Theo đó, Quỹ Vì người tiêu dùng Thái Lan đã thu thập ngẫu nhiên 46 mẫu của 36 nhãn hiệu gạo đóng gói tại các cửa hàng bán lẻ và siêu thị từ ngày 19-27/6. Các mẫu được xét nghiệm tại một cơ quan độc lập để kiểm tra dư lượng chất hóa học, bao gồm các chất methyl bromide, organophosphate, carbamate và thuốc diệt nấm. Kết quả thu được là có tới 34/46 mẫu được kiểm tra có phát hiện chất methyl bromide, trong đó 1 mẫu có dư lượng 67,4 mg/kg, vượt ngưỡng cho phép của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) 17,4%.
Trước những thông tin trên, rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng gạo Thái hoang mang về việc liệu gạo Thái ở Việt Nam có chung số phận trên và chất methyl bromide có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe.
|
Gạo Thái Lan (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa/Nguồn: Internet) |
Hoang mang vì dùng quen gạo
Trước những thông tin được cơ quan chức năng Thái Lan đưa ra, phóng viên Kiến Thức đã ghi nhận ý kiến của một số hộ gia đình thường xuyên dùng gạo Thái. Tất cả các hộ gia đình trên đều rất hoang mang và mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra chất lượng gạo để người dân yên tâm sử dụng.
Chị Lê Thu Hà, ở tòa nhà CT3, Khu đô thị Mỹ Đình phân trần: “Nhà tôi ăn gạo Thái bao nhiêu năm nay rồi, giờ nơi sản xuất bị nhiễm hóa chất độc hại thì rất có khả năng gạo Thái trên thị trường Việt Nam cũng chung số phận, rất mong cơ quan chức năng ở Việt Nam sớm kiểm tra và có kết luận để người tiêu dùng chúng tôi yên tâm sử dụng”.
Đồng quan điểm trên, chị Hoàng Thị Hồng Nhung, ở Ngõ 111, Nguyễn Phong Sắc cũng cho biết: “Nhà mình đã dùng quen gạo Thái rồi, mấy lần định đổi sang loại khác nhưng đều không hợp, giờ gạo lại nhiễm độc như thế này làm mình rất lo lắng. Hy vọng qua nhiều khâu kiểm định khi nhập khẩu, gạo Thái ở Việt Nam không sao”.
Tuy nhiên có nhiều người khi được hỏi lại tỏ ra khá gay gắt, cho rằng đó là cái giá phải trả, cũng như kêu gọi mọi người tẩy chai gạo Thái. “Lúa gạo nước ta thiếu gì, gạo đắt có, gạo rẻ có, việc gì phải đi ăn gạo nhập, gạo ngoại làm cái gì. Bây giờ phát hiện ra chất “độc” thì mới trắng mắt ra...”, anh Hoàng Dũng (Quan Hoa, Cầu Giấy) cho biết.
Hóa chất trong gạo Thái rất nguy hiểm
Theo các chuyên gia hóa học, methyl bromide (etyl bromua) là hợp chất hữu cơ có công thức hóa học CH3Br. Đây là khí không màu, không mùi, không cháy, được sản xuất với quy mô công nghiệp và trong một số quá trình sinh học. Hóa chất này được một số quốc gia sử dụng làm thuốc bảo vệ thực vật cho đến đầu những năm 2000. Với khả năng khuếch tán và thẩm thấu tốt, Methyl Bromide thường được sử dụng để khử trùng, diệt nấm, mối và mọt.
Đối với việc sử dụng Methyl Bromide trong gạo, theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), đây là hợp chất được phép sử dụng, nhưng với hàm lượng rất nhỏ chỉ có 50mg/1kg. Nếu lạm dụng chất này vượt quá mức cho phép sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe con người.
Trả lời phóng vấn báo chí, TS Đặng Chí Hiền, trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Hóa Dược phẩm, Viện Công nghệ Hóa học cho biết, hóa chất Methyl bromide (CH3Br) ở thể khí không màu, không mùi vị, dễ tan trong nhiều dung môi hữu cơ. Methyl bromide khi chưa chuyển hóa đã có thể gây mê cơ thể sống, khi vào cơ thể chuyển hóa thành rượu Metylic sẽ gây độc, làm tê liệt hệ thần kinh. CH3Br rất độc, ở nồng độ thấp khó nhận biết, do vậy khi nhận biết thường phải cho thêm 2 - 3% Clopirin làm chất báo hiệu nguy hiểm vì chất này gây kích thích niêm mạc mắt.
Đối với các chất chống mốc gạo, người ta đã phân lập được nhiều loài nấm mốc khác nhau trong gạo, nhưng có hai chủng hay gặp nhất là Aspergillus và Penicillium... đây chính là tác nhân gây ung thư rất cao
Lưu ý khi mua gạo
Khi mua gạo phải chọn những loại gạo đều hạt, căng, bóng, hạt gạo không bị vỡ, không có nhiều hạt màu vàng. Người mua nên bốc một nắm gạo lên bàn tay và huy động sức mạnh của mũi để kiểm tra mùi. Gạo ngon sẽ có mùi thơm nhẹ nhàng dễ chịu chứ không gắt.
Có thể cho vài hạt gạo vào miệng và nhai thử: Gạo ngon sẽ có vị ngọt, không có mùi vị gì lạ. Không nên chọn loại gạo đã xay xát quá kỹ. Lớp cám bao quanh hạt gạo chứa nhiều chất dinh dưỡng quý giá.
Khi nấu nên vo gạo kỹ, để vừa giúp tẩy bớt cám, cũng như tác dụng của thuốc hoặc hóa chất bảo quản (nếu có).