắn ruột...
Ngay khi thấy trẻ có hiện tượng tím tái, người nhà cần gọi ngay bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và hồi sức cấp cứu. Thông thường, bác sĩ sẽ thông phế nang cho trẻ (hút dịch từ mũi họng, chưa thở phải đặt nội khí quản, hút dịch ở phế quản). Sau khi hút dịch mà trẻ vẫn chưa tự thở được thì cần dùng dụng cụ hỗ trợ thở như mặt nạ... Tuỳ theo nguyên nhân gây tím tái mà trẻ được điều trị phù hợp.
BSCK II Nguyễn Hoàng Anh (Bệnh viện E)

Bình luận(0)