Nên điều trị tiêu chảy cho trẻ theo đông y hay tây y?

Google News

(Kiến Thức) - Hiện nay, dịch tiêu chảy do vi rút rota gây ra đang khiến số trẻ em nhập viện ngày càng tăng, đa số là những trẻ dưới 2 tuổi. Vậy để điều trị dứt điểm căn bệnh này thì nên dùng thuốc đông y hay tây y?

Mùa đông là thời điểm thuận lợi để vi rút rota gây tiêu chảy phát triển. Biểu hiện thường thấy của trẻ nhỏ khi nhiễm vi rút rota là sốt nhẹ, quấy khóc, nôn, đặc biệt là tiêu chảy. Đối với trường hợp nhiễm vi rút rota nhẹ, biểu hiện để nhận biệt là ỉa chảy dưới 10 lần một ngày. Nếu trẻ đi ngoài trên 10 lần 1 ngày là tiêu chảy cấp. Riêng với những trẻ có hiện tượng nôn chớ, sốt, co giật thì các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý và đưa trẻ tới cơ sở y tế nơi gần nhất để chuẩn đoán và điều trị.

Thạc sỹ - Bác sỹ Đặng Huyền Nga, bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội cho biết: “Đối với trẻ bị nhiễm rota vi rút thì việc sử dụng kháng sinh chữa trị sẽ đạt hiệu quả không cao. Trong trường hợp này, kháng sinh không có tác dụng chữa bệnh. Đồng thời, với lứa tuổi trẻ còn quá nhỏ, việc sử dụng kháng sinh là không tốt, có thể gây ra một số tác dụng phụ cho trẻ”.

Tuy nhiên, với trường hợp tiêu chảy do rota vi rút gây ra, biện pháp chữa trị  hiệu quả nhất, là phải bù nước điện giải. Đây là biện pháp cấp bách nhất đối với những trường hợp tiêu chảy cấp. Nếu không có biện pháp bù nước kịp thời, cơ thể thiếu nước trầm trọng là nguyên nhân chính gây tử vong ở rất nhiều trẻ nhỏ.

Tiêu chảy cấp làm mất nước càng khiến cơ thể dễ bị suy kiệt gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Vì thế, việc sử dụng Oresol uống bù nước sớm cho bệnh nhân tiêu chảy là điều cần được quan tâm. Khi sử dụng Oresol thì cần phải tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

 Thạc sỹ - Bác sỹ Đặng Huyền Nga, bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội.

Bác sỹ CK II Bùi Thu Hương, Trưởng khoa tiêu hóa - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Tùy thuộc vào từng trường hợp trẻ khi nhập viện sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Tuy nhiên, những trường hợp trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp thường là những trường hợp nặng, do thiếu nước trầm trọng. Vì vậy, việc bù nước cho trẻ là điều quan trọng hàng đầu, sau đó sẽ có phác đồ điều trị giải quyết dứt điểm hiện tượng ỉa chảy ở trẻ”.

Bên cạnh việc chữa trị bằng các toa thuốc Tây y, Thạc sỹ - Bác sỹ Đặng Huyền Nga, bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội còn khuyên các bậc cha mẹ có thể chữa tiêu chảy cho trẻ bằng các bài thuốc đông y có tính sáp trường, sáp niệu, vị chát, có tác dụng cầm tiêu chảy như: Dâu chuối tiêu, vỏ cây hoặc quả hồng xiêm xanh, búp ổi, búp sim đem sắc lấy nước uống. Với trẻ nhỏ ngày uống 1 – 2 thìa một ngày. 

Bên cạnh các biện pháp điều trị tiêu chảy do rota vi rút gây ra, các bậc cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh cơ thể và môi trường xung quanh cho trẻ. Cho trẻ ăn chín, uống sôi, ăn độc món (không ăn nhiều món trong một bữa) tránh ăn thức ăn có tính lạnh như cua, ốc, cá… Ngoài ra, có thể cho trẻ ăn cháo. Đây là biện pháp bù nước hiệu quả cho trẻ. Đặc biệt, cần chú ý tiêm phòng vắc xin tiêu chảy cho trẻ.

Một số bài thuốc đông y sắc uống chữa tiêu chảy được bác sỹ Nga giới thiệu sau đây:

- Bài 1: Bột cao tô mộc 100g, bột gạo nếp rang 5g, bột lá ổi 100g. Dùng làm thành viên 0,50g, ngày uống 8 – 10 viên.

- Bài 2: Viên cầm ỉa chảy. Búp ổi sao 100g, búp sim sao 100g, vỏ lựu 20g. Dùng sắc cô đặc thành viên, mỗi ngày uống 10 – 20g.

- Bài 3: Dưỡng tạng thang. Bạch thược 64g, dương quy, bạch truật mỗi loại 24g, đang sâm 24g, nhục đậu khấu sao 20g, nhục quế, trích cam thảo mỗi vị 32g, mộc hương 56g, kha tử tử 48g, anh túc sắc 144g (có thể thay bằng vỏ lựu). Dùng: tán thành bột, sắc uống 8 – 12g, uống nóng.

- Bài 4: Đào hoa thang. Xích thạch chi 64g, gạo tẻ 20g. Cách dùng: tán xích thạch chi với gừng khô thành bột. Sau đó nấu cháo với gạo. Có tác dụng chữa ỉa chảy do tỳ vị hư hàn.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU


Phạm Thùy

Bình luận(0)