Theo các nhà khoa học, stress là trạng thái mà mỗi người phải tự nỗ lực bản thân mình một cách cao nhất, mặc dù họ không mong muốn, nhằm để đáp ứng với những tình huống và sự kiện trong cuộc sống của họ. Điều này có nghĩa, stress không chỉ là phản ứng của cơ thể trước những thách thức mang tính thể chất, tâm lý mà còn là những phản ứng thuộc về hành vi, tinh thần và tình cảm.
Căng thẳng thần kinh: Khởi phát của bệnh tim
Những căng thẳng thần kinh thường gặp trong cuộc sống hiện đại khác với những căng thẳng mang tính thể chất. Những căng thẳng này thường không giảm đi mà thường xuyên tăng lên và kéo dài liên tục.
|
Ảnh minh họa |
Phản ứng với những căng thẳng này đòi hỏi lượng hormone và năng lượng từ chất béo ít hơn nhưng lại liên tục. Tuy nhiên, cơ thể phản ứng trước sự căng thẳng về tinh thần hay thể chất là như nhau. Do đó, lượng hormone và chất béo được huy động trong những căng thẳng thần kinh không được tiêu thụ hết, dẫn tới tình trạng tăng huyết áp, nhịp tim đập quá mức cần thiết. Điều này dẫn tới sự rối loạn về huyết động, làm cho áp lực tại thành mạch tăng lên, đặc biệt có thể xảy ra ở mạch vành mạch máu nuôi tim.
Khi rối loạn huyết động tăng và các hormone do căng thẳng gây ra lưu hành liên tục trong máu sẽ làm tổn thương niêm mạc thành mạch. Được huy động bởi các hormone này, các tiểu cầu trong máu vận chuyển đến và bám dính tại thành mạch với mục đích làm giảm quá trình tổn thương. Nhưng chính quá trình này lại làm cho thành mạch dày lên và dẫn đến nguy cơ tắc mạch. Bên cạnh đó, cholesterol tỷ trọng thấp cũng được sản xuất ra từ các tế bào mỡ trong quá trình phản ứng với căng thẳng. Theo thời gian, những thay đổi này sẽ dẫn đến quá trình xơ vữa ở động mạch vành, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Những hậu quả khác
Khi động mạch vành hẹp đến mức giảm lưu lượng máu một cách nghiêm trọng, sẽ dẫn đến việc máu cung cấp cho cơ tim không đủ để duy trì hoạt động co bóp, trong khi tim cần co bóp nhiều hơn để đáp ứng với sự căng thẳng. Kết quả là, cơ tim thiếu máu cục bộ. Hơn nữa, chính những hormone tiết ra do căng thẳng cũng có thể gây co nhỏ thành mạch nên càng làm giảm lượng máu lưu thông qua mạch vành và cơn đau tim xảy ra. Sự thiếu máu cục bộ cơ tim đi kèm với những hoạt động thể lực gắng sức sẽ gây ra cơn đau tim thắt ngực.
Ở một số người, đôi khi sự căng thẳng về tinh thần, tình cảm và quá trình thiếu máu cục bộ cơ tim diễn ra một cách lặng lẽ. Điều này càng nguy hiểm hơn vì ở những người đó không nhận thấy dấu hiệu đau ngực hay khó chịu nên họ sẽ không coi trọng, lo lắng bệnh tình để có hướng điều trị kịp thời đúng đắn, dẫn tới hậu quả khôn lường.