Kit do các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM nghiên cứu thành công giúp phát hiện nhanh virus heo tai xanh chỉ sau 4 - 6 giờ. Không chỉ phát hiện bệnh, loạt kit này còn định được chủng heo tai xanh để có cách chữa và phòng dịch nhanh nhất.
Bệnh dịch gây chết người
Bệnh tai xanh còn gọi là hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS), là một bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh ở heo. Bệnh do một loại virus gây ra. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là heo bỏ ăn, da đỏ (do bị xuất huyết), mạch máu phù nề, sốt cao, chảy nước mũi, mắt sưng húp, tai bị xuất huyết và chuyển sang màu tím xanh nên thường gọi là bệnh tai xanh hay hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn. Loại virus này làm giảm chức năng miễn dịch không đặc hiệu, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh khác xâm nhập gây bệnh kế phát ở hệ hô hấp, trong đó có chứng liên cầu - một bệnh nguy hiểm có thể lây cho người và dễ dẫn đến tử vong.
PGS.TS Hồ Huỳnh Thùy Dương, Trưởng Bộ môn Di truyền, Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên, TPHCM cho biết: "Phương pháp chuẩn đoán heo tai xanh thông thường là sự kết hợp của phương pháp huyết thanh học với phân lập virus hoặc phát hiện kháng nguyên của virus bằng phương pháp hóa tế bào miễn dịch. Tuy nhiên, các phương pháp này có nhược điểm liên quan đến hiệu quả phát hiện. Trên cơ sở đó chúng tôi đã phát triển và tối ưu thành công hệ thống real-time RT-PCR để đồng thời phát hiện và phân tuýp heo tai xanh trên huyết thanh heo".
|
Kỹ thuật viên đang thực hiện xét nghiệm bệnh heo tai xanh. |
Phát hiện bệnh sau 4 - 6 giờ
Kit 2- step real-time RT-PCR là kit phát hiện và định tuýp PRRS dựa trên nguyên tắc thời gian thực hoạt động theo các bước xử lý mẫu máu, tách chiết, nhân bản bằng các bộ mồi và mẫu dò đặc hiệu cho chủng châu Mỹ (US), châu Âu (EU) hay Trung Quốc (CHI) để kiểm soát phản ứng, phát hiện các sản phẩm nhân bản dựa trên tín hiệu huỳnh quang thu được trên máy. Quy trình có thể hoàn tất trong 4 - 6 giờ.
Các nhà khoa học đã đã thực hiện xét nghiệm mẫu huyết thanh heo nuôi thực địa gồm 44 mẫu thu thập từ các trang trại tại địa bàn tỉnh Đồng Nai khi dịch heo tai xanh bùng phát. Kết quả phát hiện và định tuýp EU và US trên 44 mẫu huyết thanh ngẫu nhiên cho thấy, mẫu dương tính với heo tai xanh là 77% (34/44). Trong đó, 97% mang tuýp US (33/34) và 3% mang tuýp EU (1/34). Kết hợp với Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng tiến hành thử nghiệm 25 mẫu 3 lần lặp lại, tổng cộng là 75 mẫu, trong 5 giờ xét nghiệm cho kết quả hơn 60 mẫu dương tính với heo tai xanh vào tháng 12/2012.
|
Bệnh heo tai xanh có thể xảy ra trong tất cả thời kỳ tuổi của lợn. |
ThS Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khoa Thương (TPHCM), đơn vị đồng thực hiện thực nghiệm sản phẩm kit phát hiện heo tai xanh cho rằng, quy trình real-time RT-PCR giúp khảo sát tỷ lệ nhiễm các chủng heo tai xanh khác nhau và hỗ trợ trong chẩn đoán nhiễm heo tai xanh để dùng văcxin hợp lý và định hướng ngăn chặn được lây nhiễm dịch bệnh heo tai xanh hiệu quả hơn. Qua thực nghiệm, phát hiện heo tai xanh đã xuất hiện mạnh chủng Trung Quốc (CHI) gây chết rất nhanh và lây lan mạnh trên heo.
TS.BS Phạm Hùng Vân, trường Đại học Y dược TPHCM, thành viên mạng Á châu nghiên cứu vi khuẩn kháng thuốc nhận định: Đây là phương pháp định lượng rất tốt các loại virus không chỉ cho gia súc gia cầm mà còn cho cả bệnh của người. Tuy nhiên, để một kit ra chuẩn đoán đạt tiêu chuẩn cần đảm bảo về chất lượng. Thứ nhất, mẫu xử lý có đủ độ nhạy không? Thứ hai, độ đặc hiệu và có kiểm soát được nguy cơ ngoại nhiễm, nguy cơ âm tính giả không? Đồng thời, khi đem ra áp dụng thì phải dễ sử dụng và phải được Bộ Y tế đánh giá chất lượng mới được lưu hành.
Dịch heo tai xanh bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Lúc đầu, bệnh heo tai xanh xuất hiện chỉ có 2 loại chủng châu Âu và châu Mỹ, tỷ lệ gây chết heo không lớn. 5 năm trở lại đây, dịch tai xanh liên tiếp xảy ra ở các tỉnh trong cả nước. Đồng thời, virus gây bệnh biến thể sang nhiều chủng khác nhau, đặc biệt là chủng CHI gây chết heo hàng loạt. Chỉ tính riêng tại Đồng Nai, đợt dịch năm 2010 phải tiêu hủy gần 100 ngàn con heo các loại.
(Nguồn: Cục Chăn nuôi)
|
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU