VNPT, Viettel thu lợi nhuận khủng bằng cách nào?

Google News

(Kiến Thức) - Các "ông lớn" viễn thông như Viettel, VNPT vừa báo cáo lợi nhuận khủng năm 2013. Do đâu mà các nhà mạng có doanh thu tăng cao và lãi lớn như vậy?

Lợi nhuận 2013 VNPT, Viettel khoảng 36.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2013, tổng doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ước đạt 119.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng 102,53% so với năm 2012. Tổng lợi nhuận toàn tập đoàn ước đạt 9.265 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng 179,09% so với năm 2012.
Trong khi đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), năm 2013, tổng doanh thu ước đạt 162.886 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 15,2% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 35.086 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 27,5%. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 26.413 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch, tăng 25,2%.
 
Năm 2012, doanh thu của VNPT đạt 130.390 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của tập đoàn thu về chỉ đạt 8.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà mạng Viettel đã có một năm kinh doanh ấn tượng mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Doanh thu năm của Viettel đạt hơn 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 25.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dư luận ngay lập tức có những quan điểm không mấy "thiện cảm" đối với sự tăng trưởng khủng này. Trả lời báo giới, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn (Khoa Luật cạnh tranh, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM), cho rằng, mức lợi nhuận trước thuế của Viettel tới 35.086 tỷ đồng, VNPT lời 9.265 tỷ đồng là một tin mừng đáng cay đắng. Bởi vì Viettel và VNPT đang hoạt động trong những ngành độc quyền, lợi nhuận mà 2 tập đoàn này thu về từ việc tăng giá dịch vụ chứ chất lượng dịch vụ thì không được cải thiện.
Hé lộ các "mánh" kiếm tỷ đô
Khi nói về doanh thu và lợi nhuận khủng của VNPT, Viettel, lãnh đạo 2 tập đoàn đều chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới bội thu của 2 tập đoàn này. Tuy nhiên, không ai nhắc tới việc tăng giá 3G thời gian qua và những sai phạm mang lại hiệu quả kinh tế cao mà Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra tại các doanh nghiệp viễn thông sau cuộc thanh tra diện rộng về quản lý thuê bao di động trả trước.
Ngày 16/10, cả 3 nhà mạng là Viettel, MobiFone, Vinaphone đều đồng loạt tăng cước 3G. Theo đó, cước 3G trọn gói của Viettel (Mimax) và MobiFone (MIU) và Vinaphone (MAX) sẽ điều chỉnh tăng từ 50.000 đồng/tháng lên 70.000 đồng/tháng.
Lý do tăng giá cước dịch vụ 3G được phía Viettel và Mobifone đưa ra là do "thực hiện theo quy định của nhà nước về giá dịch vụ viễn thông không được thấp hơn giá thành" và lần tăng cước 3G này nhằm đưa giá bán tiệm cận dần với giá thành. Viettel và Mobifone cũng cam kết sẽ cải thiện chất lượng của dịch vụ do mình cung cấp để đảm bảo nhu cầu của khách hàng.
Trước đó, gói cước 3G trọn gói của các nhà mạng lớn tại Việt Nam cũng được điều chỉnh tăng từ 40.000 đồng/tháng lên 50.000 đồng/tháng, trước khi được điều chỉnh tăng lên thành 70.000 đồng/tháng. Việc tăng giá cước 3G trong khi chất lượng dịch vụ không tăng đã khiến nhiều người "tẩy chay" dịch vụ này của các nhà mạng.
Chưa hết "sốc", mới đây, Bộ Công thương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông lại đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh thêm giá cước 3G theo cơ chế thị trường. Có rất nhiều lý do mà các nhà mạng đưa ra để biện minh cho động thái tăng giá của mình như: tăng giá để bù lỗ, để tái đầu tư mạng 3G, tăng giá vì giá thành đang thấp so với thế giới và khu vực. Tuy nhiên, những lý do này không có sức thuyết phục với khách hàng. Nhiều người còn cho rằng, việc tăng giá giống như "móc túi" người tiêu dùng thêm nghìn tỷ đồng để gánh nợ thay cho nhà mạng. Chưa dừng lại ở đó, người tiêu dùng còn có cảm giác bị nhà mạng lừa khi cam kết tăng giá cước không quá 20%, nhưng trên thực tế, nhiều gói cước đã tăng giá tới 300%.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời điểm tháng 9/2013, cả nước có 18,94 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ 3G, khi điều chỉnh giá cước có khoảng 8,66% thuê bao bị tính tăng giá cước và 2,72% được giảm giá cước. Như vậy, sẽ có 5,94%, tương đương hơn 1,12 triệu thuê bao phải chịu tăng giá cước 3G. Với mức tăng lên đến 40%, chỉ riêng số thuê bao này đã mang lại doanh số cho các nhà mạng trên 22 tỷ đồng. Đó là chưa kể số thuê bao 3G sẽ phát sinh và các thuê bao 3G chuyển đổi gói cước.
Một mảng khác cũng góp phần vào lợi nhuận khổng lồ của các nhà mạng đó là mảng ứng dụng trên điện thoại. Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông trong đợt thanh tra về quản lý, đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước trên phạm vi toàn quốc, tại 3 doanh nghiệp viễn thông Viettel, MobiFone và Vinaphone xác định có nhiều sai phạm về nội dung.
Đáng chú ý, tình trạng tích hợp ứng dụng trên sim của các nhà mạng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí được đưa đều tồn tại ở cả 3 nhà mạng trên.
Tại Vinaphone, chỉ tính trong một năm (từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013) đã đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng từ ứng dụng IOD; tại MobiFone đạt hơn 150 tỷ đồng từ ứng dụng SuperSim và LiveInfo. Ở Viettel, phần mềm Viettel Plus do nhà mạng cài đặt sẵn trên sim điện thoại, bán cho người sử dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí cũng mang lại nguồn thu lớn của nhà mạng này.
Hải Sơn (tổng hợp)

Bình luận(0)