Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp và lan rộng ra nhiều tỉnh thành, điều này khiến nhiều người đã tiêm vắc xin COVID-19 lo lắng liệu họ có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay mắc COVID-19 hay không. Thậm chí có nhiều luồng ý kiến cho rằng, người đã tiêm có thể nhiễm nhưng không mắc COVID-19.
|
Tiêm vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện E. Ảnh Trần Hải. |
Trao đổi cùng GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XV, ông cho rằng, việc đã tiêm vắc xin COVID-19 nguy cơ nhiễm cũng như mắc COVID-19 vẫn có nhưng khác biệt so với khi chưa tiêm.
Vị chuyên gia phân tích, sau khi tiêm vắc xin COVID-19, người tiêm vẫn có nguy cơ nhiễm virus vì một số lý do như sau:
Sau khi tiêm vắc xin cần có một khoảng thời gian khoảng 15 ngày trở lên để cơ thể sản sinh kháng thể. Khi kháng thể đạt được nồng độ nhất định mới có thể giúp phòng chống virus. Và, từ lúc tiêm đến khi đạt được nồng độ đảm bảo, thời gian đó người đã tiêm có thể nhiễm.
Lý do thứ hai là do các biển đổi của các chủng virus mới. Các nghiên cứu cho thấy, biến chủng Delta chỉ khác bộ gen gốc khoảng 25%, nên các protein bên ngoài không thay đổi nhiều, Vì thế, các loại vắc xin thế giới chế tạo ra trước đó vẫn đang còn hiệu quả. Nhưng cũng không tránh được nếu biến chủng thay đổi đến 80% thì vắc xin có thể không hiệu quả. Đây là điều tự nhiên, không phải do vắc xin sản xuất kém chất lượng.
Lý do khác đó là không có bất kỳ loại vắc xin nào đạt hiệu quả tuyệt đối. Dù tỉ lệ % nhiễm ít thì vẫn có nguy cơ...
GS.TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, dù vắc xin không bảo vệ 100% đối với người tiêm, nhưng các nghiên cứu cho thấy, nếu bị nhiễm virus thì không có triệu chứng nặng nề như chưa tiêm. Trường hợp mắc COVID-19 thì biến chứng nặng và tử vong cũng ít hơn so với không tiêm vắc xin. Đây cũng là ý kiến của GS.TS Nguyễn Anh Trí phát biểu tại Diễn đàn Quốc hội vừa qua.
|
GS.TS Nguyễn Anh Trí. |
Trước đây, trả lời báo chí và người dân, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cũng cho rằng, không có vắc xin nào đạt hiệu quả 100%. Nếu bạn tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19 theo quy định thì sẽ phòng được 60-95%, tùy từng loại vắc xin và khả năng đáp ứng của từng người.
Tuy nhiên những người tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm nhưng mức độ nhiễm nhẹ hơn hoặc không triệu chứng. Trong trường hợp bạn tiêm đầy đủ sẽ ngừa được bệnh nặng, phải nhập viện và nguy cơ tử vong.
Cũng về vấn đề này TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, tiêm vắc xin COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng.
Người đã được tiêm vắc xin COVID-19, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác, đặc biệt là biện pháp 5K.
“Lý do là vì vắc xin không bảo vệ tuyệt đối nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh, điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc xin có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác”, TS. Phạm Quang Thái cho biết.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, việc tiêm vắc xin COVID-19 là biện pháp chủ động rất quan trọng nhất. Tuy nhiên, người tiêm vắc xin COVID-19 phải cần ý thức về tầm quan trọng về việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định, trong đó có 5K.