Bố mẹ ép học, con bị tâm thần

Google News

Sợ thi trượt, sợ điểm kém, sợ không đáp ứng được mong muốn của bố mẹ, sợ bị bạn bè chê cười. Trăm ngàn nỗi sợ khiến học sinh phải chịu nhiều áp lực đến phát bệnh tâm thần.

Bố mẹ N vốn là dân trí thức Hà Nội, đặt quá nhiều kỳ vọng ở N. Lên 4 đã cho N học tiếng Anh, học bàn tính Ucemas, 5 tuổi đã đọc thông, viết thạo. Bố mẹ N đặt ra một lộ trình cho con là phải vào được Đại học Harvard. Thế nên, ngay vào lớp 1, hệ thần kinh của N bị "đơ"

Sợ thi trượt, sợ điểm kém, sợ không đáp ứng được mong muốn của bố mẹ, sợ bị bạn bè chê cười. Trăm ngàn nỗi sợ khiến học sinh phải chịu nhiều áp lực đến phát bệnh tâm thần. Câu chuyện không mới nhưng đang trở thành một vấn đề của xã hội, khi áp nền giáo dục "nhồi nhét", trọng bằng cấp đang chiếm lợi thế.

"Sống trong sợ hãi"

Đó là khẳng định của các bác sĩ tâm lý khi điều trị cho những học sinh bị stress do áp lực học hành. Đây là thời điểm nước rút của kỳ thi tốt nghiệp lớp 9, lớp 12 và kỳ thi đại học. Và đây cũng là thời điểm mà các bệnh viện tâm thần ở Hà Nội, bệnh nhân tuổi học sinh tăng đáng kể. "Nhiều em lên ôn thi đại học nhưng lại nhập viện luôn", là tình trạng xảy ra thường xuyên hàng năm.
 Sức ép quá lớn khiến nhiều học sinh mệt mỏi. Ảnh minh họa

Hoàng Việt M. đang chuẩn bị thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Thức đêm nhiều, lịch học kín mít, vì bố mẹ M hy vọng con sẽ thi được vào một trường điểm ở Hà Nội. Đang yên lành, bỗng dưng M dở chứng, hơn một tháng nay mệt mỏi, căng thẳng, đứng ngồi không yên. Chị Bế Thị Hiển, bác sĩ điều trị cho M kể: "Khi bố mẹ M đưa con đến, tôi rất ngạc nhiên. Trông M. khỏe mạnh, cao to, không ai nghĩ, thần kinh cháu lại yếu đuối như vậy. Có thể do bố mẹ quá chiều chuộng, cháu luôn gặp mọi điều toại nguyện và may mắn trong cuộc sống. Nên khi gặp một chút khó khăn như vượt qua kỳ thi tốt nghiệp này chẳng hạn, với áp lực phải được điểm cao là cháu nản nga

M. chỉ ngồi im lặng. "Bố mẹ cháu muốn cháu phải vào được trường chuyên. Nhưng áp lực thi vào các trường chuyên ở Hà Nội năm nay còn cao hơn mọi năm. Cháu cố hết sức rồi". Chính bố mẹ M. cũng không bao giờ bận tâm con trai mình có mong muốn gì. Thế nên, lịch học cứ kín mít: sáng, chiều, tối. Hơn nữa, M lại chịu thêm áp lực của bố mẹ phải vào trường chuyên. Áp lực chồng lên áp lực khiến M. suy sụp. Nhìn con trai đứng thất thần, chị H, mẹ M đau khổ: "Giờ tôi chỉ mong con được là người bình thường thôi, không cần phải trường chuyên lớp chọn, đậu tốt nghiệp là tốt rồi".

Thực tế, càng ngày có càng nhiều trẻ bị rối loạn stress do áp lực học hành. Theo bác sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thì con số đó phải lên tới hàng trăm và càng ngày càng tăng. Theo bác sĩ Tâm, nguyên nhân của những sang chấn stress đó là do bố mẹ ép học nhiều. Bố mẹ quá kỳ vọng ở con cái mình, tạo nên áp lực cho con, buộc con phải cố gắng. Nhiều đứa trẻ vốn học kém, nhưng chịu áp lực kỳ vọng của bố mẹ nên trước những kỳ thi, cơ thể những đứa trẻ có những phản ứng như lên cơn co giật, tự nhiên mắt mù không nhìn thấy, ngất xỉu. Tuy nhiên đây chỉ là hiện tượng nhất thời, nếu có sự hợp tác của đứa trẻ và gia đình sẽ trở lại được trạng thái bình thường.

K. đáng lẽ giờ này đã là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Mỏ địa chất. Thế nhưng, 3 năm nay, K. luôn sống trong tình trạng sợ hãi, không đến trường mặc dù đã thi đậu đại học. Bác sĩ Tâm đã nhiều lần khuyên nhủ K. trở về lớp học, hòa đồng với bạn bè, nhưng K rụt rè, cậu không tự tin để vào lớp cùng các bạn. Nguyên nhân sâu xa là cách đây 3 năm, do áp lực phải đỗ đại học vì nhà nghèo, mẹ con K khăn gói lên Hà Nội để luyện thi. Trước kỳ thi đại học năm 2011, K đã phải nhập viện vì tình trạng suy nhược cơ thể, mỏi mệt và đau đầu.

Nhưng sau đó, K. vẫn tham dự kỳ thi và đậu vào Đại học Mỏ. Nhận được giấy báo học, mẹ K. mừng rỡ. Còn K. thì dửng dưng như không. Thâm chí, K. nói sẽ không đi học. "Em thấy mỏi mệt trong người, không muốn đến trường, cứ hễ nói đến học là người em cứ rã rời". Trông K. chán nản. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tâm, bản thân K. rơi vào trường hợp bị stress, muốn trốn tránh chuyện học hành, do áp lực học hành trước kỳ thi đại học. K. không nỗ lực thì mãi mãi sẽ không theo học được nữa.

Ước con chỉ là người bình thường

Áp lực từ bố mẹ, từ quá tải học hành khiến nhiều đứa trẻ bỏ quên tuổi thơ của mình và phát bệnh tâm thần. Khi con rơi vào tình cảnh, các ông bố bà mẹ lại chỉ ước một điều thật giản dị: "Con mình được là người bình thường".
 Ảnh minh họa

Gia đình anh L. là giáo viên dạy giỏi nổi tiếng của ngoại thành Hà Nội. Mấy năm Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, phong trào học ở huyện này xôm lên hẳn. Nhà anh L. có hai người con. Cô con gái học rất giỏi từng được giải quốc gia về môn Toán. Thế nên, khi con trai đi học, anh L cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào con. Anh L. tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho con trai nhìn vào tấm gương của chị gái và học. Con đường duy nhất mà bố mẹ vạch ra cho D. là phải thi đậu vào một trường chuyên Ngữ Hà Nội. Học. Học và học. D quay cuồng trong mớ kiến thức với áp lực phải giống chị gái. Quả thật, D đậu vào trường chuyên ngữ.

Nhưng theo học ở trường này chừng 2 tháng, D phát biểu gọn lỏn: "Trường này toàn dạy linh tinh". Bởi năng lực của D. không thể học được trường chuyên. D không tiếp thu được những kiến thức mà em phải học hàng ngày. D nhập viện cấp cứu tâm thần trong tình trạng chán nản, suốt ngày chỉ đập đầu vào tường đòi chết. Những vết thâm vẫn còn nhằng nhít trên trán. 

Bác sĩ Tâm, người trực tiếp điều trị cho D nói: "D chịu quá nhiều áp lực, áp lực từ bà chị học rất giỏi và áp lực từ cả chính bố me mình. Áp lực chồng lên áp lực khiến D bị trầm cảm nặng". Còn anh L, sau 4 tuần điều trị cho con, ân hận: "Giờ tôi chỉ mong con mình trở lại được bình thường thôi, cố hết năm nay, tôi sẽ xin chuyển cho cháu về học trường bình thường và để cháu phát triển tự nhiên, cầu trời, tôi chỉ mong cháu được bình thường".

Tiểu học cũng phát điên vì... học

Tuy nhiên, không chỉ học sinh thi vào cấp 3, đại học mới chịu áp lực học hành và phát điên vì học. Mà ngay ở bậc tiểu học, tỷ lệ trẻ bị stress, tâm lý càng ngày càng gia tăng đáng báo động. Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, tôi gặp một bệnh nhân đang học lớp 1. N đến điều trị trong tình trạng ngồi im một chỗ, không phản ứng trước những yêu cầu của bố mẹ. Nhưng trên lớp, cậu lại là đứa trẻ năng động, nghịch ngợm và không kiểm soát được hành vi. Trông đôi mắt N thơ thẩn như người mất hồn. 

Bố mẹ N vốn là dân trí thức Hà Nội, đặt quá nhiều kỳ vọng ở N. Lên 4 đã cho N học tiếng Anh, học bàn tính Ucemas, 5 tuổi đã đọc thông, viết thạo. Bố mẹ N đặt ra một lộ trình cho con là phải vào được Đại học Harvard. Thế nên, ngay vào lớp 1, hệ thần kinh của N bị "đơ". Hơn một tháng điều trị N vẫn ngồi im trước những yêu cầu của người lớn. 

Đó là cách trẻ phản kháng trước những áp chế mà người lớn tạo ra cho trẻ. "Với những trường hợp này, chúng tôi phải "điều trị" cho bố mẹ trước, bố mẹ phải hiểu con và chấp nhận con mình như những gì nó có. Đừng tạo áp lực cho con, bắt con phải trở thành ông này bà nọ. Khi bố mẹ hiểu được điều đó, chúng tôi mới bắt đầu quá trình điều trị và chắc chắn chỉ hơn một tháng, đứa trẻ sẽ trở lại bình thường".

Quay cuồng vì học, học đến phát bệnh tâm thần, nhưng nhiều học sinh không biết mình học để làm gì, học không mục đích, không định hướng...
Thạc sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai: Để con được là chính mình

Hàng năm, nhất là vào mùa thi cử, tôi phải điều trị cho hàng trăm đứa trẻ bị rối loạn, stress do áp lực học tập. Có rất nhiều câu chuyện liên quan đến dạng stress này. Trước hết là do bố mẹ quá kỳ vọng vào con mình, bắt con phải làm những việc mình chưa làm được, bắt con làm những điều chỉ là mong muốn của mình. 

Tôi thấy trên nhiều diễn đàn xã hội, các ông bố bà mẹ thường trao đổi với nhau về cách làm thế nào con học giỏi, học trường nào tốt, học thêm ở đâu hay mà họ không hiểu rằng, mỗi đứa trẻ có một tố chất riêng. Điều này, tốt với trẻ này nhưng không tốt với trẻ kia. Tất cả chúng ta đang nhầm lẫn, dẫn đến áp lực không đáng có cho con cái mình. 

Tôi nghĩ, các ông bố bà mẹ hãy lắng nghe con mình, phải biết con mình là ai, và chọn một cách thức phù hợp với lứa tuổi, năng lực của con để tránh tình trạng con rơi vào những trường hợp như trên. Hãy để cho bọn trẻ được là chính mình. Tôi mong các ông bố bà mẹ hiểu một cách sâu sắc câu nói đó.

Bác sĩ Bế Thị Hiển, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương: Đừng gây thêm áp lực cho con

Đây là một vấn đề lớn của xã hội. Lỗi không phải do con trẻ, mà lỗi do nền giáo dục của chúng ta quá coi trọng bằng cấp. Chúng ta quá kỳ vọng vào con cái, đặt cho nó quá nhiều mục tiêu, khiến con mình bị áp lực. 

Tỷ lệ trẻ bị trầm cảm do học hành càng ngày càng gia tăng, ở nông thôn nhiều hơn thành thị. Có lẽ do họ làm ăn vất vả, muốn con học bằng thầy bằng bạn để thoát khỏi nghèo mà tạo áp lực cho con. Còn ở thành phố, hầu hết những đứa trẻ bị sang chấn stress này thường do nhân cách yếu đuối, được chiều chuộng và toại nguyện mọi yêu cầu nên khi gặp một khó khăn nào đó chúng thường gục ngã. Với những trường hợp này, rất cần sự hiểu biết và hợp tác của bố mẹ, hãy để con mình phát triển tự nhiên và bằng lòng với những gì con mình đạt được.


TIN LIÊN QUAN

Theo CSTC

Bình luận(0)