Đứa trẻ đầu tiên mang gene 3 bố mẹ sắp chào đời

Google News

(Kiến Thức) - Em bé đầu tiên thụ tinh ống nghiệm mang gene của 2 người mẹ và 1 bố sẽ chào đời trong năm tới tại Anh.

Theo đó, em bé này sẽ được chào đời từ người mẹ đầu tiên áp dụng liệu pháp thay thế ti thể - một dạng thụ tinh ống nghiệm (IVF) thay lượng nhỏ DNA bị lỗi trong trứng của người mẹ bằng DNA khỏe mạnh lấy từ một người phụ nữ khác, nhằm ngăn chặn các bệnh di truyền từ mẹ sang con. Nghĩa là em bé ra đời thừa hưởng gene từ một người cha và hai người mẹ là cặp vợ chồng cùng với người phụ nữ tặng trứng.

Kỹ thuật sinh sản mới này được trường đại học Newcastle, Anh tiên phong phát triển, Kỹ thuật nhằm mục đích cho phép các cặp vợ chồng mắc phải các bệnh di truyền khủng khiếp có cơ hội sinh con khoẻ mạnh, bằng cách sử dụng trứng của một người phụ nữ khoẻ mạnh hiến tặng. 

Dua tre dau tien mang gene 3 bo me sap chao doi
Liệu pháp thay thế ty thể cho phép thay thế DNA lỗi trong trứng của người phụ nữ bằng DNA khỏe mạnh của phụ nữ khác để phôi tạo thành khỏe mạnh.

Ty thể là bào quan phổ biến ở các tế bào nhân chuẩn có lớp màng kép và hệ gen riêng được truyền từ mẹ sang con qua đường trứng. Bệnh rối loạn ty thể xảy ra với 1 trên 6.500 trẻ, có thể khiến các em thiếu năng lượng, gây ra các bệnh nan y khác như: yếu cơ, mất trí nhớ, mù, điếc... và các vấn đề về tim gan.

Phụ nữ mang ty thể khiếm khuyết thường phải phá thai nếu không muốn con sinh ra mắc các dị tật nói trên. Phương pháp thay thế ty thể này có thể làm giảm nguy cơ trẻ sơ sinh mắc bệnh. Nếu thành công, kỹ thuật này sẽ cho phép các cặp vợ chồng có một đứa con khoẻ mạnh. Đứng trên góc độ di truyền, em bé sẽ mang gen của cả ba bố mẹ.

Những người ủng hộ nói rằng, nghiên cứu mới này sẽ tạo hy vọng cho nhiều trường hợp sảy thai của các cặp vợ chồng. Nhưng những nhà phê bình thì cho rằng kỹ thuật sinh sản mới này vi phạm các vấn đề đạo đức.

Bên cạnh đó, luật pháp Anh chấp thuận việc sử dụng công nghệ này vào năm 2015. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn còn lo ngại về tính an toàn của phương pháp này. Họ chưa thể khẳng định sẽ đảm bảo tất cả các bé đều khoẻ mạnh. Nhiều cuộc tranh cãi khoa học cũng đã nổ ra xung quanh việc làm thể nào để loại bỏ khiếm khuyết của các ty thể gây bệnh nan y. Các nghiên cứu trước đây cho thấy quá trình này là khả thi về mặt kỹ thuật nhưng còn tồn tại hạn chế trong giai đoạn phát triển tiếp sau đó.

Mời độc giả xem video cụ bà 72 tuổi sinh bé trai đầu lòng:
Anh Tuấn (Theo huanqiu)

Bình luận(0)