Không khó chữa ung thư tinh hoàn nếu phát hiện kịp thời

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh ung thư tinh hoàn phổ biến nhất đối với nam giới từ 15-35 tuổi. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể xử lý dứt điểm.

Ung thư tinh hoàn là một bênh ít gặp, chiếm khoảng 1% trong số nam giới mắc ung thư.

Các yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh
 
Hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh, nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư là:

- Tinh hoàn ẩn: Tinh hoàn bình thường sẽ di chuyển từ bụng vào bìu trước khi sinh. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân nào đó, tinh hoàn vẫn còn nằm trong bụng (Tinh hoàn không xuống hay còn gọi là tinh hoàn ẩn) có thể phát triển thành ung thư. Điều đáng chú ý, ngay cả khi phẫu thuật chuyển tinh hoàn xuống bìu, vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị ung thư.

- Dị tật bẩm sinh khác của hệ thống niệu sinh dục, bao gồm dị tật dương vật, dị tật thận và thoát vị bẹn bẩm sinh, cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tinh hoàn.

- Rối loại nhiễm sắc thể giới tính.

- Yếu tố gia đình: Nếu một người thân trong gia đình đã bị ung thư tinh hoàn, nguy cơ nhiễm bệnh có thể được tăng lên. 

Để phát hiện ung thư tinh hoàn, người ta thường cho siêu âm tinh hoàn, chụp cắt lớp CT hoặc kiểm tra các chất chỉ thị ung thư thông qua xét nghiệm máu. Nếu các xét nghiệm thấy có u bất thường, bác sĩ sẽ cho làm sinh thiết tinh hoàn. Thông qua sinh thiết, bác sĩ sẽ xác định được tình trạng của khối u trong cơ thể là lành tính hay ác tính, từ đó có phác đồ điều trị thích hợp. 
 Ảnh minh họa/ Nguồn: Libero

Triệu chứng

Trong giai đoạn đầu, người mắc ung thư tinh hoàn thường không có biểu hiện nào. Triệu chứng rõ nhất của chứng bệnh này là có một u không đau ở tinh hoàn. Bởi vì không đau nên nhiều người cho rằng nó vô hại dẫn đến trì hoãn việc khám bệnh và điều trị. 

Trong một số trường hợp khác, các cục u nhỏ, rời rạc không tìm thấy nhưng tinh hoàn lại có sự thay đổi về hình dạng và kích thước. Bạn có cảm giác nặng ở bìu hoặc háng. Một số khác có cơn đau âm ỉ ở bụng dưới, lưng hoặc háng. 

Điều trị

Việc điều trị bệnh phụ thuộc vào loại khối u và xem bệnh đã lan rộng đến các cơ quan khác chưa. Các bác sĩ sẽ cắt bỏ tinh hoàn bị ảnh hưởng. Xạ trị, hóa trị hoặc có thể sử dụng cả hai sau khi phẫu thuật ung thư tinh hoàn, là những phương pháp có thể điều trị tốt nhất với bệnh ở giai đoạn sớm. Trong trường hợp ung thư chưa lan rộng ra bên ngoài tinh hoàn, tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao có thể đạt tới 99%. Nếu không được điều trị sớm, tế bào ung thư có thể lan theo hệ bạch huyết đến các hạch bạch huyết ở bụng, ngực, cổ và cuối cùng là phổi. Chính vì vậy, cần thường xuyên kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường ở tinh hoàn để có hướng điều trị kịp thời. 

Việc phẫu thuật cắt bỏ hai bên tinh hoàn sẽ làm “mất khả năng làm cha” nhưng tỷ lệ bị cắt hai bên tinh hoàn rất hiếm, chỉ chiếm 1%. Tuy nhiên, những người bị ung thư tinh hoàn thường giảm khả năng sinh sản, vì việc cắt bỏ các hạch bạch huyết gây giảm lượng tinh dịch, một tình trạng được gọi là "xuất tinh khô" do thiếu chất dịch. Chính vì vậy, những người đàn ông chưa có con, muốn được làm cha, hãy xem xét khả năng bảo quản tinh dịch tại ngân hàng tinh trùng trước khi điều trị. Với những bệnh nhân bị loại bỏ cả hai tinh hoàn, cần bổ sung testosterone để hỗ trợ chức năng tình dục bình thường.

Ân Đàm/Libero

Bình luận(0)