Thời tiết oi bức, nắng nóng gay gắt dễ khiến cơ thể rơi vào tình trạng cảm nắng, trầm trọng hơn là say nắng. Nếu không được cấp cứu say nằng kịp thời, nạn nhân có thể rơi vào tình trạng mê sảng, co giật, hôn mê và rất dễ tử vong.
Tà khí tấn công
Lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y Việt Nam cho biết, theo Đông y, cảm nắng là loại bệnh ngoại cảm do 1 trong số 6 tác nhân gây bệnh cũng là 6 điều kiện môi trường tự nhiên mà con người bắt buộc phải sống chung, gồm phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng nóng), thấp (ẩm), táo (khô), hỏa (nhiệt, nóng).
Trong Đông y, 6 khí này được coi là tà khí, khi biến đổi bình thường thì cơ thể thích nghi dễ dàng. Nhưng khi các điều kiện môi trường này trở nên khắc nghiệt, quá sức chịu đựng của con người, các tà khí sẽ tấn công cơ thể và gây phát sinh bệnh tật. Trong đó, thử tà gây nên cảm nắng và hay phát sinh nhất trong giai đoạn từ tiết Hạ chí tới tiết Lập thu. Theo độ nặng nhẹ, Đông y chia thành 2 loại: “Thương thử” thường gọi là cảm nắng, bệnh phát chậm, tương đối nhẹ. “Trúng thử” thường gọi là say nắng, biểu hiện bệnh phát nhanh, nghiêm trọng.
Khi nhiệt độ không khí lên cao hơn 35 độ C, hoạt động nhiều giờ dưới ánh nắng mặt trời, hay trong môi trường nhiệt độ cao, đều có thể dẫn tới trúng nắng. “Thương thử” là thể bệnh nhẹ thường gặp với những biểu hiện của chứng nhiệt như phát sốt, đau đầu, mắt đỏ, da nóng ran, mồ hôi ra nhiều, khát nước, người mệt nhọc, hơi thở ngắn, cảm giác bứt rứt khó chịu trong người, nước tiểu đỏ, lưỡi đỏ... Những triệu chứng như người mệt lả, chân tay bải hoải, mồ hôi vã ra nhiều, khát nước, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, ngột ngạt, buồn nôn, nôn, khó tập trung tư tưởng, bước chân xiêu vẹo, rã rời, lảo đảo... nếu không xử lý kịp thời, thì có thể dẫn tới “trúng thử”.
Biểu hiện say nắng là phát sốt, mặt trắng nhợt, thở khò khè như suyễn, da nóng bỏng hoặc ẩm lạnh, mạch đập nhanh, bồn chồn không yên hoặc đờ đẫn. Trường hợp nặng có thể đột ngột ngã lăn ra, mê man bất tỉnh, hàm răng nghiến chặt, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục, hoặc thậm chí gây tử vong.
|
Ảnh minh họa. |
Hạ nhanh thân nhiệt, sơ cứu kịp thời
BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Bệnh viện 105 cho hay, đối với nạn nhân say nắng, điều quan trọng nhất là cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức. Trước hết phải đưa nạn nhân vào chỗ mát, thoáng khí, cởi bỏ quần áo và phun hoặc lau nước mát khắp người, có thể dùng quạt cho tốc độ gió mạnh, đỡ nạn nhân nằm nghiêng để bề mặt da hứng được càng nhiều gió càng tốt.
Có thể dùng thêm khăn lạnh đắp nách, bẹn, khủyu chân và tay, cổ; ngâm tay vào nước mát, có thể cho ngập cẳng tay. Cho nạn nhân uống thêm nước đường nhạt pha chút muối. Trường hợp nặng, nạn nhân hôn mê, không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn chú ý thường xuyên chườm mát để hạ nhiệt cho nạn nhân.
Theo lương y Nguyễn Văn Sử, trường hợp quá cấp bách có thể thử áp dụng phương pháp dân gian như lấy gừng tươi giã nát hòa với nước tiểu trẻ em, cho uống 1 phần, còn lại xoa khắp người, sau đó đắp lên mặt và rốn cho người bệnh tỉnh lại. Sau khi sơ cứu vẫn phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế.
Để phòng say nắng, vào những ngày trời nắng nóng, tốt nhất nên uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, các loại rau củ quả chứa nhiều kali như rau má, cà chua, rau đay, mồng tơi... mặc quần áo rộng, thoáng mát, thoát mồ hôi. Không nên ở lâu, làm việc quá sức trong môi trường quá nóng, nắng. Nếu phải ra ngoài trời nắng nóng, cần chú ý đội nón, mũ. Tốt nhất, trẻ em, người lớn tuổi, người bệnh lâu ngày hoặc người uống rượu, bia không nên phơi nắng quá lâu. Ngoài ra, việc rèn luyện, nâng cao sức khoẻ thường xuyên cũng giúp cơ thể có sức chống chọi với sự thay đổi của thời tiết.
Để phòng ngừa say nắng, say nóng, ngoài việc rèn luyện thân thể, ăn uống đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng, cần lưu ý khi ra ngoài trời nắng phải có mũ rộng vành che đầu, áo quần rộng rãi, thoáng mát, cổ áo cao để tránh nắng chiếu vào gáy; không ở nơi nóng bức liên tục quá lâu, khi phải hoạt động liên tục đến một giờ dưới trời nắng thì cần nghỉ giải lao trong bóng mát từ 10 - 15 phút.
BS Nguyễn Văn Hùng