Và đây là lần đầu tiên con tàu bệnh viện Việt Nam mang tên Khánh Hòa 01-HQ 561, do chính người Việt thiết kế và chế tạo, đã thực hiện thành công chuyến khám - chữa bệnh cho hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, người dân đang sinh sống và làm việc tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trong hành trình dài 2.000 hải lý và 40 ngày lênh đênh trên biển.
Tàu bệnh viện và sứ mệnh hòa bình
Chỉ khi được ra Trường Sa trên con tàu bệnh viện Việt Nam tôi mới biết, ngoài những chiến hạm oai hùng, những con tàu du lịch hạng sang, những tàu chở hàng đồ sộ lừng lững hay những tàu cá nhỏ bé như những chiếc lá mỏng manh trên biển..., còn có một loại tàu đặc biệt mang trong lòng nó cả một bệnh viện với đầy đủ trang thiết bị và nhân viên y tế, thực hiện chức năng khám - chữa bệnh và cấp cứu trên biển.
Trên thế giới, tàu bệnh viện thường do quân đội của mỗi nước quản lý. Trong thời chiến, con tàu này là nơi cấp cứu các thương - bệnh binh cũng như dân thường chịu những tai ương của chiến sự. Còn trong thời bình, nó thường thực hiện những chuyến khám - chữa bệnh cho quân đội cũng như tham gia các hoạt động từ thiện cứu chữa dân nghèo.
|
Phẫu thuật thử nghiệm trên biển. |
|
Đón ngư dân tàu cá bị ngộ độc cá hồng lên tàu bệnh viện. |
Tàu bệnh viện được bảo vệ bởi Công ước Hague ký vào năm 1907 về quy luật chiến tranh và được các cường quốc công nhận. Theo đó, khi hoạt động trong vùng biển có chiến tranh, nó vẫn bình yên giữa hai làn đạn. Các nước tham chiến nếu tấn công tàu bệnh viện sẽ được xem như là phạm tội ác chiến tranh. Vì thế, tàu bệnh viện cũng được quy định những đặc điểm nhận dạng nổi bật để không lẫn với loại tàu nào trên biển.
Một đặc điểm khá quen thuộc của tất cả những con tàu bệnh viện trên thế giới, đó chính là cả con tàu đều sơn màu trắng toát. Hai bên mạn tàu in hình chữ thập màu đỏ nổi bật, kèm theo là cờ của nước sở hữu nó và ký hiệu của con tàu. Nhiều tàu bệnh viện có thêm đường kẻ xanh chạy ngang thân tàu. Dù với đặc điểm nhận dạng nổi bật và khó lẫn giữa màu xanh ngăn ngắt của biển cả, nhưng trong thời buổi nhiễu nhương, lịch sử đã ghi nhận nhiều con tàu bệnh viện vẫn bị thủy lôi đánh đắm trong hai cuộc chiến tranh thế giới do cả sự vô tình hoặc cố ý của đối thủ.
Từ trước đến nay, nhiều con tàu có chức năng là tàu bệnh viện trên thế giới đã đến Việt Nam. Tháng 7 năm ngoái, nhiều người Việt Nam đã tò mò khám phá con tàu bệnh viện lớn nhất thế giới - tàu Mercy của Hải quân Mỹ - khi nó chở 1.200 thành viên quân sự và dân sự của nhiều quốc gia cập cảng Cửa Lò và lưu lại trong hai tuần để lắp đặt một số thiết bị cũng như chăm sóc y tế ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đó là lần thứ 3 con tàu bệnh viện nổi tiếng này đến Việt Nam. Hai lần trước vào các năm 2008 và 2010, Mercy cũng đã lần lượt cập cảng Nha Trang và Bình Định để thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả của mình. Tàu bệnh viện Mercy được xem như một bệnh viện đa khoa hiện đại với 12 phòng phẫu thuật, 15 phòng bệnh, 120 giường bệnh cho bệnh nhân lưu trú, 4 phòng chụp X-quang.
|
Tàu bệnh viện khám bệnh cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển. |
Và mới đây thôi, vào giữa tháng 6, chiến hạm “khủng” của Pháp - tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre - đã cập cảng Vũng Tàu thăm Việt Nam trong khuôn khổ một chương trình huấn luyện tác chiến. Mặc dù đến Việt Nam không để thực hiện chức năng khám - chữa bệnh, nhưng chiến hạm này ngoài thiết kế chính cho nhiệm vụ đổ bộ bằng đường không hoặc đường biển, vẫn có thể đảm nhiệm vai trò chỉ huy và là tàu bệnh viện cỡ lớn. Bệnh viện trên tàu được đánh giá có quy mô tương đương quân y viện cấp quân đoàn, hoặc một bệnh viện đa khoa cho 250.000 dân, với 69 giường bệnh và các phương tiện y tế hiện đại.
Lùi về quá khứ cách đây 47 năm, trong chiến tranh Việt Nam, tàu bệnh viện Helgoland gồm 8 bác sĩ, 30 y tá và 130 giường bệnh của Cộng hòa Liên bang Đức (trước đây) đã trực chiến cả năm trời ở Sài Gòn để cứu chữa cho thương-bệnh binh cũng như người dân trong vùng ngụy quân ngụy quyền chiếm đóng. Từ tháng 9.1966 đến tháng 6.1967, tàu đã tiếp nhận khoảng 6.700 bệnh nhân, hoàn thành hơn 850 ca phẫu thuật nặng, đồng thời chữa trị cho hơn 21.000 bệnh nhân ngoại trú... Kể như vậy để thấy rằng, tàu bệnh viện luôn mang trong mình một sứ mệnh nhân đạo cao cả, và nó luôn là biểu tượng của hòa bình.
Tự hào Việt Nam cũng có tàu bệnh viện
Việt Nam cũng có tàu bệnh viện, không biết tôi đã tự nhắc đi, nhắc lại đến bao nhiêu lần khi lần đầu tiên sải bước trên boong của con tàu đặc biệt này. Điều đó đáng tự hào lắm chứ! Trong chuyến đi đó, nhóm phóng viên chúng tôi được bố trí ở 1 trong 3 phòng bệnh nhân ngay khu vực bệnh viện của tàu, nơi được xem là khu vực ít lắc nhất của cả con tàu. Vừa cất hành lý vào phòng, tôi đã một mình khám phá tất cả những phòng y tế của “bệnh viện nổi” này.
|
Lấy dị vật trong mắt ngư dân. |
Mặc dù không đồ sộ như những con tàu bệnh viện nổi tiếng thế giới, nhưng với trọng tải hơn 2.000 tấn, do chính các kỹ sư trong nước thiết kế, chế tạo, tàu HQ 561 của Quân chủng Hải quân Việt Nam tương đương một bệnh viện huyện với trang thiết bị hiện đại. Toàn bộ khoang C của tàu được thiết kế là một bệnh viện với 3 buồng bệnh, 15 giường và đầy đủ các phòng chức năng: Chụp X-quang, phòng mổ, phòng nội soi, siêu âm, phòng chẩn đoán, phòng khám bệnh răng-hàm-mặt, phòng hậu phẫu... Đặc biệt, đây là bệnh viện duy nhất tại Việt Nam có phòng giảm áp nhằm cấp cứu cho những ngư dân bị tai biến do lặn sâu.
Điều khiến những người lính hải quân tự hào về HQ 561 vì đây không chỉ là con tàu bệnh viện duy nhất của Việt Nam, mà là tàu bệnh viện đầu tiên và hiện đại nhất ở khu vực Đông Nam Á. Nó cũng đang được xem là một trong những con tàu đóng mới nhất của Hải quân Việt Nam, vì vừa hạ thủy vào tháng 4.2012. Và trong dịp hạ thủy con tàu đặc biệt này, một sĩ quan của Quân chủng Hải quân đã phải thốt lên rằng: Đây là con tàu lạ, đặc biệt cả về hình dáng và chức năng, xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; một con tàu quân sự nhưng lại không phải là tàu chiến, có chữ thập đỏ trước cabin và hai bên mạn. Vì là con tàu có chữ thập đỏ nên sự xuất hiện của nó là hiện thân của hòa bình, bác ái, vơi bớt đau thương, chết chóc. Con tàu ấy còn như tính cách của dân tộc Việt Nam: Hiền lành, yêu chuộng hòa bình...
Thuyền trưởng của con tàu bệnh viện - đại úy Nguyễn Văn Cường - kể, anh được cấp trên giao làm thuyền trưởng của tàu từ khi nó mới hình thành khung tàu ở xưởng đóng tàu của Nhà máy Z189. Từ đó, anh và thủy thủ đoàn đã túc trực và góp ý thiết kế con tàu cho đến lúc nó hoàn thiện. Vốn là người lính hải quân đã có hàng chục năm gắn bó với biển, trên những con tàu trực chiến hay làm thuyền trưởng của tàu chở hàng ra Trường Sa, với đại úy Cường, việc trở thành thuyền trưởng của con tàu đặc biệt của Hải quân Việt Nam là điều đáng tự hào. Anh là con út trong một gia đình 3 đời làm nghề đi biển, cả 3 anh trai của anh cũng đều là thuyền trưởng và máy trưởng các tàu dân sự. Từng thi và đỗ nhiều trường đại học, nhưng dường như tình yêu biển đã ngấm vào huyết quản nên anh đã theo học tại Học viện Hải quân, để rồi trở thành thủy thủ và gắn bó với những con tàu bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thủy thủ đoàn của tàu bệnh viện có 27 người gồm thuyền trưởng, chính trị viên, 2 thuyền phó, 1 bác sĩ phụ trách y tế cùng những vị trí khác, họ gắn bó với con tàu đặc biệt ấy theo đúng tinh thần “tàu là nhà, biển cả là quê hương”.
Tàu bệnh viện ngoài chức năng cấp cứu và khám - chữa bệnh cho ngư dân, quân và dân trên biển, còn có nhiệm vụ chở các đoàn công tác ra thăm và làm việc trên các đảo của quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, cung cấp lương thực, thực phẩm cho tàu trực, điểm đảo, nhà giàn. Bắt đầu hải trình đầu tiên đến quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vào tháng 1 năm nay, tàu bệnh viện đến nay đã thực hiện thành công 6 chuyến đi. Mỗi chuyến tàu được cấp trên giao thực hiện những nhiệm vụ khác nhau, nhưng hải trình đáng nhớ nhất chính là chuyến khám - chữa bệnh đầu tiên trên biển. Đó là chuyến đi dài ngày nhất, với chặng đường xa nhất - hơn 2.000 hải lý của tàu - thuyền trưởng Nguyễn Văn Cường tiết lộ.
“Bệnh viện nổi” làm yên lòng người bám biển
Nhờ màu trắng - đỏ nổi bật không thể lẫn giữa biển cả ấy nên trên những hải trình, tàu bệnh viện đều được quân và dân trên đảo, nhà giàn cũng như các tàu cá của ngư dân chào đón. Tôi đã chứng kiến cảnh hơn 30 ngư dân nhem nhuốc, quần áo ám mùi biển cả trên chiếc tàu câu mực đã lênh đênh cả tháng trên biển, đã dừng cạnh tàu bệnh viện để xin từng can nước. Với họ, nước ngọt chỉ đủ để ăn, không để tắm bao giờ. Bộ quần áo mặc cả mùa đi biển, ngấm bao vị mặn của muối khi cứ ướt rồi lại khô, nhưng gương mặt sạm nắng thì tươi rói khi nhìn thấy tàu bệnh viện.
Và tôi cũng đã từng nghe qua điện thoại giọng nói hồ hởi của thuyền trưởng tàu cá Phạm Quang Thắng ở Tiền Giang khi đang kéo nốt những mẻ lưới cuối cùng trên đường về bờ, sau hơn 2 tháng trên biển. Chỉ cách cuộc nói chuyện ấy của tôi chừng nửa tháng thôi, 9 trong số 10 thuyền viên của con tàu này đã bị ngộ độc, 2 người trong số họ lâm vào tình trạng nguy kịch. “Tôi đã nhìn thấy màu trắng của con tàu bệnh viện mà nhào tới. Khi đó nguy kịch quá rồi, chúng tôi bị ngộ độc khi ăn cá hồng đánh bắt ở đảo Đá Đông. Tôi đã cho tàu lên đảo Đá Tây cấp cứu, nhưng bệnh tình của anh em không thuyên giảm. Nhìn thấy tàu bệnh viện, tôi mừng quýnh. Giờ thì mọi người khỏe mạnh để trở về bờ rồi” - anh Thắng nói.
Kể với tôi về hải trình khám - chữa bệnh kéo dài 40 ngày từ ngày 20.5 đến hết tháng 6 vừa qua, đại tá - bác sĩ Khương Văn Chữ - Phó Chủ nhiệm quân y, Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác - kể, đây là chuyến khám - chữa bệnh lớn nhất trong lịch sử của hải quân Việt Nam. Đoàn gồm 40 người, trong đó có 33 y, bác sĩ của Viện Y học Hải quân (Hải Phòng), Bệnh viện 87 Hải quân (Khánh Hòa) và Đội điều trị 486 Vùng 4 Hải quân, đã đến được 14 nhà giàn và đến 33 điểm đảo để khám - chữa bệnh cho tất cả các cán bộ, chiến sĩ và người dân đang sống và làm việc tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Những người lính ăn sóng nằm gió, những ngư dân cả đời bám biển, những người đàn ông của nhà đèn quanh năm chỉ biết đến ngọn hải đăng, hay cả những công dân tí hon vừa mới chào đời trên vùng biển của tổ quốc thân thương này... tất cả đều được khám sức khỏe toàn diện. Những nơi không có cơ sở thiết bị y tế đầy đủ như đảo chìm, nhà giàn hoặc tàu cá, tàu trực chiến thì họ được mời lên tàu bệnh viện để khám, còn ở hòn đảo nổi đã có trang thiết bị thì các bác sĩ mang theo máy móc, thiết bị lên đảo để khám; các xét nghiệm được chuyển về tàu để làm.
Theo bác sĩ Chữ, đa số cán bộ, chiến sĩ đều có sức khỏe tốt vì họ được ăn uống, sinh hoạt và huấn luyện khoa học. Tuy nhiên, trong quá trình khám sàng lọc, các bác sĩ đã phát hiện một số trường hợp không đủ tiêu chuẩn sức khỏe phục vụ trên biển đảo, nên đề nghị đơn vị chuyển dần vào bờ. Đặc biệt, có hai trường hợp nặng đoàn bác sĩ phải đưa lên tàu bệnh viện để chuyển vào điều trị gấp. Đó là một trường hợp tràn dịch màng phổi ở đảo Sinh Tồn được các bác sĩ đưa về Bệnh viện 187. Một trường hợp ở đảo Nam Yết bị tai nạn trong huấn luyện gây chấn thương sọ não được đưa về Bệnh viện 108.
Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 1.900 người được khám và chữa bệnh trong hải trình dài ngày đầu tiên của tàu bệnh viện, nhưng thực tế đã có hơn 2.000 lượt người được khám tổng thể. Ngoài các cán bộ, chiến sĩ và người dân sinh sống trên các đảo, có hơn 100 ngư dân trên 5 tàu cá cũng được khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí. Nhiều ngư dân cho biết, cả đời họ chưa bao giờ được khám sức khỏe một cách toàn diện như thế, mà lại khám ngay trên biển -nơi gắn với mưu sinh nhọc nhằn nhưng đầy vinh quang của họ. Ngoài nhiệm vụ khám-chữa bệnh, trong chuyến đi này, tàu HQ 561 còn cấp các trang thiết bị quân y, nâng cấp phòng mổ cho các đảo ở Trường Sa.
Một trong những hoạt động khá quan trọng nữa của chuyến đi này là phẫu thuật thực nghiệm trên biển để đánh giá tay nghề của phẫu thuật viên và sự sẵn sàng ứng cứu trong các trường hợp gặp nạn trên biển của con tàu bệnh viện. Ba kíp mổ lần lượt thực hiện 6 ca phẫu thuật thực nghiệm trên động vật với những trường hợp giả định như cắt lách, khâu gan, nối ruột, mở khí quản, khâu thủng phổi..., trong điều kiện tàu bệnh viện đang dừng, đang chạy và cả khi gió bão. Trong tất cả các lần phẫu thuật, con vật đều sống khỏe mạnh sau 24 tiếng đồng hồ.
Nhờ những thành công trong 6 lần phẫu thuật thực nghiệm ấy, đoàn công tác đã đi đến khẳng định, các bác sĩ có thể phẫu thuật được trên tàu bệnh viện trong điều kiện sóng đến cấp 7. Đó là chưa kể nếu được phẫu thuật trong phòng mổ của tàu bệnh viện - nơi được chọn đặt ở vị trí trọng tâm của tàu, ít bị nhồi lắc nhất - thì khả năng mổ thành công sẽ còn cao hơn nữa. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cường cho biết, sau 1 năm hoạt động trên biển, trong tháng 9 và 10 tới đây, tàu sẽ có đợt sửa chữa, bảo dưỡng tại cảng Hải Phòng. Nhằm giảm bớt dao động lắc ngang khi sóng lớn, tàu bệnh viện sẽ được lắp đặt thêm vây chống lắc công nghệ của Hà Lan. Và khi đó, các ca phẫu thuật có thể thực hiện được cả trong điều kiện sóng gió cấp 8.
Con tàu bệnh viện đầu tiên của Việt Nam vẫn đang tiếp tục hoàn thiện để phục vụ những chuyến hải trình khám - chữa bệnh sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong thời gian tới. Còn những người đang sống và làm việc ở biển thì vẫn luôn tin rằng, nhìn thấy tàu bệnh viện là họ đã thấy bình yên.