Tế bào ung thư ken đặc ruột người đàn ông thích nhậu

Google News

Người đàn ông đến viện khám do sụt cân nhanh, ăn uống kém. Bác sĩ kết luận, ông mắc ung thư giai đoạn 3.

Ông Hưng, 54 tuổi ở TP. Hạ Long, Quảng Ninh tự nhận bản thân có sức khỏe khá tốt. Tuy nhiên, ông mắc thói quen xấu khó bỏ là thích nhậu, thường xuyên uống rượu nhiều năm nay.

Gần đây, ông thấy yếu dần, ăn uống giảm sút, cân nặng tụt nhanh kèm đi đại tiện có máu.

Khi đến Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh thăm khám, bác sĩ phát hiện đoạn 1/3 trực tràng trên có khối u kích thước 4x5cm xâm lấn ra thành cơ trực tràng, chiếm gần hết lòng trực tràng. Trực tràng là đoạn cuối của đại trực tràng, sát hậu môn.

Các bác sĩ hội chẩn chuyên khoa, thống nhất chẩn đoán bán tắc ruột do ung thư trực tràng giai đoạn 3, chỉ định nội soi cắt trực tràng, vét hạch, làm miệng nối trực tràng bằng máy nối tự động.

Te bao ung thu ken dac ruot nguoi dan ong thich nhau

Bác sĩ nội soi cắt bỏ các khối u ken đặc trong lòng trực tràng

BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Ung bướu 1 trực tiếp phẫu thuật, ca nội soi diễn ra thuận lợi, đảm bảo lưu thông tiêu hóa. Bệnh nhân hồi phục tốt, được xuất viện sau 7 ngày điều trị. Người bệnh sẽ được khám lại để đánh giá trước khi hóa, xạ trị.

Theo BS Dũng, phẫu thuật nội soi ổ bụng giúp người bệnh tránh được đường mở bụng lớn, giảm bớt đau đớn, hạn chế mất máu, giảm nguy cơ nhiễm trùng, đảm bảo tính thẩm mỹ và thời gian nằm viện ngắn hơn nhiều so với mổ mở thông thường.

Tại Việt Nam, 70-80% bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa, trong đó có ung thư đại trực tràng đến viện ở giai đoạn muộn khi tế bào ung thư đã lan rộng, xâm lấn các vùng xung quanh, di căn vào hệ thống mạch máu, hạch bạch huyết. Ở giai đoạn này, phẫu thuật không thể triệt để, thậm chí nhiều trường hợp không thể can thiệp ngoại khoa.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 16.400 ca mắc ung thư đại trực tràng, đứng thứ 5 trong các loại ung thư phổ biến nhất.

Dù vậy, so với nhiều ung thư khác, tiên lượng điều trị ung thư đại trực tràng khá tốt.

Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm khi mắc ung thư đại trực tràng lên tới 85- 90%, khi đó bác sĩ chỉ cần cắt tách dưới niêm mạc. Nếu phát hiện ở giai đoạn 2, tỉ lệ sống sau 5 năm còn khoảng 80%, giai đoạn 3 còn khoảng 40-60% nhưng đến giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 10%.

Ở giai đoạn sớm, dấu hiệu ung thư đại trực tràng rất nghèo nàn như đầy hơi, chướng bụng, rối loạn thói quen đi ngoài, đôi khi đi ngoài ra máu, táo bón, phân lỏng… khiến nhiều người lầm tưởng do rối loạn tiêu hóa thông thường.

Có khoảng 70-80% trường hợp có dấu hiệu đau bụng, đau không liên quan bữa ăn. Cơn đau có thể dài hay ngắn, từ vài phút đến vài giờ.

Đến giai đoạn muộn, khối u trong lòng ruột to dần khiến khuôn phân nhỏ dẹt thậm chí gây bán tắc ruột, sút cân không rõ nguyên nhân, suy nhược…

Để chẩn đoán ung thư đại trực tràng, nội soi sinh thiết khối u là tiêu chuẩn vàng.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Theo Thúy Hạnh/ Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)