Tốt nhất là nên tránh mua những loại thịt lợn có mông và vai nở to, bắp thịt cuồn cuộn lên một cách khác thường...
(Kienthuc.net.vn) - Hội thảo “Sử dụng chất tạo nạc và an toàn thực phẩm” đã được vào ngày 13/4 tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà khoa học.
Cần có quy định về giới hạn tồn dư cho phép
PGS.TS Phan Thị Sửu, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho biết trong nhóm B-agonist, 2 chất sanbutamol hoặc clenbuterol cả thế giới đều cấm, riêng với chất ractopamine lại có đến 24 nước chấp nhận cho sử dụng. Lý do là vì sanbutamol hoặc clenbuterol tích lũy lâu trong thận, gan và mỡ vật nuôi còn ractopamine bị đào thải nhanh qua con đường nước tiểu. Ở những nước chấp nhận cho sử dụng chất này đều có quy trình cách ly trước khi giết mổ 14 ngày.
“Nếu chế độ chăn nuôi đảm bảo nghiêm ngặt như vậy thì khả năng sử dụng chất cấm là có thể chấp nhận được. Song ở Việt Nam, hầu hết chăn nuôi qui mô hộ gia đình, nhỏ lẻ không có kiểm soát thì không nên cho phép dùng các chất này trong ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm”, PGS. TS Phan Thị Sửu nói.
|
|
Theo TS Lê Thị Hồng Hảo, phó viện trưởng, viên Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh Thực phẩm quốc gia: Việc cấm sử dụng các chất tạo nạc trong chăn nuôi là cần song, cấm sử dụng trong chăn nuôi không có nghĩa là hàm lượng của các chất này trong thực phẩm phải bằng “không”. Cần có quy định về giới hạn tồn dư tối đa cho phép của các chất clenbuterol và salbutamol trong thực phẩm.
Phân biệt = đánh đố?
Ông Nguyễn Xuân Dương Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện ngành chăn nuôi có giống lợn siêu nạc vì thế cần phải phân biệt rõ giống lợn siêu nạc với lợn có sử dụng chất tạo nạc. Tuy nhiên, rất khó có thể phân biệt thịt lợn siêu nạc với thịt sử dụng chất tạo nạc về mặt cảm quan.
Theo Theo PGS. TS Phan Thị Sửu, người tiêu dùng vẫn có thể dựa vào một số đặc điểm:
Đặc điểm của lợn siêu nạc là khi lợn còn sống, da có động các khác thường, trương mỏng có cảm giác như ứ nước bên trong. Trên da còn xuất hiện đốm đỏ, lợn đi nặng nề, lợn có nạc nhiều vun cao (nạc gần sát với da) có mỡ ít, lớp mỡ mỏng khoảng 0,5-0,6 cm.
Thịt lợn ăn chất tạo nạc có màu đỏ như thịt bò, không mềm mại (thịt lợn bình thường có màu hồng tự nhiên và mịn). Khi nấu chín mất chất béo và mùi vị không ngon. Loại thịt lợn ăn bột siêu nạc tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao, mắt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, độ săn chắc kém. Tại bắp vai, đùi vật nuôi, lượng thịt nạc phát triển bất thường, u lên màu đỏ au giống thịt bò.
Tốt nhất là nên tránh mua những loại thịt lợn có mông và vai nở to, bắp thịt cuồn cuộn lên một cách khác thường nếu quầy còn để nguyên con. Còn thịt đã cắt ra thì có thể phân biệt bằng quan sát tỷ lệ nạc trên miếng thịt: thịt sử dụng chất tăng trọng có tỷ lệ nạc quá nhiều, màu hơi sậm, nạc gần như dính vào da, phàn mỡ rất mỏng.
Theo TS Tô Thị Liên, trưởng phòng Thú y Cộng đồng, Cục Thú Ý: Việc phát hiện bằng cảm quan là cực kỳ “thách đố” đối với người tiêu dùng. Cách đơn giản nhất là phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú ý.
Ông Nguyễn Xuân Dương Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Báo cáo của 9 phòng thí nghiệm được Bộ NN& và PTNT chỉ định phân tích các chất cấm thuộc nhóm B- agonist trong chăn nuôi trong 3 tháng đầu năm 2012 là: thức ăn chăn nuôi: 13/268 mẫu (4,8%), thuốc thú y: 2/18 mẫu (11,1%), thịt, gan lợn: 8/179 mẫu (4,4%), nước tiểu lợn: 7/108 mẫu (6,4%).
Kết quả giám sát 17 tỉnh ở phía Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ (cuối tháng 3, đầu tháng 4): 3/151 mẫu có chứa chất B-agonist (2 mẫu trên thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Hòa Bình và Hải Dương, 1 mẫu trên gan gia súc ở Bắc Ninh). |
SH