Chữa gãy xương nhờ... treo thuốc trước cửa

Google News

(Kiến Thức) - Bản Buốc xã Lâm Phú (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) có ông Lò Văn Chìm nổi tiếng nhờ bài thuốc chữa gãy xương rất bí ẩn.

Những người quanh vùng không may bị gãy xương bất kỳ trên cơ thể, chỉ cần đến gia đình ông làm lễ, ông cho thuốc về nhà treo trước cửa nhà, trên đình màn, chỉ thời gian sau xương khắc liền...
Bốn đời làm thuốc treo chữa gãy xương
Chúng tôi đến gặp ông Chìm đúng vào hôm ông đang làm lễ chữa gãy xương cho một bà cụ huyện Quan Sơn. Sau khi cấp thuốc cho bà cụ về chữa, ông Chìm cho chúng tôi biết: Gia đình ông có truyền thống làm thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng. Ai không may đi rừng bị đứt chân, gãy chân đều đến nhờ ông cho thuốc về nhà xoa bóp và treo trên đình màn là khỏi. Đây là bài thuốc gia truyền của dòng họ Lò người dân tộc Thái của gia đình ông, đến đời ông Chìm cũng là đời thứ 4 làm nghề.
"Gia đình tôi rất đông anh em, nhưng khi đó (năm anh 30 tuổi - PV) bố mẹ mới chính thức truyền nghề  cho tôi. Bố mẹ bảo tôi rằng nghề này chỉ truyền cho những người trong dòng họ, điều tối kỵ là không được phép truyền cho người ngoài dù người đó là ai. Học nghề này không khó, nhưng quan trọng phải có đạo đức tốt, phẩm chất tốt, coi người bệnh cũng như con cái mình đẻ ra", ông Chìm cho biết.
Ông Chìm cho hay, những người đến nhờ ông chữa gãy xương, ông thường yêu cầu người nhà đưa bệnh nhân đến để ông khám. Khi đến nhờ ông chữa phải mang theo trầu cau, rượu, chè, thuốc và đặc biệt phải mang theo chiếc áo của người bệnh để làm lễ trước bàn thờ gia tiên nhà ông Chìm. Sau khi làm lễ xong những miếng trầu sẽ được ông Chìm cầm lên miệng hà hơi của mình và lẩm nhẩm vài câu gì đó vào miếng trầu trước khi bỏ nó vào chai rượu. Ông gọi cách làm như vậy là làm phép vào lá trầu để bệnh nhân về chữa trị nhanh khỏi. Sau đó ông lấy một ít củ gừng bỏ vào chai rượu.
 Ông Chìm lấy thân cây thuốc trong vườn cho người bệnh chữa gãy xương.
"Sau khi tôi làm lễ cho người bệnh xong, tôi đưa cho họ cả chai rượu đó và hướng dẫn họ về nhà sẽ lấy lá trầu và gừng để bóp vào vết thương. Nó như là một loại thuốc vừa gây tê, vừa sát trùng vết thương cho người bệnh. Thuốc treo giúp cho liền xương và lành vết thương là những cây thuốc có sẵn trong vườn của gia đình, những cây thuốc này gia đình tôi đã duy trì suốt hơn 300 năm qua. Đó là những loại cây nghe có vẻ rất thông dụng, nhưng không phải ai lấy cũng có thể chữa khỏi bệnh. 
Các loại cây đó gồm: Thân cây ớt tươi, rễ cây đu đủ ra hoa và một loại cây thuốc gia truyền của dòng họ tôi xin giữ bí mật. Ba loại cây đó để tươi, chặt khúc nhỏ khoảng 5cm bỏ vào miếng vải sạch buộc lại. Sau đó mang lên bàn thờ gia tiên làm lễ rồi đưa cho người bệnh mang về chữa bệnh", ông Chìm cho biết.
Theo hướng dẫn của ông Chìm thì bệnh nhân sẽ treo trước cửa nhà 3 đêm, sau đó chuyển xuống đầu giường 3 đêm và cuối cùng là chuyển lên đỉnh màn giường người bệnh cho đến khi bệnh nhân khỏi rồi mới lấy xuống. Ông Chìm giải thích việc treo thuốc ở các vị trí khác nhau đều có lý của nó. Vị trí thuốc đặt dần tiến sát tới người bệnh giúp cho họ hấp thụ được thuốc tốt hơn, xương nhanh liền hơn.
Các bệnh nhân đến chữa phải mang theo chiếc áo để làm lễ gia tiên. 
Dập nát xương sườn cũng khỏi
Trong hơn 20 năm làm thuốc chữa gãy xương cho người dân quanh vùng, ông Chìm đã chữa khỏi cho hàng nghìn trường hợp. Nhưng ông Chìm nhớ nhất là trường hợp anh Lò Văn Thinh, người cùng bản. Năm ngoái anh bị chiếc xe tải tông phải, sau cú va chạm mạnh anh bị ngã xuống suối đầu bản. Mọi người đưa anh vào trạm y tế xã để sơ cứu phát hiện thấy đầu gối anh bị dập nát. Vì đường xá đi lại khó khăn nên gia đình quyết định không đưa anh Thinh đi bệnh viện, thay vào đó anh được gia đình đưa đến nhờ ông Chìm làm thuốc để chữa. 
Sau khi làm lễ xong ông Chìm lấy thuốc và hướng dẫn gia đình anh Thinh về thực hiện đúng như vậy. Lúc đầu gia đình anh Thinh cũng không tin ông Chìm có thể chữa khỏi vì vết thương của anh Thinh khá nặng. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, gia đình treo thuốc ở cửa nhà, chân màn và đỉnh màn cho anh Thinh khoảng hơn 1 tháng thì anh có thể chống gậy và tập đi lại được.
"Cụ Hà Thị Nhi hiện sinh sống ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) hai năm trước được con cháu đưa đến tận gia đình nhờ tôi chữa. Khi tôi khám thấy xương sườn của cụ gãy lúc đầu tôi cũng thấy hoảng, không dám nhận chữa. Gia đình nói đã đưa cụ tới Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn để điều trị, bác sĩ nói không bó bột được. Nhờ người quen giới thiệu họ đã đưa đến nhà nhờ tôi chữa. Tôi nói với gia đình sẽ cố hết sức còn chữa được không thì không biết. Sau khi làm lễ xong, đưa thuốc cho gia đình mang về treo trong nhà. Mấy tháng sau con cháu cụ Nhi quay lại nhà tôi vui mừng thông báo vết thương ở xương sườn đã đỡ nhiều, cụ đã có thể ngồi dậy và tập đi nhẹ", ông Chìm kể.
Theo ông Chìm bài thuốc này nếu xét theo khoa học thật khó lý giải, ông có mấy chục năm làm nghề, nhưng khi có người hỏi tại sao khi treo thuốc giúp người bệnh liền xương thì chính ông cũng không thể lý giải tường tận được. Theo ông, người bệnh khỏi được nhờ phần họ đã tin vết thương sẽ khỏi khi được ông bốc thuốc để điều trị. Nó còn có yếu tố "phép thuật" trong lúc ông hành lễ cho người bệnh.
Ông Chìm làm lễ rồi bỏ miếng trầu vào chai rượu để bệnh nhân bóp vết thương. 
Làm phúc cứu người
Hơn 20 năm làm nghề bốc thuốc cứu người, ông Chìm chưa bao giờ đòi hỏi người bệnh phải đặt tiền, đặt lễ khi chữa. Những người đến chữa chỉ mang trầu cau đến hành lễ, khi chữa khỏi thì mang con gà, chai rượu đến cảm ơn. "Tôi chữa bệnh chỉ vì cứu người là chính, chữa khỏi thì người bệnh lễ gì tùy thích. Trước đây có gia đình từng ăn ở chữa bệnh nhà tôi hàng tháng trời, nhưng tôi không lấy đồng tiền nào. Khỏi bệnh họ chỉ cám ơn tôi một câu là tôi vui rồi. Bởi gia đình họ nghèo quá, nhìn thấy thế tôi thương lắm", ông Chìm cho biết.
Năm nay ông Chìm đã ngoài 50 tuổi, nhưng ông rất lo lắng việc sẽ truyền nghề cho thế hệ sau. Ông đã dạy các con ông làm thuốc treo, nhưng dạy nhiều mà vẫn chưa ưng ý. Các con ông làm đúng các bước như ông đã làm cho các bệnh nhân khác, nhưng hiệu quả thì chưa cao.
"Không phải làm đúng đã có hiệu nghiệm, làm nghề này giỏi không chưa đủ mà cần cái tâm của người làm. Đừng coi trọng những vật chất tầm thường, mà hãy xác định chữa bệnh để làm phúc cứu người, có thế người bệnh mới phục", ông Chìm tâm sự.
- Đúng là gia đình ông Lò Văn Chìm có bài thuốc treo thuốc để chữa gãy xương, đứt chân tay, bỏng... Đây là bài thuốc gia truyền lâu đời của gia đình ông. Bài thuốc này chữa bệnh rất hiệu quả cho người dân trong bản và các nơi khác đến chữa. Theo tôi cách chữa bằng phương pháp treo thuốc là cách chữa mẹo, có yếu tố tâm linh, có thể có cả yếu tố phép thuật của người Thái xưa kia truyền lại.
Ông Phạm Văn Quyên (Trưởng bản Buốc)
- "Tôi là người dân tộc Sán Dìu, trước đây đã từng tìm hiểu về cách chữa bệnh bằng mẹo của người dân tộc. Cách chữa gãy xương bằng cách treo thuốc trước cửa nhà tôi cũng đã từng biết. Đây là cách chữa bệnh có nguồn gốc từ người dân tộc Thái trắng. Trước đây họ có dùng cách chữa trị này cho trâu bò vật nuôi bị bong gân, khớp. Sau đó người cũng được dùng chữa trị khi bị gãy xương. Cách chữa mẹo này chỉ là giải pháp tình thế và chữa cho người già là chính. Nếu chữa gãy xương bằng Đông y cần bóp các thuốc lá vào vết thương sẽ có hiệu quả hơn".
Bà Đặng Thị Lâm (Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Từ Liêm, TP Hà Nội)
Đức Hồng

Bình luận(0)