Nào là vào đây có điều hòa quạt mát, được nghe những lời nói ngọt tai như mía lùi của các bác sĩ, y tá đại loại như: “Thưa bác! Bác đi lối này ạ”, hay: “Dạ! Bác để cháu xách hộ cái này cho”… Chẳng biết bệnh tình mình ra làm sao, chữa được đến đâu, cơ mà, nghe được những lời nói có cánh như vậy cũng mát lòng mát dạ. Rồi tôi được các “nàng tiên” áo trắng cứ lôi, cứ dắt đi hết phòng xét nghiệm này đến xét nghiệm khác. Chỉ một loáng đã xong. Chẳng bù cho những ngày trước đi khám thông thường hay còn gọi là khám “Classic” (cổ điển), cứ phải ngồi chờ dài cổ để được đến lượt mình được gọi vào khám. Đi đến đâu hầu như cũng chỉ được chiêm ngưỡng những bộ mặt vừa nguội lạnh, vừa nhăn nhó, được nghe những lời cáu kỉnh, khô khốc, trống không của các nàng, các chàng áo trắng. Thế rồi…
Sau khi tạm lắng những cơn đau, tôi gượng dậy hỏi nhỏ vợ con về cái khoản tự nguyện “đầu tư” theo yêu cầu này. Đến đây tôi mới tá hỏa vì những con số, những triệu đồng không hề “rẻ” đối với gia đình tôi cứ thế lần lượt “đội nón ra đi” vì cái “anh” khám chữa bệnh theo yêu cầu. Hỏi vợ tính sao thì nàng bảo: “Anh cứ yên tâm, em lo được mà”. Tôi biết cái sự “lo” này của nàng là nỗi lo giật gấu vá vai trong hoàn cảnh “Chị Dậu thời hiện đại” ấy mà. Cuối cùng, đội ơn các bác sĩ, ý tá, bệnh tình của tôi cũng dần qua khỏi.
|
Khám bệnh theo yêu cầu hiện xuất hiện ở hầu hết các bệnh viện trên cả nước |
Tôi lại lao vào làm việc, “cày” tiếp để trả những khoản vay nợ kếch xù, hậu quả từ những vụ “ngao du” trong những khu khám cữa bệnh “tự nguyện”, “theo yêu cầu” nói trên. Tá hỏa vậy nhưng được một thời gian, cái “ngọc thể tôi” nó lại bất an, tôi vẫn lại phải lựa chọn cái nhà anh “Khám chữa bệnh theo yêu cầu” này vì không có con đường nào khác. Tôi nói vậy vì không bao giờ muốn chui lại vào những cái nhà anh “classic” kia nữa, cũng không muốn để tính mạng mình rơi vào tay những nhà “y tế tư nhân” nào. Vào cái nhà anh “theo yêu cầu” này vẫn có vẻ yên tâm hơn. Tuy vào đây bị “chặt, chém” khá mạnh tay nhưng nó vẫn còn có hơi hướng cái danh "nhà nước", còn được gắn những cái mác uy tín, lâu đời nổi tiếng như Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương…
Nghe nói gần đây tại một hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn từng rung chuông cảnh báo cũng như lo ngại rằng những cái “theo yêu cầu” này có vấn đề lạm dụng từ việc này để trục lợi từ người bệnh, chia chác trong các bệnh viện, thậm chí tạo ra những “sân sau” cho các nhóm lợi ích sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công phục vụ cho các hoạt động tư. Và không phải vô cớ mà gần đây Bộ Y tế chỉ đạo Thanh tra bộ này tiến hành hàng loạt những cuộc thanh tra về cung cấp các dịch vụ xã hội hóa tại các bệnh viện công.
Từ những năm 2007-2008, khi Chính phủ ban hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, biên chế và tài chính tại các bệnh viện công được triển khai, cũng là lúc những cái nhà anh khám chữa bệnh theo yêu cầu kia ra đời. Công bằng mà nói sự hiện diện của mô hình này có lúc đem lại cho xã hội một luồng gió mát lành. Người bệnh được thỏa mãn nhiều nhu cầu khám chữa bệnh thuận tiện hơn, dễ chịu hơn và đương nhiên hiệu quả hơn (tất nhiên là đối với những người có tiền hoặc chấp nhận chi tiền). Bộ y tế cũng đã kịp thời có những văn bản quy định, điều chỉnh công cuộc xã hội hóa này để hướng dẫn, kiểm soát các bệnh viện đi đúng hướng và lành mạnh hóa các hoạt động này...
Tuy nhiên, theo như nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành và các cơ quan chức năng trong thời gian qua không phải lúc nào, nơi nào cũng được quan tâm thường xuyên, tích cực nên đây đó đã và đang xảy ra những biểu hiện trục lợi từ người bệnh.
Đành rằng giá các dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ mà mới chỉ tính được 3/7 yếu tố cấu thành giá. Nhiều yếu tố còn chưa được tính vào giá viện phí như lương, phụ cấp lương, các khoản khấu hao cơ sở hạ tầng, khấu hao trang TBYT, đào tạo cán bộ cho các tuyến , chuyển giao kỹ thuật … Đành rằng Nhà nước chưa có điều kiện đầu tư thực sự đầy đủ, hợp lý đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho các bệnh viện công phát huy các tiềm năng của mình.
Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2012/NĐ-CP, ngày 15 tháng 10 năm 2012 cho phép các bệnh viện đa dạng hóa các loại hình phục vụ y tế để phục vụ cho nhiều loại đối tượng người bệnh tùy theo khả năng kinh tế của từng gia đình.
Cả thầy thuốc và người bệnh đều mong muốn được hành nghề và chữa chạy đàng hoàng, đối đãi nhau một cách cũng đàng hoàng và thỏa đáng. Có điều, hãy tạo cho họ hành lang pháp lý để họ, những người có duyên nợ với ngành y cùng được dắt tay nhau đi trong đó để tạo nên một xã hội khỏe mạnh.