Không thể coi thường tia cực tím
GS Roy Sanders, một chuyên gia về bỏng tại Bệnh viện Mount Vernon Hospital ở North-West London (Anh) vừa công bố một kết quả nghiên cứu cho rằng, kem chống nắng có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ da bị rám nắng, chứ không giúp chống lại các tia cực tím là tác nhân gây nguy cơ ung thư da. Ung thư da có thể gây ra do hai loại ánh sáng cực tím trong chùm tia sáng Mặt Trời. Loại tia thứ nhất là UVA xâm nhập sâu vào da, kìm hãm hoạt động của hệ miễn dịch và phá hủy các tế bào. Loại thứ hai là tia UVB cũng có tác động làm phá hủy các tế bào da.
Trị số chống nắng ghi trên các nhãn chai hoặc tuýp kem chống nắng thường là mức độ bảo vệ đối với tia UVB, loại tia tử ngoại từ trước đến nay vẫn được coi là nguy hại hơn. Ít người biết đến hệ sao (từ 1 - 4) thường được in ở mặt sau chai thể hiện mức độ bảo vệ đối với tia UVA.
Các nghiên cứu mới đây cho thấy rằng, UVA có nguy cơ lớn hơn trong việc gây ra các khối u hắc tố ác tính. Các thử nghiệm đã cho thấy những loại kem chống nắng có trị số chống nắng SPF cao không chứng tỏ hiệu quả trong việc bảo vệ da khỏi sự giải phóng các gốc tự do là nguyên nhân gây ra các u ác tính và hiện tượng da lão hóa sớm. "Các loại kem chống nắng hiện nay chủ yếu có tác dụng bảo vệ da khỏi tia UVB hơn là tia UVA. Tuy nhiên, người sử dụng lại không rõ việc đó và khi đã dùng kem chống nắng thì người ta yên tâm ở ngoài nắng lâu hơn vì chủ quan cho rằng da đã được bảo vệ. Vì vậy, việc dùng kem chống nắng đã gián tiếp làm tăng nguy cơ phát triển các khối u hắc tố ắc tính gây ung thư da", GS Sanders nhận định.
GS Mark Birch-Machin, một chuyên gia nghiên cứu ung thư da thuộc Hội Nghiên cứu Ung thư Anh tại Đại học Newcastle cho rằng: Phụ thuộc vào kem chống nắng cho bạn cảm giác an toàn giả tạo. Bởi vì dùng kem thì bạn không bị rám nắng nên cứ thế yên tâm ở ngoài nắng thoải mái và phơi nhiễm thật nhiều tia UVA. Nếu bạn không dùng kem, bạn sẽ thấy da mình đỏ lên khi ở ngoài nắng và chắc chắn là bạn sẽ vào nhà ngay lập tức.
GS Mark Birch-Machin còn khẳng đinh kem chống nắng không gây ung thư, nhưng dùng sai cách thì có thể dẫn đến nguy cơ ung thư.
|
Kem chống nắng không gây ung thư, nhưng dùng sai cách thì có thể
dẫn đến nguy cơ ung thư. |
Hiểu đúng để dùng đúng
Chuyên gia tư vấn và chăm sóc da Nguyễn Tuyết Nhung cho biết: Nếu da bạn bắt đầu rám nắng sau 15 phút phơi nắng thì kem chống nắng SPF 10 sẽ tăng thời gian mà da bạn có thể an toàn dưới nắng lên gấp 10 lần, nghĩa là tương đương 2,5 giờ đồng hồ. Bên cạnh trị số chống nắng SPF, từ năm 1992, các nhà khoa học thế giới đã phát triển hệ thống sao UVA từ 1 - 4 sao: nếu một loại kem chống nắng có tác dụng loại bỏ tối đa tác hại của cả tia UVA và UVB, nó phải đạt được mức tối đa là 4 sao. Nếu chỉ loại bỏ được 75% tia có hại thì kem chống nắng đó được xếp 3 sao và thấp hơn là 2 sao, 1 sao.
GS Nicholas Lowe, chuyên gia tư vấn da liễu và là tác giả cuốn sách "Bí mật của da" cho biết, các nhà khoa học phân loại da thành 7 mức tùy theo sắc da. Sắc da càng nhạt màu thì nguy cơ tổn hại do ánh nắng gây ra càng lớn. Vì thế, bạn sẽ càng cần bảo vệ tốt hơn để chống lại nguy cơ cháy nắng, ung thư da và lão hóa da sớm. Khi bạn bắt đầu lo ngại về nếp nhăn và tàn nhang thì bạn nên chọn kem chống nắng SPF 30 với 4 sao; nếu không thì SPF 15 với 4 sao là đủ. Những người da sẫm màu (nhóm 5 - 7) có thể chọn loại kem SPF 15 với 4 sao nếu lo ngại về da lão hóa, còn không thì có thể ra nắng mà không cần bảo vệ.
Thực tế người sử dụng lại ít chú ý đến hệ xếp loại sao này mà chỉ chọn sản phẩm có trị số chống nắng SPF cao. Tốt nhất hãy chọn SPF trước, tùy theo thời gian bạn muốn da mình được bảo vệ và sau đó hãy chắc chắn rằng sản phẩm bạn chọn được xếp 4 sao để có thể bảo vệ bạn tối đa khỏi tia UVA.
Nguyễn Tuyết Nhung (Chuyên gia tư vấn và chăm sóc da)
|