Thông tin này được Phó Đô đốc Hải quân Indonesia Untong Suropati công bố hôm 28/4.
“Hợp đồng đang trong giai đoạn cuối cùng và chờ đợi sự phê duyệt của Bộ Quốc Phòng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa xác định được thời điểm giao hàng. Mục đích của chương trình mua sắm là để trang bị trên các tàu chiến như tàu hộ tống tên lửa Sigma 10514”, ông này nói.
Hải quân Indonesia cho biết, quyết định mua sắm trực thăng AS-565 Panther xuất phát từ đề nghị của nhà sản xuất máy bay PT Dirgantara Indonesia (PTDI) vì họ có thể tham gia vào quá trình sản xuất loại trực thăng này. Trước đó nhà máy này đã hợp tác cùng Airbus sản xuất loại máy bay vận tải quân sự hạng trung CN-235.
|
Hải quân Indonesia đang có dự định mua sắm 16 trực thăng chống ngầm AS-565 Panther để nâng cao năng lực chống ngầm.
|
Phát ngôn viên Hải quân Indonesia trao đổi với Jane’s Defence Weekly rằng, sắp tới công ty sẽ làm việc cùng với Airbus Helicopter về khả năng họ sẽ tham gia vào quá trình sản xuất khung và hệ thống phao định vị thủy âm cho trực thăng. Không loại trừ khả năng PTDI sẽ hợp tác cùng với Airbus Helicopter để sản xuất toàn bộ 16 trực thăng AS-565 tại nhà máy của PTDI ở Bandung.
Chi tiết về quá trình hợp tác sản xuất giữa đôi bên sẽ được tiến hành thảo luận và thống nhất sau khi hợp đồng sơ bộ được xác nhận bởi Hải quân Indonesia.
Tham vọng của Indonesia
Yêu cầu mua sắm trực thăng chống ngầm từ Hải quân Indonesia là một phần trong chương trình lớn của Jakarta để phát triển cái họ gọi là “lực lượng cần thiết tối thiểu”(MEF). Khái niệm này ngoài mua sắm vũ khí còn bao gồm cả sự phát triển của các cơ sở công nghiệp quốc phòng thông qua chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất và phát triển chung.
Chương trình được chia thành 3 giai đoạn: 2010-2014, 2015-2019 và 2020-2024. Trong đó chương trình mua sắm của hải quân bao gồm: Mua sắm trực thăng chống ngầm, hiện đại hóa kéo dài thời gian sử dụng của 2 tàu hộ tống với chi phí ước tính khoảng 100 triệu USD.
|
AS-565 Panther được đánh giá là một trong những sát thủ chống ngầm hàng đầu thế giới.
|
Nâng cấp 2 tàu nghiên cứu thủy văn và hải dương học (chi phí dự kiến khoảng 100 triệu USD), mua sắm một tàu huấn luyện cánh buồm mới với kinh phí dự kiến khoảng 80 triệu USD và 2 máy bay tuần tra hàng hải CN-235 trị giá 60 triệu USD.
Lực lượng Không quân Hải quân Indonesia được tổ chức thành 2 cơ sở chính bao gồm: Udara-1 có trụ sở tại Juanda (đây sẽ là cơ sở đào tạo chính), Udara-2 có trụ sở tại Tanjung Pinang. Biên chế máy bay trực thăng hiện đại đang phục vụ gồm có 4 chiếc Bell 412 EP giao hàng trong năm 2012.
Yêu cầu mua sắm trực thăng chống ngầm của Indonesia là một phản ứng trước lực lượng tàu ngầm đang gia tăng ở Đông Nam Á. Singapore đã mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình từ 4 lên 6 chiếc bằng hợp đồng mua 2 tàu ngầm Type-218 SG từ ThyssenKrupp, Đức. Hải quân Việt Nam đã đưa vào hoạt động 2 trong số 6 tàu ngầm Kilo 636 mua từ Nga.
Bản thân Indonesia cũng đã ký hợp đồng mua 3 tàu ngầm lớp Chang Bogo từ Hàn Quốc, trong khi đó Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng hạm đội tàu ngầm tấn công và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.