"Trong cuộc đụng độ trên không ở vùng Viễn Đông,
Trung Quốc sẽ thua dưới tay Mỹ khi mà chỉ cần một tiêm kích F-22 của nước này có thể đấu với 20 tiêm kích thế hệ 4 của Trung Quốc", SAPIO nhận định.
Theo đó, hai lực lượng của Trung Quốc gồm Không quân và Hải quân sẽ không thể giành được ưu thế trước sự mạnh mẽ của Không quân Mỹ trong một cuộc đụng độ trên không ở Viễn Đông.
|
Tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 của Mỹ.
|
Thêm vào đó, trước sự bành trướng trên của Trung Quốc, Nhật Bản đã thành lập 2 tiểu hạm đội tàu hộ tống ở Sasebo và Kure. Hai nhóm tàu này sẽ đảm trách các hoạt động chống xâm nhập trái phép trên biển của kẻ thù ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ngoài ra, tạp chí SAPIO cũng cho hay, tàu ngầm lớp Soryu và Oyashio tiếp tục tuần tra tại khu vực tranh chấp ở Hoa Đông. Đây được cho là mối đe dọa lớn cho tàu sân bay của Trung Quốc hoạt động ở vùng biển này.
Mặc dù vậy, theo bài viết trên SAPIO, Hải quân Trung Quốc cũng có một con át chủ bài - đó là tàu sân bay Liêu Ninh. Tuy nhiên, tiêm kích hạm J-15 gặp nhiều hạn chế về tải trọng mang vác vũ khí khi mà dùng kiểu boong phóng nhảy cầu (không thể mang được đầy đủ theo thiết kế là 6 tấn vũ khí).
Ngoài ra, Không quân Trung Quốc có thể huy động hơn 100 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 từ các căn cứ mặt đất. Tuy nhiên tạp chí này chỉ ra, Trung Quốc vẫn chưa có đủ lực để đối phó với Nhật Bản.
Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật Bản (JASDF) có gần 100 chiếc tiêm kích đa năng F-2 và 200 F-15J. Trong số đó, 70 chiếc có khả năng phối hợp với các máy bay chiến đấu của Mỹ trong một hoạt động quân sự chung chống lại Trung Quốc. Nếu Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Mỹ sẽ triển khai chiến đấu cơ F-22, mà một chiếc có thể đối phó với 10-20 máy bay Trung Quốc.
Bên cạnh đó, máy bay chiến đấu Mỹ và Nhật Bản sẽ có thể phá hủy mạng lưới phòng không của Trung Quốc được tạo ra ở quần đảo tranh chấp này. Theo SAPIO, Hải quân Mỹ và binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) sẽ có thể chiếm lại đảo Senkaku/Điếu Ngư từ trong tay lực lượng chiếm đóng Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Trung Quốc Liu Jianping đã không đồng tình với nhận định của tờ tạp chí này. Phát biểu với tờ báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, ông cho rằng, bài viết này hoàn toàn sai lầm. SAPIO đã phóng đại khả năng chiến đấu của Mỹ và Nhật Bản trong khi đánh giá thấp sức mạnh và ý chí của quân đội Trung Quốc.