Khu vực nào ở Việt Nam được ưu tiên cấp vaccine COVID-19?

Google News

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam cần 150 triệu liều để đảm bảo người dân được tiêm vaccine COVID-19.

Sáng 19/2, tại Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 điểm cầu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết quan điểm của Việt Nam là đảm bảo người dân được tiếp cận với vaccine.
Bộ Y tế đã rất khẩn trương phối hợp các tổ chức, đơn vị sản xuất vaccine để đàm phán, có vaccine sớm. Ước tính trong năm 2021, chúng ta cần 150 triệu liều vaccine để bảo đảm tiêm đủ cho toàn dân.
Cơ quan này đã đàm phán với COVAX và đơn vị này đã cam kết sẽ cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Ngoài ra, Công ty AstraZeneca dự kiến cung cấp 30 triệu liều. Như vậy, trong năm 2021, Việt Nam có 60 triệu liều.
“Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với một số công ty khác trên thế giới với tinh thần chung là bảo đảm vaccine cho người dân”, Bộ trưởng nói.
Về việc sử dụng, Việt Nam tuân thủ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và các quy định pháp luật liên quan về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ưu tiên tiêm cho khu vực có dịch và nguy cơ cao.
Khu vuc nao o Viet Nam duoc uu tien cap vaccine COVID-19?
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định 12/13 tỉnh, thành phố cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Ảnh: Trần Minh/Bộ Y tế. 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sắp tới, chúng ta sẽ có những điểm tập kết vaccine, phân bố đến các tỉnh. Do đó, ngành y tế cần có chỉ đạo, công tác tập huấn, đánh giá, hướng dẫn kỹ thuật tiêm ngừa vaccine.
"Tôi đề nghị giao Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM xây dựng giáo trình, tổ chức tập huấn để khi có vaccine, tiêm chủng với mật độ lớn cho cộng đồng dân cư, phải có người tham gia chứ không chỉ lực lượng y tế dự phòng", Thứ trưởng Sơn nói.
Về cơ chế cấp phép, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế nhập khẩu vaccine khẩn cấp. Trong vòng 5 ngày, Bộ Y tế phải thực hiện tất cả quy trình hồ sơ, dữ liệu lâm sàng, thẩm định chất lượng vaccine để cấp phép sớm, giảm tối đa thủ tục hành chính theo cơ chế khẩn cấp và có chỉ đạo quyết liệt với việc cấp phép này.
“Chúng tôi khuyến khích các đơn vị có nguồn vaccine có thể trao đổi chặt chẽ với Bộ Y tế trong vấn đề nhập khẩu để bảo đảm có vaccine cho người dân. Chúng ta cố gắng bảo đảm trong năm 2021, người dân Việt Nam được tiếp cận vaccine đầy đủ để tái khởi động nền kinh tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Y tế cho hay hiện các ổ dịch lớn như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát. Các ổ dịch khác (Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Gia Lai) không ghi nhận ca mắc trong vòng 7-20 ngày qua.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay công tác phòng, chống dịch COVID-19 là trọng tâm trong quý I. Ông nhận định: "Dịch COVID-19 được dự đoán không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm cũng như hết năm 2021".
Từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 755 người mắc COVID-19. Dịch xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (575 bệnh nhân), Quảng Ninh (60), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TP.HCM (36), Bắc Giang (2), Hà Giang (1), Hưng Yên (2).
Hiện Hải Dương có 5 ổ dịch lớn gồm: TP Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Hải Dương, đây là ổ dịch có tính chất phức tạp.
Tính đến 6h ngày 19/2, Việt Nam có tổng 1.448 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 1.605 ca và có 35 người tử vong.
Theo Quốc Toàn/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)