Thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, số lượng bệnh nhân bị viêm nhiễm da ngày càng tăng mạnh trong những ngày nắng nóng như hiện nay. Trong đó, số lượng bệnh nhân bị zona thần kinh chiếm số lượng lớn và có nguy cơ còn tăng mạnh hơn nữa nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài.
Nguy cơ bùng phát bệnh zona thần kinh
Bệnh zona thần kinh là do vi rút Varicella - zoster cùng một loại viruts gây bệnh thủy đậu. Sau khi đã bị bệnh thủy đậu, vi rút này nằm không hoạt động trong mô thần kinh gần tủy sống và não.
|
Bệnh nhân bị zona thần kinh. |
Theo các bác sĩ chuyên về điều trị bệnh da liễu, bệnh này thường nên điều trị dứt điểm sớm ngay khi mới phát hiện. Một số loại thuốc được khuyến cáo nên dùng khi phát hiện bị zona thần kinh là thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, chống viêm; thuốc làm dịu da khi bị bỏng rát; thuốc chống nhiễm khuẩn và ức chế virus phát tán... để hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh.
Ông Nguyễn Minh Thân (52 tuổi, Cầu giấy, Hà Nội) cho biết: "Trời nắng nóng đã đành, tôi còn bị bỏng ngứa, rát một vùng da lớn ở trên bả vai phải, lâu lâu lại có dấu hiệu sốt nhẹ. Nhìn vùng da bị bỏng ngứa tôi nghĩ ngay đến việc bị "giời leo" nên chỉ đi mua thuốc mỡ bôi ngoài nhưng sau hai ngày vẫn không thấy bệnh tình thuyên giảm gì hết. Vì lo lắng nên tôi quyết định đến bệnh viện da liễu để khám. Tại đây, các bác sĩ bảo tôi bị zona thần kinh đến giai đoạn nặng và phải nhập viện để điều trị”.
Cũng là một trường hợp phải nhập viện do bệnh zona thần kinh, chị Lê Thị Thu Trang ( Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi nhập viện trong tình trạng một bên má sưng vù do những nốt mụn nước đỏ và đã nhiễm trùng. Nghĩ trong người bị nóng nên mới nổi nốt đỏ bỏng như vậy nên tôi chỉ tăng cường uống nước và ăn những thực phẩm mát thôi. Nhưng không ngờ chỉ sau ba ngày các vết mụn trên mặt vỡ ra và bị nhiễm trùng vùng má”.
Các bác sĩ BV Da liễu cho biết, bệnh zona thần kinh thường không nguy hiểm, rất dễ nhận biết, có thể tự khám và phát hiện tại nhà. Bệnh có triệu chứng sốt, đau rát da và nổi mụn nước, có thể gây sốt cho người bệnh thêm vào đó là cảm giác đau rát tại vùng da bị tổn thương. Khoảng 1 - 2 ngày sau khi phát hiện bệnh, tại các chỗ da đỏ, mụn nước bắt đầu xuất hiện. Mụn nước sẽ lan rộng, sau đó đục có mủ. Mụn nước khô đi sau vài tuần, để lại một lớp vẩy. Vẩy rụng sau vài tuần, vùng da đó sẽ có sẹo tròn màu bạc xếp thành từng nhóm. Cơn đau trên da có thể vẫn tồn tại.
Cách xử trí bệnh zona thần kinh
Điều trị bệnh zona thần kinh sớm ngay sau khi phát hiện bệnh là điều cần thiết. Nhất là trong vòng 72 giờ kể từ khi bệnh xuất hiện bằng cách dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm; thuốc làm dịu da; thuốc chống nhiễm khuẩn và thuốc ức chế virus.
Tuy nhiên việc dùng thuốc chữa zona phải có chỉ dẫn của bác sĩ chuyên về da liễu. Nếu bệnh nhân đau cấp, có thể uống thêm thuốc giảm đau thần kinh như gabapentin (neurotin) hoặc pregabalin (lyrica) trong khoảng thời gian từ 1-3 tuần. Nếu sau khi tổn thương da khỏi mà vẫn còn đau thì phải điều trị kéo dài hơn. Có thể sử dụng thuốc kháng vi rút tuy nhiên, thuốc kháng virut không được khuyến cáo dùng cho tất cả mọi người mắc bệnh zona thần kinh. Ví dụ: thanh niên và trẻ em mắc bệnh zona thần kinh ở bụng và ngực, thì họ thường có triệu chứng nhẹ và ít để lại biến chứng. Vì vậy, trong trường hợp này thì thuốc kháng virut là không cần thiết.
Ngoài ra, bệnh nhân phải luôn giữ cho khu vực vết thương được sạch sẽ, mặc quần áo rộng, tránh để vết thương bị chà xát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với những người chưa từng bị bệnh thủy đậu, những người đang bị suy giảm hệ miễn dịch.