Máy đo chỉ số SpO2: Bệnh nhân COVID-19 khi nào cần, sử dụng ra sao?

Google News

 Máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) giúp bệnh nhân COVID-19 phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy trong máu, để được can thiệp kịp thời khi trở nặng.

SpO2 (Saturation of peripheral oxygen) là độ bão hòa oxy mao mạch trong máu ngoại vi. Chỉ số này được đo rất dễ dàng qua da, thông qua một đầu dò SpO2 kẹp ở đầu ngón tay, ngón chân hoặc dái tai.
Chỉ số SpO2 là một dấu hiệu sinh tồn của cơ thể. Việc theo dõi chỉ số SpO2 nhằm kiểm tra được lượng oxy trong máu, phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy máu của người bệnh trước khi có các dấu hiệu trên lâm sàng như tím tái, giúp bác sĩ xử lý kịp thời.
May do chi so SpO2: Benh nhan COVID-19 khi nao can, su dung ra sao?
 Ảnh minh họa: Internet 
Cơ chế đo chỉ số SpO2: Kết nối máy đo và người bệnh bằng cách nối cáp đo vào ngón tay hoặc ngón chân người bệnh thông qua đầu dò. Kẹp hoặc dán bộ phận nhận cảm (sensor) ở đầu ngón tay, ngón chân, dái tai hoặc bất cứ tổ chức nào được tưới máu mà có thể gắn được.
Về nguyên lý hoạt động, khi kẹp máy đo SpO2 vào đầu ngón tay, đầu dò của máy sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại đi xuyên qua mô có các mao mạch nhỏ chứa hồng cầu. Hồng ngoại sẽ bị hồng cầu hấp thu một phần. Từ lượng ánh sáng còn lại chưa bị hấp thu, máy sẽ tính ra số lượng hồng cầu có chứa oxy.
Cách sử dụng máy đo chỉ số SpO2:
Bước 1: Kiểm tra xem máy còn pin hay không, nếu hết pin thì cần thay pin mới hoặc sạc pin (tùy loại máy)
Bước 2: Mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy. Lưu ý không được sơn móng tay, sử dụng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo. Đảm bảo móng tay không quá dài, để đầu ngón tay có thể che kín bộ phận cảm biến trong khe kẹp.
Bước 3: Nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay trong khi đo. Kết quả đo sẽ hiển thị trên màn hình sau vài giây.
Bước 4: Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, sau vài giây máy sẽ tự tắt.
Chỉ số hiện trên máy đo SpO2 thể hiện tỷ lệ phần trăm từ 0-100%. SpO2 bình thường ≥ 97%. Lúc này, tình trạng oxy hóa trong máu được xem là đảm bảo. Trường hợp SpO2 thấp hơn 92% phản ánh tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng cần được xử lý trên lâm sàng. Tuy nhiên chỉ số đo SpO2 của các thiết bị luôn không chính xác 100%. Nó có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: sắc độ của móng tay, móng chân, Hb bất thường (Hb là tên gọi một thành phần của máu), cử động, do tình trạng giảm tưới máu mô (do choáng, sử dụng thuốc gây co mạch, ...)
Trường hợp SpO2 thấp hơn 92%, người bệnh cần được cho hỗ trợ hô hấp, cho thở oxy bằng máy tạo oxy hoặc oxy y tế trong bình chuyên dụng. Nếu đã thở oxy với lưu lượng 5-10 lít/phút mà chỉ số SpO2 không cải thiện, không đạt trên 92% thì người bệnh đứng trước nguy cơ suy hô hấp phải can thiệp mức cao hơn, bắt buộc phải nhập viện.
Chỉ định đo và theo dõi SpO2 đối với bệnh nhân COVID-19
Chỉ số SpO2 được chỉ định đo và theo dõi trong tất cả các cuộc mổ trong phòng phẫu thuật; Người có suy hô hấp, suy tim, cấp cứu ngừng tuần hoàn, rối loạn nhịp tim, sốc, trụy mạch, tụt huyết áp; Người bệnh nặng cần hồi sức như đột quỵ não, nhược cơ, chấn thương tủy cổ có liệt cơ hô hấp, Guillain Barré...; Trẻ sơ sinh đẻ non, trẻ suy hô hấp. SpO2 được sử dụng để đánh giá hiệu quả điều trị, hoặc để chẩn đoán bệnh.
Cách đọc các thông số máy đo chỉ số SpO2:
SpO2 sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ SpO2. Đơn vị đo tỉ lệ phần trăm (%). Phạm vi đo: 0-100%. Giá trị bình thường: 94-100%.
Nhịp mạch sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí hình trái tim, hoặc vị trí ghi chữ PR. Đơn vị đo: lần/phút . Phạm vi đo: 0-254 lần/phút. Giá trị bình thường: 60-100 lần/phút (đối với người lớn, lúc nghỉ ngơi).
Đối với các bệnh nhân COVID-19, trước tình hình dịch bệnh ở TPHCM, thời gian cách ly điều trị với các F0 không triệu chứng lâm sàng (ho, sốt, đau họng, khó thở...) được rút ngắn nếu đạt những điều kiện bắt buộc. Người bệnh được hướng dẫn y tế tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà, gồm cả việc tự theo dõi SpO2.
Trả lời trên VNExpress, Bác sĩ Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê hồi sức - Điều trị đau và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết máy đo SpO2 cầm tay là thiết bị y tế phổ biến, dễ sử dụng tại gia đình, cho bất kỳ bệnh nhân nào có tình trạng hạ oxy máu, như viêm phổi do vi khuẩn, hen phế quản, hội chứng ngưng thở lúc ngủ (thường ngủ ngáy)... và viêm phổi do COVID-19. Theo bác sĩ Khương, kiểm tra SpO2 liên tục là biện pháp cần thiết, an toàn, hiệu quả và đơn giản trong quá trình theo dõi người bệnh ở nhà, khi không cần đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều người chủ động tìm mua máy đo SpO2, bác sĩ Bùi Thị Hạnh Duyên, trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM khẳng định "việc này không cần thiết". Bác sĩ Duyên giải thích, trừ những trường hợp mắc bệnh mạn tính, đang điều trị ở nhà và bắt buộc cần phải có máy đo SpO2 để theo dõi sức khỏe, thì việc cố gắng tìm mua, tích trữ vừa lãng phí vừa khiến người thực sự cần dùng máy lại không có”. Bác sĩ Duyên khuyên: “Không mắc bệnh, không phải điều trị, không cần dùng máy".
Thông tin trên tờ Sức khỏe Đời sống, BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cũng khẳng định, chỉ số SpO2 là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, thiết bị này là cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng chứ không phải là dấu hiệu để nhận biết người mắc COVID-19.
May do chi so SpO2: Benh nhan COVID-19 khi nao can, su dung ra sao?-Hinh-2
 Ảnh minh họa: Internet
Các bác sĩ nhấn mạnh, F0 nhẹ theo dõi tại nhà có thể sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu để theo dõi nhưng cần đọc đúng thông số, báo cho nhân viên y tế khi nhịp mạch, chỉ số SpO2 bất thường. Cụ thể, F0 cần liên hệ nhân viên y tế khi nhịp mạch < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút khi người được đo đang nghỉ ngơi; và/hoặc khi SpO2 < 94% khi người được đo đang thở khí trời hoặc khí phòng.
Nếu chỉ số SpO2 thấp hơn 92% bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp, nhập viện và theo dõi sát diễn tiến tình trạng suy hô hấp; trong trường hợp bệnh nhân có chỉ số SpO2 lớn hơn 92% nhưng có các biểu hiện suy hô hấp như khó thở nhiều, thở nhanh > 30 lần/phút, thở co kéo các cơ hô hấp phụ nhiều, vẫn cần được nhập viện điều trị.

Mời quý độc giả theo dõi video: Phong tỏa Bệnh viện Phổi Hà Nội khi có 9 ca mắc COVID-19 mới 



An Lê

>> xem thêm

Bình luận(0)