Sau đại tràng, gan là nơi amip hay đi đến gây bệnh và 80% nguyên nhân áp xe gan là do amip.
(Kienthuc.net.vn) - Đây là bệnh thường gặp nhất vì nước ta là xứ sở của amip. Sau đại tràng, gan là nơi amip hay đi đến gây bệnh và 80% nguyên nhân áp xe gan là do amip. Bệnh gây nhiều biến chứng, trong đó biến chứng do vỡ ổ áp xe hay gặp nhất và nguy hiểm nhất.
|
Ảnh minh họa. |
Khi bị áp xe gan do amip người bệnh thường sốt, đau hạ sườn phải và gan to. Tuy nhiên, phần lớn do được chẩn đoán nhầm, không được điều trị kịp thời ngay từ đầu, để bệnh kéo dài, một phần nhỏ do áp xe quá to, hoặc ổ áp xe nông, dù được điều trị kịp thời vẫn có biến chứng do vỡ tự nhiên hoặc nhân tạo, do thăm khám thô bạo, chấn thương, do chọc dò... thường xảy ra ngay khi đang điều trị. Đại đa số là vỡ tự nhiên.
Vỡ vào phổi: Do ổ áp xe thủng trực tiếp vào nhu mô phổi và thông với một phế quản làm cho bệnh nhân khạc hoặc ộc ra mủ. Đây được coi là một biến chứng may mắn cho bệnh nhân, bởi vì đó cũng là một hình thức dẫn lưu ổ mủ giúp cho ổ áp xe chóng lành, có nhiều trường hợp nhờ biến chứng này mà người bệnh không cần chọc hút mủ hoặc mổ dẫn lưu ổ áp xe gan.
Vỡ vào màng phổi: Gan tràn mủ màng phổi phải nhưng nếu ổ áp xe ở gan trái thì gây tràn mủ màng phổi trái, nhưng rất hiếm. Tràn dịch thường nhiều, gây khó thở đột ngột cần phải chọc hút dẫn lưu màng phổi cấp, nếu không bệnh nhân chết vì choáng hoặc ngạt thở.
Vỡ vào màng ngoài tim: Hay xảy ra với áp xe phân thùy 7, 8 hoặc áp xe gan trái. Đột nhiên bệnh nhân khó thở dữ dội, tím tái phải chọc hút màng tim cấp cứu, nếu không bệnh nhân sẽ chết vì ép tim cấp.
Vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc toàn thể. Đây là biến chứng hay gặp. Đột nhiên đau bụng, sốt tăng lên, bụng cứng, đau toàn bụng. Phải kịp thời dẫn lưu ổ bụng nếu không người bệnh chết vì choáng nhiễm khuẩn.
Vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc khu trú: Ổ áp xe vỡ vào ổ bụng nhưng ngay lập tức bị các mạc nối và các tạng bao vây tạo nên ổ mủ khu trú trong ổ bụng, rất khó chẩn đoán, dễ nhầm với ứ mủ bể thận, nang nước tụy...
Vỡ vào ống tiêu hóa: Vỡ vào dạ dày, đại tràng làm cho bệnh nhân nôn ra mủ, ỉa ra mủ.
Dò ra ngoài: Ổ áp xe dính với thành bụng hoặc thành ngực rồi ăn thủng ra ngoài tạo thành một lỗ dò chảy mủ, dễ chẩn đoán nhầm là viêm xương sườn, hoặc viêm cơ...
BSCK II Vũ Đức Chung (Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354)