“Cháu nội tôi không muốn về quê vì... nghèo, bẩn“

Google News

"Tôi thấy buồn vì những suy nghĩ nông cạn của các cháu nội mình, các cháu không muốn về quê vì nhà ông bà không sạch như ở thành phố."

- Tôi ở một huyện nghèo của tỉnh Hải Dương, quanh năm suốt tháng làm ruộng. Con trai tôi làm việc và lấy vợ sinh con ở Hà Nội. Nhà có mỗi anh con trai, điều đáng buồn là mỗi lần nhà có việc, chúng tôi gọi con trai đưa vợ con về thì nó toàn thoái thác bảo vợ bận công việc, các cháu bận học, có về được thì chỉ mỗi mình con trai tôi về thôi.
 
Nhiều lần như vậy, tôi có dò hỏi ý con trai thì được biết, các cháu không muốn về vì nhà ông bà không sạch sẽ như ở thành phố. Tôi thấy buồn vì những suy nghĩ nông cạn của các cháu nội mình, sao không thấy cái hay, cái đẹp của nếp sống, nếp sinh hoạt ở quê nơi bố nó đã được nuôi dạy nên người?
 
Bà Nguyễn Thị Oanh (Cẩm Giàng, Hải Dương).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bác Oanh kính mến!
 
Đúng là hoàn cảnh của bác thật đáng phải suy nghĩ. Trong việc này, người đáng trách nhất là anh con trai của bác. Lẽ ra, anh ấy phải là người luôn biết nhắc nhở các con của mình hướng về quê hương, nguồn cội nơi gốc rễ của mình.
 
Khi các con chê điều kiện ở quê, anh ấy phải giải thích và có những lời giới thiệu cho các con của mình về ý nghĩa của mỗi việc làm, dụng cụ hoặc công trình đối với nhà nông để các cháu hình dung được những việc mà ông bà của mình đang làm, từ đó biết cảm thông chia sẻ đối với sự vất vả của ông bà.

Để khắc phục việc này, mỗi khi con cháu có dịp về quê, bác hãy để các cháu tham gia vào một số công việc như câu cá (nếu nhà ông bà có ao), đi gặt (nếu là ngày mùa), thu hoạch trái cây trong vườn, cho gà ăn, thăm các anh chị em họ hàng...
 
Với những việc làm mà trẻ con thành phố chỉ được xem trên ti vi ấy sẽ khiến trẻ thích thú và có ấn tượng đối với quê nhà. Khi trẻ có ấn tượng thì sẽ luôn luôn hào hứng khi bố mẹ đưa về quê chơi và việc lo nhà ông bà không được sạch sẽ không còn là vấn đề gây cản trở đối với trẻ.
 
Đối với bác, khi nhà có việc, con cháu về chơi, bác nên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp để các cháu thấy được sự chào đón của ông bà. Nếu không dọn dẹp được hết, chí ít bác cũng nên để ý về nguồn nước, khu vực vệ sinh, bếp núc và buồng ngủ cho các cháu.
 
Việc này cũng rất có ý nghĩa vì khi các cháu bác đang sống trong môi trường thành phố tiện nghi, việc sinh hoạt có khác biệt, khi về sẽ khó thích nghi ngay được...

Các cháu nội của bác chắc do ít có dịp về quê chơi, nên chưa biết hết được những cái hay, cái đẹp của quê mình, thay vì suy nghĩ nhiều về điều này, bác nên từ từ thay đổi nhận thức của các cháu, qua thời gian hy vọng rằng các cháu bác sẽ hiểu đúng ý nghĩa của việc về quê và những việc mà ông bà của mình đã và đang làm.
 
Chuyên gia tâm lý Ngọc Hiền (Trường Đại học KHXH&NV)
 
[links()]

Bình luận(2)

Minh Hiền

Trịnh Phú Tuấn

Kính gửi bà Oanh
Cháu bà không về quê thăm bà và quê nội là lỗi của anh con trai bà ko biết giáo dục con cái,người bố xuất thân ở làng quê khi lên HN mưu sinh, may mắn có được nhà cửa ở đó mà không thể đưa con mình về được. Người bố này rất kém cỏi, chắc sau này các con anh ta cũng coi thường anh ta mà thôi,các cháu còn trẻ thì ko thể đổ lỗi do nhận thức được. Tôi cũng sinh ra ở miền quê nghèo ở miền Bắc, đi làm ăn xa, các bạn tôi có về quê tôi chơi, tuy nghèo nhưng chẳng ai chê cả, quan trọng nhất là tình cảm con người dành cho nhau là vốn quý nhất

Minh Hiền

Nguyễn Thị Hồng Chiến

Chào bác Oanh
Tôi đồng ý với ý kiến của chuyên gia tâm lý Ngọc Hiền, người đáng trách nhất là con trai rồi kế đến con dâu của bác đã không sớm biết cách nhắc nhở các con của mình hướng về quê hương, nguồn cội nơi gốc rễ của mình. Các cháu như tờ giấy trắng , ghi cái gì thì được cái ấy thôi, người lớn phải là người hướng dẫn, dìu dắt các cháu để các cháu thấy yêu quý quê hương, ông bà, cha mẹ...Tôi xin lấy ngay ví dụ của gia đình tôi để bác và anh chị xem có thể tham khảo được không nhé.
Tôi có 2 cháu gái gọi tôi bằng dì, một đứa ở thành phố Vinh hè này lên lớp 4, một đứa ở thành phố Thái Nguyên hè này lên lớp 3, các cháu từ bé đều sinh ra, lớn lên ở thành phố, nhà các cháu đều có điều kiện, bố mẹ đều là tiến sĩ, thạc sĩ...nhưng cứ hè đến là bố mẹ lại cho các cháu về quê (Nghệ An) với ông bà, các cậu, dì... Ở đó chị tôi (cũng là giáo viên) ngoài dạy kèm cho các cháu học hành, còn đưa các cháu tập đi làm ruộng trên ruộng của các bà trong thôn ( học cấy lúa, làm cỏ...có tính công = số điểm các cháu đạt được theo các bà nông thôn cho điểm) đi câu cá, ra chợ lấy rau, đậu hũ của các bà , các cô chia cho các cháu bán, nếu có lãi, của cháu nào thì cháu ấy giữ. Cuối đợt hè, tổng cộng lại, chị tôi dẫn 2 cháu đi chợ mua sắm bằng số tiền của mình làm được ( tất nhiên là phải thêm vào), các cháu ngoài mua sắm cho mình còn biết mua quà về cho mẹ, cho em , không thấy cháu mua quà cho bố cháu. Chị tôi nhắc thì cháu bảo: bố cháu chẳng thiếu thứ gì.!!! nhưng chị tôi cũng giải thích cho cháu hiểu đây là những đồng tiền do cháu làm ra, vất vả mới có được, nếu nhận được quà của cháu bố sẽ vui thế nào... và cháu hiểu ra. Như vậy, thông qua cách "chơi mà học" này , chị tôi đã dạy các cháu vừa biết công việc nhà nông là làm những gì để ra hạt lúa, hạt gạo; buôn bán phải khéo léo, tính toán mời chào khách thế nào để người ta mua hàng cho mình, để kiếm được đồng tiền khó khăn , vất vả thế nào , từ đó các cháu phải cố gắng học hành để thoát cảnh "chân lấm tay bùn", biết quý trọng đồng tiền, biết chi tiêu hợp lý ...Lạ là, dù các cháu đi làm ruộng, không nhấc chân lên khỏi bùn được phải kêu bà kéo lên, nắng nóng, về quê không có máy điều hòa...thế nhưng hè nào nói về quê các cháu cũng rất hồ hởi, thích về lắm.
Vài dòng vậy, bác và anh chị tham khảo và định hướng tâm hồn cho cháu, sau này mình sẽ là người được hưởng " trái ngọt" đấy anh chị ạ.