Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời Đại sứ Brazil tại Nga Antonio José Vallim Guerreiro cho biết, Brazil có thể sẽ hoàn tất việc ký kết hợp đồng mua các hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 của Nga trong nửa đầu năm nay.
Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, Đại sứ Guerreiro tiết lộ rằng, nhiều khả năng Brazil sẽ hoàn tất quá trình đàm phán về hợp đồng Pantsir-S1 với phía Nga vào giữa năm nay và sau đó sẽ là ký kết hợp đồng chính thức.
|
Brazil sẽ sớm có 18 tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 trong tương lai.
|
Còn tờ Kommersant của Nga cho rằng, việc Brazil mua 18 hệ thống phòng không Pantsir-S1 sẽ mang lại cho Nga một hợp đồng vũ khí với giá trị ước tính khoảng 1 tỷ USD.
Pantsir-S1 (định danh NATO SA-22 Greyhound) là hệ thống tên lửa – pháo phòng không tầm trung được Cục thiết kế công cụ KBP của Nga phát triển, với hệ thống vũ khí chính gồm 2 pháo cao tốc 2A38M 30mm và 12 tên lửa phòng không tầm thấp 57E6. Trong đó pháo 2A38M có tốc độ bắn tối đa 2.500 phát/phút, tầm bắn tối đa 4km, tầm cao tối đa 3km, còn tên lửa phòng không tầm trung 57E6 có tầm bắn tối đa lên tới 20km và được lắp đầu đạn phân mảnh.
Trên xe chiến đấu hệ thống phòng không tiên tiến Pantsir-S1 còn được trang bị hệ thống radar kiểm soát hỏa lực và các cảm biến quang điện tử.
Vào cuối năm 2014, cả Moscow và Brasilia đều đã đạt được các bước tiến mới về thỏa thuận hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và đóng tàu, cũng như một loạt hợp đồng mua sắm thiết bị quốc phòng và tổ hợp tên lửa phòng không mới được ký kết.
|
Mối quan hệ giữa Moscow và Brasilia sẽ ngày càng trở nên khăng khít thông qua hợp đồng Pantsir-S1 .
|
Theo báo cáo trong năm 2014 của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, bất chấp sự suy giảm của thị trường vũ khí thế giới thì thị trường xuất khẩu vũ khí của Nga vẫn tăng trưởng khá và còn cao hơn cả năm 2013, theo đó Nga chiếm hơn 27% thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong năm 2014.
Trong tháng 7/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng phát biểu rằng các đơn đặt hàng vũ khí dành cho nước ngoài của Nga đã đạt gần 50 tỷ USD so với mức 35 tỷ USD vào đầu năm 2014. Trong đó các khác hàng truyền thống của Nga như thành viên của khối BRICS gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil đóng góp rất một phần rất lớn, ngoài ra là các nước Việt Nam, Indonesia, Algeria, Malaysia và Venezuela.