Tờ Economic Times cho biết, các quan chức quốc phòng Ấn Độ lo ngại về phần đóng góp (nghiên cứu, thiết kế, chế tạo) của nước này trong dự án FGFA chỉ vào khoảng 15% trong khi New Delhi phải chịu 50% chi phí. Theo tờ báo này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đã nêu ra sự lo ngại này trong chuyến thăm của ông đến Nga vào ngày 15/11/2013.
“Những con số được phía Ấn Độ đưa ra đã phản ánh tình trạng hiện tại của ngành công nghiệp nước này, cụ thể là Tập đoàn Hàng không Hindustan. Tuy nhiên, phần đóng góp này sẽ được tăng dần dần khi dự án khởi động”, ông Igor Korotchenko – người đứng đầu Trung tâm Phân tích Thị trường Vũ khí Toàn cầu của Nga cho hay.
“Với việc triển khai dự án này, chúng tôi tin rằng các kỹ sư và nhà thiết kế của Ấn Độ sẽ có khả năng đóng góp đến 50% công việc”, ông Korotchenko nói thêm.
Nga sẽ cung cấp những kiến thức và sự hỗ trợ hậu cần cần thiết cho các chuyên gia của ấn Độ, nhưng phát triển kỹ năng và kinh nghiệm trong việc thiết kế và phát triển máy bay chiến đấu tiên tiến sẽ cần nhiều thời gian và công sức.
Dự án FGFA bắt đầu sau thỏa thuận giữa Nga – Ấn Độ trong việc hợp tác phát triển và sản xuất các máy bay chiến đấu đa chức năng ký vào ngày 18/10/2007.
|
Ảnh minh họa.
|
Mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Ấn Độ sẽ dựa trên mẫu máy bay thế hệ 5 Sukhoi T-50. Tuy nhiên, thiết kế dành cho Ấn Độ sẽ phải đáp ứng 50 yêu cầu riêng của nước này.
Tháng 12/2010, Tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport đã ký hợp đồng phát triển thiết kế FGFA trị giá 295 triệu USD với Tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited của Ấn Độ.
Hiện nay, hợp đồng thiết kế, nghiên cứu và phát triển trị giá 11 tỷ USD đang được 2 nước thương thảo. Toàn bộ chương trình dự tính sẽ tiêu tốn khoảng 25-30 tỷ USD của Ấn Độ.
Không quân Ấn Độ dự định sẽ đặt mua khoảng 166 máy bay một chỗ ngồi và 48 máy bay 2 chỗ ngồi FGFA. Tuy nhiên, tư lệnh Không quân Ấn Độ cho biết vào tháng 10/2012, New Delhi có thể sẽ chỉ mua 144 chiếc 1 chỗ ngồi với việc sản xuất nội địa bắt đầu từ 2020.