Tim loạn nhịp chậm dễ bị ngất

Google News

(Kiến Thức) - Loạn nhịp chậm là tình trạng nhịp tim dưới 60 lần/phút, có thể đều hoặc không đều...

Biểu hiện tim loạn nhịp chậm
Khi nhịp quá chậm, tim không thể bơm máu đủ đến các cơ quan khiến cho bệnh nhân bị các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi, cảm giác thiếu năng lượng, hụt hơi hoặc ngất xỉu. Có nhiều nguyên nhân gây loạn nhịp chậm như tuổi cao, di truyền, tác dụng phụ của thuốc, ngộ độc thuốc digitalis, chẹn bêta, chẹn kênh canxi... 
Ngoài ra, còn do bị nhồi máu cơ tim gây sẹo, các rối loạn dạng thấp (viêm đa cơ, xơ cứng bì, các nốt dạng thấp), bệnh nhiễm khuẩn, phẫu thuật cắt phải nút nhĩ thất (không chủ định), hẹp van động mạch chủ do vôi hoá, viêm nội tâm mạc hay  di căn ung thư... 
Biểu hiện của loạn nhịp chậm như mệt, quay cuồng, thở hổn hển, dễ mệt, chóng mặt, choáng váng, hơi thở ngắn, đau thắt ngực, thoáng ngất và ngất, lú lẫn, đột tử. 
TS.BS Đào Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Tim Mạch 1, Bệnh viện  Nguyễn Trãi TPHCM đang phẫu thuật đặt máy tạo nhịp. 
Giải pháp chữa trị
Ở bất kỳ độ tuổi nào người ta cũng có thể bị rối loạn nhịp chậm. Việc cấy máy tạo nhịp tim có thể giúp bệnh nhân có nhịp tim trở lại bình thường, từ đó tăng lượng máu và oxy cung cấp cho cơ thể, các triệu chứng cũng giảm bớt hoặc biến mất. 
Máy tạo nhịp là một thiết bị nhỏ cấy dưới da ở phần ngực trên. Trong vỏ kim loại của máy có chứa một cục pin và một vi mạch điện tử để điều chỉnh nhịp tim. Một sợi dây mảnh có bọc vỏ cách điện, một đầu được đưa vào buồng tim, đầu kia nối với máy tạo nhịp. Xung động sẽ được phát ra ở máy và dẫn truyền theo dây điện cực để kích thích tim đập. Máy tạo nhịp sẽ theo dõi nhịp tim liên tục và lưu trữ thông tin trong bộ nhớ cho đến khi bác sĩ kiểm tra máy. Khi phát hiện nhịp tim chậm, máy sẽ nhận cảm và kích thích tim đập theo nhu cầu thực tế lúc đó của bệnh nhân. 
Việc cấy máy tạo nhịp diễn ra nhanh chóng, ít rủi ro, được thực hiện bằng cách gây tê tại chỗ. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở phần ngực trên của bệnh nhân, đưa dây dẫn vào tim theo đường tĩnh mạch, đưa điện cực vào tim và sau đó nối với máy tạo nhịp. Máy tạo nhịp sẽ được vùi dưới da vùng dưới xương đòn. Hầu hết bệnh nhân được cấy máy tạo nhịp tim sau đó đều sinh hoạt bình thường. Một thuận lợi là hiện nay bảo hiểm y tế đã thanh toán chi phí cho bệnh nhân đặt máy tạo nhịp tim nên người bệnh hoàn toàn yên tâm.
TS.BS Đào Thị Thanh Bình (Trưởng khoa Tim Mạch 1, Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM)

Bình luận(0)