Giải oan cho người ăn đất thay cơm

Google News

(Kiến Thức) - Cho đến nay, thói quen ăn đất vẫn được duy trì trong không ít cộng đồng dân cư thế giới, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng ăn đất có lợi cho sức khỏe con người.

Ăn đất thay cơm

Lúc nhỏ bà Fan Quianrong sức khỏe không được tốt, thường xuyên ốm vặt, ăn gì cũng không lại, người cứ tong teo. Nghe lời mách của mọi người, cha mẹ “ép” Fan Quianrong ăn đất. Lúc đầu, bà nhất định không chịu ăn vì… quá bẩn, mất vệ sinh. Nhưng sau thì phần thương cha mẹ nài nỉ, phần muốn mình được khỏe mạnh, bà đành nhắm mắt ăn những hạt đất đầu tiên. Cảm giác đầu tiên ăn đất không khủng khiếp như bà nghĩ. Nó không tanh, không bẩn, mà bà cảm thấy nó có vị ngòn ngọt, mềm mềm. 
 Cô gái Bảo Bảo ăn gần 1,5 tấn đất 11 năm qua.

Kể từ đó, đất là một trong thực phẩm quan trọng nhất trong thành phần mỗi bữa ăn hằng ngày của bà Fan Quianrong. Số lượng đất bà ăn cũng tăng dần theo ngày tháng. Hằng ngày, bà không bao giờ quên ăn đất. Thường ngày việc lấy đất cho bà là công việc của mẹ bà. Nhưng hễ hôm nào mẹ bận hoặc quên thì bà chủ động đi lấy về ăn. Dần dà, bà tự túc đi lấy đất về ăn theo ý muốn. Kết quả thật đáng ngờ, bà cảm thấy mình khỏe hơn nhiều, các chứng bệnh ốm vặt cũng dần tan biến kể từ ngày ăn đất. Đến năm 10 tuổi, trong thực đơn bữa ăn hằng ngày của bà thì đất là… chính.

Ban đầu bà Fan Quianrong sợ, không hiểu tại sao mình lại có sở thích quái đản như vậy, nhưng sau mỗi lần nhấm nháp 3 - 4 miếng đất nhỏ, cơ thể thấy phấn chấn lạ thường, có thể không ăn thêm bất cứ thứ gì cả ngày. “Tôi ăn có cảm giác rất ngon miệng, thấy nó ngọt và mịn chứ không tanh như mọi người nghĩ. Nếu hôm nào mà không ăn đất là cả ngày ấy chân tay tôi rã rời, mỏi mệt lắm” - bà cho biết. 

Gần đây, trên thế giới cũng ghi nhận trường hợp “nghiện” ăn đất của cô gái Bảo Bảo ở Khu tự trị Nội Mông. Được biết, suốt 11 năm qua, ước tính Bảo Bảo đã tiêu hóa trọn… 1,5 tấn đất. Năm lên 7, cô bé bắt đầu bẻ trộm đất bên mái nhà hàng xóm ăn ngon lành. Sau nhiều năm thưởng thức và chọn lọc, hiện tại món được Bảo Bảo yêu thích nhất là đất bùn vàng. Theo lý giải của cô, loại đất này không lẫn cát sỏi hay những mảnh vụn của cây cối.

Hay như trường hợp của một phụ nữ 40 tuổi ở California (Mỹ) đã được lên kênh truyền hình TCL với chương trình “My Strange Addiction” (tạm dịch: Sở thích kỳ lạ của tôi) vì khoái ăn mặt nạ đất sét.

Natasha, 40 tuổi, không ngần ngại chia sẻ sở thích của cô hình thành cách đây 7 năm và trung bình mỗi ngày cô ăn hết 2 lọ đất sét. Không chỉ nhấm nháp loại “thực phẩm” này mỗi khi buồn miệng mà Natasha còn dùng chúng thay thế cho các bữa ăn trong ngày.

Kể từ khi mắc chứng nghiện ăn kỳ lạ này, đã có hơn nửa tấn đất sét đi vào bao tử của Natasha. Nói về mùi vị của món khoái khẩu, Natasha cho biết nó rất ngon, mùi bùi bùi giống đậu phộng và thơm mềm như sô cô la. Natasha thường kết hợp vài ly bia khi thưởng thức đất sét, và với cô đó là món ăn tuyệt vời không chê vào đâu được.

Hiện tượng phổ biến

Cho đến nay, thói quen ăn đất vẫn được duy trì trong không ít cộng đồng dân cư thế giới. Rất nhiều nghiên cứu về hiện tượng kỳ lạ này đã được tiến hành nhằm giải thích vì sao lại có khá nhiều người “nghiện” ăn đất đến như vậy.

Ở Việt Nam, tại thị trấn Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, rất nhiều người dân ở đây mê ăn đất. Họ đào đất, mang về nhà, chế biến và ăn; thậm chí mang theo trong người để thỉnh thoảng lôi ra nhấm nháp. Có những người kiếm sống, kinh doanh buôn bán “món ăn đất” đắt như tôm tươi. Đất ăn ở đây người ta chọn loại đất sét có màu xám, trắng, vàng hoặc xanh, đem cắt thành miếng và cạo bỏ tạp chất, hun khói trên phên tre nứa với một số nguyên liệu đồng quê khác tạo thành món “ngói” ăn rất mát, được ví “ngon như kẹo”. Nhiều người còn tâm sự, "nếu không ăn đất hằng ngày thì thấy trong người cứ làm sao ấy". 
 Những chiếc bánh đất được phơi ở Haiti.

Thực ra với giới khoa học, hiện tượng “nghiện” ăn đất đã được biết tới từ lâu và trên thế giới không phải là hiếm. Theo số liệu điều tra tại Kenya thì trong 285 học sinh, có đến 73% các em nghiện đất, tỉ lệ đó ở phụ nữ mang thai là 56%.

Còn theo số liệu điều tra tại Kenya, trong 285 học sinh thì có tới 73% các em nghiện ăn đất, tỷ lệ đó ở phụ nữ mang thai là 56%. Thậm chí một quốc gia phát triển như nước Đức, cũng có thể bắt gặp các cửa hàng thuốc có bán đất chữa bệnh. Người ta gọi đó là “Healing Soil”. Ứng dụng trên có nguồn gốc từ một số loại đất tinh chế như alusi, bican chữa được bệnh dạ dày, hay đất sét xanh của Pháp có đặc tính kháng khuẩn cho bệnh nhiễm trùng da nặng…

Ghi nhận một trường hợp khác là hiện tượng các bà bầu khi thai nghén thèm ăn đất. Thời kì thai nghén với phụ nữ là giai đoạn vô cùng khó khăn về tinh thần và thể trạng. Họ thích ăn đồ chua và khoái những thứ trái khoáy, trong đó có đất. Một số bà bầu tâm sự, nếu hàng ngày không ăn đất thì tay chân sẽ rệu rã, tinh thần mỏi mệt… Bạn có tin nổi không? Tại Anh, hơn 3.000 bà mẹ sau này đã thú nhận mình từng ăn gạch, đất vì quá “thèm” khi thai nghén. Thậm chí, ở đây, người ta còn phải nhập khẩu một loại đất từ Bengal, Ấn Độ, chế biến thành thỏi “Sikor” bán cho phụ nữ và trẻ em.

Một nghiên cứu mới của Trường Đại học Cornell University (Mỹ) cho biết, ăn đất có thể bảo vệ dạ dày khỏi các độc tố, vi khuẩn ký sinh và một số bệnh liên quan đến tiêu hóa. Để kiểm tra những lợi ích từ việc ăn đất, các nhà nghiên cứu đã phân tích các báo cáo về thói quen văn hóa ăn đất trên thế giới của những bác sĩ chuyên ngành, những nhà thám hiểm, các nhà nhân loại học… Hơn 400 báo cáo đề cập chi tiết đến những hoàn cảnh mà con người buộc phải ăn đất và những ai ăn, sau đó đánh giá và đưa ra nhận xét trong mỗi trường hợp.

Ăn đất có lợi cho sức khỏe


Theo một số báo cáo, thói quen ăn đất rất phổ biến, thậm chí cả khi sản phẩm lương thực rất sẵn có. Những người có vấn đề về dạ dày cũng rất hay ăn đất… Thực tế trong y học, người ta cũng sản xuất ra một số loại thuốc, thực chất là các loại đất tinh chế, như bican, alusi... để trị bệnh dạ dày. 

Mới đây, chuyên gia người Anh - GS Peter Hood lại khẳng định rằng, khi ăn đất, nguyên liệu này sẽ lấy đi của cơ thể lượng khoáng chất lớn hơn nhiều so với những gì nó mang lại. Cùng với các cộng sự của mình, GS Hood đi đến kết luận bất ngờ như thế sau khi họ có được kết quả từ một phản ứng hóa học giữa bùn đất và dịch tiết ra từ hệ tiêu hóa trong điều kiện phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học đã trộn đất sét, dịch tiết ra từ dạ dày và các hợp chất dinh dưỡng, sau đó xét nghiệm thành phần hóa học của hỗn hợp tạo ra trong nhiệt độ tương tự thân nhiệt.
 Nhiều nghiên cứu cho thấy "ăn đất" có lợi cho sức khỏe.


Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều dưỡng chất bám chắc vào những cấu trúc cực nhỏ trong sét pha, dẫn đến việc giảm đáng kể lượng sắt, đồng và kẽm sẵn có. Trong một số trường hợp nhất định, GS Hood nghĩ tác dụng tinh lọc của đất chắc hẳn có lợi hơn hại, chẳng hạn như thuyết “đất có thể giúp loại trừ các chất độc ra khỏi cơ thể”.

Để chứng minh giả thiết trên, thời gian qua, một nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích 30 mẫu đất lấy từ đảo Pemba, Kirgizja, Indonesia và những địa bàn khác thuộc thành phố Aberdeen, Scotland. Từ đó, họ đã xác định được công thức các nguyên tố hóa học trong các mẫu đất này có khả năng tẩy rửa khỏi cơ thể những hợp chất độc hại mà con người vô tình hấp thụ từ các bữa ăn hằng ngày và môi trường không khí ô nhiễm. 

Cho đến nay, thói quen ăn đất vẫn được duy trì trong không ít cộng đồng dân cư thế giới. Rất nhiều nghiên cứu về hiện tượng kỳ lạ này đã được tiến hành nhằm giải thích vì sao lại có khá nhiều người “nghiện” ăn đất đến như vậy. Các nhà khoa học cho biết cần nghiên cứu thêm để xác nhận giả thuyết cho rằng đất có lợi cho sức khỏe. Nhưng họ hy vọng những nghiên cứu này sẽ cung cấp bằng chứng cho rằng ăn đất không phải là một hành vi kỳ lạ và vô bổ.

H.L (Tổng hợp)

Bình luận(0)