Bên lề buổi thảo luận tổ Quốc hội ngày 23/10, phóng viên Báo Người Lao Động đã buổi trao đổi với đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) về việc 1 bác sĩ phi tang xác nạn nhân xuống sông.
Ông Quốc bày tỏ: “Tôi thấy rất sốc vì nó gắn với y đức, với an toàn xã hội và quan trọng cái sốc nhất là quản lý xã hội”.
Dưới đây là cuộc trao đổi nhanh của phóng viên và ĐBQH Dương Trung Quốc.
Dưới góc độ lịch sử, xâu chuỗi lại những vụ việc được coi là y đức suy thoái nghiêm trọng đến độ bác sĩ độc ác ném xác bệnh nhân phi tang được phát hiện ngày hôm qua 22-10 khiến dư luận bàng hoàng, ông nhìn nhận thế nào về thực trạng y đức hiện nay?
- Đại biểu Dương Trung Quốc: Y đức là một tiêu chí nghề nghiệp. Nó là những giá trị mà người ta muốn gìn giữ nó. Trong một môi trường không lành mạnh như thế, có quá nhiều kẽ hở như thế thì chính nó làm xói mòn y đức. Quan trọng nhất là chế tài xã hội, chế tài pháp luật. Cái chế tài nó quyết định cả phần y đức nữa.
Bên cạnh ngành Y tế quản lý, cần xem trách nhiệm của quản lý địa bàn vì nó xảy ra ở địa bàn. Cơ quan quản lý cấp phép như thế nào, kể cả cơ quan thuế, họ có thu thuế trên lĩnh vực hoạt động kinh doanh đó hay không, địa phương có kiểm tra cấp phép của thẩm mỹ viện hay không? Cái sự “bỏ qua” ấy đều có lý do đằng sau của nó cả. Người dân hoàn toàn có quyền nói rằng đấy là hiện tượng tiêu cực. Không thể nói tôi “bỏ sót” được, chỉ có tiêu cực mới xảy ra những cái ấy.
Qua sự việc, cơ quan Nhà nước chẳng ai thấy có lỗi cả. Quản lý Nhà nước cũng phải gắn với quản lý trên địa bàn. Những điều đó chỉ đem lại cảm giác mất an toàn cho người dân, mất lòng tin vào Nhà nước. Nó cho thấy một lỗ hổng rất lớn. Người ta có quyền đặt vấn đề: Tiêu cực trong bộ máy có phải là nguyên nhân chính không vì cái sai rõ ràng như thế mà chẳng ai xử lý cả.
Phải chăng y đức xuống cấp bắt nguồn sâu xa từ quản lý bởi ngay sau sự việc ném xác phi tang chấn động thì cơ quan quản lý nhà nước mới... phát hiện cơ sở thẩm mỹ gây ra cái chết của khách hàng không có giấy phép hoạt động?
- Sáng nay (23-10) tôi có nghe ý kiến của đại diện Sở Y tế Hà Nội thì chủ yếu là đun đẩy thôi, cho rằng họ (thẩm mỹ viện Cát Tường - PV) lách luật. Thí dụ rằng thẩm mỹ thì không phải đối tượng của ngành Y tế quản lý, trong khi đó những dòng quảng cáo thì nó thỏai mái mà hầu như không có ai giám sát cả.
Đúng là có khó khăn với cơ quan quản lý Nhà nước hiện nay khi giám sát trên một phương diện như thế. Song tôi muốn nói vai trò quan trọng nhất, lớn nhất chính là chính quyền địa phương. Có thể nói chưa bao giờ chúng ta có một lực lượng chính quyền địa phương tại chỗ lớn như thế, về nhân sự, về chức năng, về đội ngũ. Nhưng hầu như là bỏ qua hết. Người dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Hay là có sự bảo kê?
Cuối ngày 22-10, Bộ Y tế có lên tiếng xin lỗi nhân dân về sự việc này. Đây cũng là việc rất hiếm hoi. Ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện này?
- Vấn đề là xin lỗi để làm gì? Cái quan trọng là cần sửa chữa chứ không phải xin lỗi, vì càng xin lỗi thì người dân càng mất lòng tin.