"Vụ tai nạn của máy bay chiến đấu J-10B được trang bị động cơ phản lực do Nga chế tạo AL-31FN ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên hôm 15/11 cho thấy Trung Quốc cần thiết đẩy mạnh việc phát triển động cơ nội địa", tờ Duowei News viết.
Trung Quốc hiện không thể tự thiết kế và sản xuất động cơ hoàn hảo cho các máy bay chiến đấu tiên tiến của nước này. Trong những năm qua, để giải quyết nhược điểm này, Công ty động cơ máy bay Thẩm Dương đã nỗ lực phát triển động cơ phản lực Thái Hành WS-10 và đã trang bị cho một số máy bay J-10B. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn động cơ Saturn Lyulka AL-31FN từ Nga để cung cấp cho các máy bay chiến đấu J-10 trước khi Thái Hành WS-10 đạt được sự tin cậy cao nhất.
|
Phần động cơ chiếc J-10B gặp nạn hôm 15/11.
|
Theo truyền thông nước ngoài, trong năm 2010 Trung Quốc đã thay thế các động cơ AL-31FN bằng động cơ Thái Hành WS-10, tuy nhiên ngay sau khi xuất hiện thông tin này thì Trung Quốc lại mua thêm 123 động cơ AL-31FN.
Giống như bất kỳ quốc gia nước ngoài khác, Duowei tuyên bố Nga không phải là một đối tác đáng tin cậy với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc trở nên quá phụ thuộc vào động cơ mua từ Nga, nó sẽ không bao giờ đạt được một dây chuyền công nghiệp hàng không đầy đủ.
Bài báo cũng nói rằng, vụ tai nạn chiếc J-10B hôm 15/11 là do động cơ AL-31FN đột nhiên tắt trên không trung. "Điều này cho thấy rằng động cơ của Nga không đáng tin cậy như nhiều người vẫn tin", Duowei viết.
Dẫu vậy tờ Duowei có lẽ quên mất rằng, hầu hết các chiến đấu cơ Trung Quốc đều đang sử động cơ hàng không Nga và tỉ lệ gặp nạn là rất thấp. Việc tai nạn do lỗi kĩ thuật động cơ trong hàng không là khá phổ biến, và điều này không thể tránh khỏi. Không thể vì một vụ tai nạn mà có thể quy kết cho cả dòng động cơ của Nga là không đáng tin cậy.
Ngoài ra, vẫn chưa rõ việc chiếc J-10B gặp nạn kia dùng động cơ AL-31FN hay là động cơ Thái Hành WS-10. Vì vốn dĩ WS-10 là bản sao chép động cơ AL-31F với hình dáng tương tự nên khó nhận biết thông qua hình dáng.