Gãy xương hở và cách sơ cứu

Google News

(Kiến Thức) - Những chỗ gãy xương hở có rách da làm cho ổ gãy thông với môi trường bên ngoài, rất dễ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, làm vết thương ngày càng nặng hơn.

Băng bó cầm máu và cố định tạm thời

Anh Nguyễn Văn Ngọc (Thanh Oai, Hà Nội) bị gãy xương cẳng chân do ngã xe máy ở gần nhà. Tuy nhiên, người nhà không đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để băng bó, cầm máu cho anh mà bế anh tới bệnh viện luôn. Vì vậy, lượng máu mất khi trên đường khá lớn, đồng thời có nhiều những dị vật bẩn khiến vết thương loét, nhiễm khuẩn...

PGS.TS Trần Đình Chiến, Chủ nhiệm Bộ môn Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện 103 cho biết, băng bó cầm máu và cố định tạm thời là những xử trí kỳ đầu quan trọng trong gãy xương hở. Bệnh nhân cần đến cơ sở  y tế gần nhất để sát khuẩn, cố định ổ gãy, băng bó vô khuẩn và băng ép cầm máu sau đó mới chuyển tới tuyến trên. 

Tại đây các bác sĩ đã đánh giá tình trạng toàn thân của bệnh nhân, tri giác, hô hấp, da và niêm mạc, mạch và huyết áp, thương tổn thần kinh khu trú để có kế hoạch xử trí cấp cứu những nguyên nhân đe dọa tính mạng của người bệnh. Cho bệnh nhân thuốc giảm đau toàn thân và thuốc phòng uốn ván, chụp X-quang bất động phát hiện bệnh nhân gãy xương hở độ III, rách da 12cm, thương tổn phần mềm bên trong, rách da lớn, ổ gãy gây mất đoạn xương...

PGS.TS Trần Đình Chiến thăm bệnh nhân Ngọc. 

Gãy hở độ III, tốt nhất là để ngỏ vết thương 

Những trường hợp gãy xương hở thường được cắt lọc vết thương, cắt lọc triệt để tổ chức đã bị thương tổn dập nát, thông thường phải rạch da kéo dài, mở rộng thêm miệng vết thương vì phần mềm dưới da luôn bị tổn thương rộng hơn. Cắt lọc đến đâu kỹ đến đó, cắt lọc hết tổ chức bầm dập hoại tử mất sức sống, lấy bỏ hết dị vật. Vừa cắt lóc, bệnh nhân vừa được bơm rửa thường xuyên.

Sau đó, dùng tác dụng cơ học của nước để xối rửa, đẩy những chất bẩn ra ngoài, sau đó dẫn lưu triệt để các chất dịch, cố định hợp lý ổ gãy tùy theo phân loại của tổn thương. Những ổ gãy gây mất đoạn dưới ngắn có thể cắt bằng hai đầu xương để kéo cho hai đầu xương áp lại với nhau, không nên lấy bỏ quá nhiều tổ chức xương, những mảnh xương còn được nuôi dưỡng lại tránh mất đoạn xương cho bệnh nhân, làm ngắn chi bệnh nhân.  

PGS.TS Trần Đình Chiến chia sẻ, đối với vết thương gãy xương hở, nếu vết thương bẩn, dập nát nặng không nên đóng kín vết thương ngay kỳ đầu, nên để hở vết thương bởi có nhiều nguy cơ gây biến chứng, nhất là nguy cơ nhiễm khuẩn, bởi việc cắt lọc, bơm rửa kỹ càng chưa chắc đã loại bỏ hết được tình trạng ô nhiễm từ bên ngoài vào.

Với những gãy hở độ I, II do dùng kháng sinh mạnh có thể khâu kín khi bệnh nhân đến sớm tốt nhất trong vòng 6 - 8 giờ đầu, nhưng phải đặt dẫn lưu để thoát dịch tốt, theo dõi sát nếu có nguy cơ nhiễm khuẩn cần cắt bỏ chỉ, có thể kết xương bên trong. Còn những gãy xương nặng độ III nên để hở vết thương, ổ gãy được cố định bằng khung cố định ngoài, nếu sau 7 - 10 ngày, không có nguy cơ nhiễm khuẩn, vết thương tiến triển tốt mới khâu đóng vết thương.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU


Phạm Hằng

Bình luận(0)