Chỉ tiêu an toàn của nhựa thực phẩm
Một số trang web trên internet gần đây dẫn thông tin từ nước ngoài cho thấy, uống nước đóng chai để trong ô tô có thể bị ung thư. Nguyên nhân do nhiệt độ ô tô cao làm phân hủy chất dioxin có trong nhựa. Chất này hòa tan trong nước và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Đặc biệt đối với phụ nữ, dioxin gây ung thư vú. Nhận định này được đưa ra khi nhân vật Sheryl Crow nói rằng đó là nguyên nhân khiến cô mắc ung thư vú. Kết quả kiểm tra đã xác định được có mức độ cao của chất dioxin (C4H4O2) trong mô ung thư vú.
Ngoài ra, thông tin còn dẫn khuyến cáo của Trung tâm Y tế Quân đội Walter Reed rằng đã có quy định không đặt thức ăn đựng trong hộp nhựa và màng bọc nhựa vào lò vi sóng. Vì khi thức ăn được nấu ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra các chất độc ngoài vỏ bọc plastic và nhỏ giọt vào thức ăn. Thay vào đó người tiêu dùng có thể dùng khăn giấy thay thế cho màng bọc. Không đặt chai nước bằng nhựa trong tủ lạnh vì nước đá lạnh cũng làm cho dioxin từ nhựa được giải phóng.
Chị Phùng Thị Bình (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, sau khi đọc được thông tin này cả gia đình chị rất hoang mang. Bởi việc để chai nước uống trong ô tô đã được sử dụng từ lâu và khó có phương án thay thế. Tuy nhiên, sự chính xác, khoa học của vấn đề này vẫn chưa được công bố.
Trước vấn đề trên, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, thông tin cho rằng uống nước để trong ô tô gây ung thư vú là hoàn toàn phản khoa học.
PGS.TS Trần Hồng Côn phân tích: Về nguyên lý nhựa sẽ thôi nhiễm và biến dạng ở nhiệt độ từ 100 độ C trở lên. Nhiệt độ giải phóng dioxin khoảng trên dưới 1.200 độ C, tức khi bị đốt cháy.
Đối với các loại nhựa dùng để đựng nước, cocacola... đều là nhựa thực phẩm. Trong quá trình sản xuất, nhựa được cho thêm các chất mềm hóa. Tuy nhiên, hàm lượng và chỉ định đều phải phù hợp với quy định của châu Âu hay Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Do vậy, loại nhựa này chịu được ảnh hưởng các môi trường như axit, nhiệt độ từ khoảng 70 độ C từ thức ăn.
|
Chai nước đặt trong ô tô hoàn toàn không có khả năng gây ung thư.
|
Hiểu đúng về nhựa dùng một lần
Theo các chuyên gia, ô tô đóng kín cửa để ngoài nắng nhiệt độ có thể lên đến 50 độ C. Mức nhiệt này chưa đủ để giải phóng các chất phụ gia trong đồ nhựa đựng thực phẩm. Tương tự, chai nước để lâu cũng không bị tác động. Vì thế, chai nước đặt trong ô tô hoàn toàn không có khả năng gây ung thư.
"Chai nước chủ yếu bị tác động khi để dưới ánh nắng mặt trời lâu. Lúc này tia cực tím, quang hóa sẽ cắt mạch polime khiến sản phẩm bị mủn. Khi đó chất phụ gia mới có khả năng thôi nhiễm", PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.
Ở phương diện khác, TS Nguyễn Văn Hãn, Trung tâm Dữ liệu môi trường Phú Gia cho rằng, mọi người vẫn nghĩ nhựa sử dụng một lần là không an toàn và không dùng lại lần sau là chưa hẳn đúng. Nhựa dùng một lần vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn đối với sức khoẻ người sử dụng. Giá thành rẻ hơn chỉ là ở phương diện nhà sản xuất làm mỏng, không cầu kỳ bằng nhựa dùng lâu dài. Ngoài ra, giá thành tái chế nhựa cũng rẻ hơn. Vì thế, nếu không có điều kiện vẫn có thể tái sử dụng nhựa dùng một lần cho cuộc sống.
Hay nhựa đặt trong tủ lạnh dù là nhựa cứng, chịu tác động nhiệt độ âm nhưng vẫn đảm bảo các phân tử phụ gia ở mức tối thiểu, tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Vì thế, theo các chuyên gia, điều cần thiết nhất của người tiêu dùng là chọn các sản phẩm nhựa có ghi rõ nguồn gốc sản xuất, thành phần rõ ràng và sử dụng đúng theo hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất đó. Tránh ham rẻ mua loại nhựa tái chế không rõ nguồn gốc để đựng thực phẩm. Đối với sản phẩm dùng trong các trường hợp đặc biệt như lò vi sóng, đựng nước đá trong tủ lạnh cần mua đúng chủng loại nhựa có đặc tính chịu được ảnh hưởng của môi trường cao.
Về lý thuyết, nhựa chỉ phân hủy khi nhiệt độ cao hơn nhiệt nóng chảy của nhựa. Đối với chai đựng nước thì không thể nào bị phân hủy khi để trên ô tô. Còn trong lò vi sóng, nhiệt độ chắc chắn cao hơn 100 độ C, vì thế không nên sử dụng đồ dùng bằng nhựa. Hiện nay, tại một số cửa hàng ăn uống người ta sử dụng giấy để làm nồi nấu lẩu trên bếp từ, giấy này dùng một lần.
KS Vũ Tân Cảnh (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam)