Tin tức trên báo TTXVN, 17 giờ chiều 27/5, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản-thủy sản tỉnh Bình Dương phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Phòng cảnh sát kinh tế (PC45) đột kích cơ sở sản xuất trà của Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Đại Thành (đóng tại khu phố Bình Phước B, phường Bình Chuận, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), bắt quả tang cơ sở của doanh nghiệp đang phun xịt hóa chất tạo mùi vào trà.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Thành Đạt có hai căn nhà đang dùng hóa chất để sản xuất trà. Tám công nhân đổ trà thành đống trên nền ximăng, sau đó phun xịt chất phụ gia hương liệu rồi đóng gói thành phẩm xuất bán ra thị trường.
|
Công nhân đang sang chiết hóa chất dạng lỏng có mùi hương để phun lên trà.
|
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hơn 800kg trà thành phẩm với 3.159 gói đã qua phun xịt hóa chất hương liệu không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, có trên 2,5 tấn nguyên liệu chất thành đống trong kho, chưa đóng gói bao bì.
Kiểm tra tiếp, lực lượng chức năng còn phát hiện rất nhiều can nhựa chứa hóa chất gồm đạng lỏng và loại bột đã qua sử dụng. Đây là những chất phụ gia hương liệu như hương lài, hương dứa…
Tại cơ sở sản xuất, cơ quan chức năng thu giữ 21kg hóa chất chưa sử dụng và 230kg bao bì nhãn mác.
Theo lời khai của các công nhân, sản phẩm trà sau khi sấy được phun thêm các loại hóa chất phụ gia hương liệu để cho trà thơm rồi đóng gói. Sản phẩm được cung cấp cho các quán cà phê và quán cơm trên địa bàn Bình Dương dùng phá chế thành trà đá phục vụ thực khách.
Điều đáng nói, sản phẩm trà được sản xuất tại Bình Dương nhưng chủ cơ sở in trên bao bì nhãn hiệu là địa chỉ sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh và Lâm Đồng.
Theo đoàn kiểm tra chức năng, Công ty A Đại Thành có giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng không cho phép sản xuất trà tại trụ sở kinh doanh.
Ngoài ra, công ty không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều kiện sản xuất không đảm bảo an toàn thực phẩm; không có quy trình sản xuất hợp vệ sinh.
Sản phẩm trà của cơ sở có hai nhãn hiệu hàng hóa dùng hai địa chỉ khác nhau. Bên cạnh đó, nguồn gốc nguyên liệu trà không có hóa đơn, chứng từ; không có hợp đồng mua bán.
Bà Lý Thị Tuyết Lài, đại diện Công ty A Đại Thành, đã thừa nhận tất cả nội dung của đoàn kiểm tra; đồng thời ký cam kết ngừng sản xuất và giữ nguyên sản phẩm, nguyên liệu, bao bì, nguyên hóa chất không được di dời đi nơi khác.
|
Trà sau khi được phun hóa chất tạo hương nhài, hương dứa... sẽ được đóng gói đem đi tiêu thụ.
|
Tối 27/5 , đoàn kiểm tra chức năng tỉnh Bình Dương đề nghị ngừng ngay việc sản xuất; đồng thời giao cơ sở bảo quản các nguyên liệu để chờ xử lý.
Trà tẩm hóa chất độc hại hệ thần kinh
Thông tin trên báo Chất lượng Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho biết, từ lâu người ta đã sử dụng các hương liệu này do việc tìm kiếm các hương liệu từ tự nhiên rất hiếm và không đủ cho nhu cầu sử dụng. Nhiều người cho rằng, uống vào chẳng làm sao cả thì cứ uống, nhưng ở góc độ phân tích hóa học, uống các loại hương liệu này vào cơ thể được coi là “uống chất độc”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hóa chất hương nhài có nguồn gốc từ penzylacetat, trong khi hương sen từ P- Dimethoxy penzin. Đây là những hương liệu tổng hợp không có trong danh mục hóa chất dùng trong thực phẩm của Bộ Y tế. Dù thị trường bán tràn lan các loại hóa chất này nhưng chính Bộ Y tế cũng không có động thái gì để cấm. Hơn nữa, đây là những hóa chất được sử dụng từ rất lâu và chẳng có ai bị chết vì uống loại đồ uống ướp hóa chất này, nên người ta vẫn cứ sử dụng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, trà ướp sen mỗi năm cả nước chỉ làm ra được từ vài trăm kg đến một vài tấn, bởi quy trình làm cầu kỳ, số lượng hoa sen lại chỉ có theo mùa và không phải vùng nào cũng trồng được. Bởi hiếm nên đắt, giá thành 1kg trà ướp sen lên đến vài triệu đồng, trong khi đó chè ướp hương liệu sen thì chỉ khoảng trên dưới 100.000đ. Sự khác biệt rõ ràng về giá cả là tiêu chí đầu tiên để người ta phân biệt trà sen thật hay trà hương liệu. Bởi thế người ta hay nói đùa, trà sen thật chỉ dành cho “đại gia”. Đối với trà nhài, vì việc trồng và sản xuất hoa nhài ướp chè không quá khó nên người ta ít lạm dụng hóa chất hơn hoa sen.
Việc phân biệt trà ướp hóa chất hay ướp hoa thật không khó. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, chỉ cần ngửi mùi thoáng qua là biết trà ướp hoa thật hay ướp hóa chất. Trà ướp hoa sen có mùi rất phong phú, nhẹ nhàng, sen đầu mùa khác sen cuối mùa, trong khi đó trà ướp sen hương liệu có mùi hắc, đậm, đơn điệu, không có sự tin h tế. Còn với hoa nhài tự nhiên, mùi thơm mát, trong khi đó tinh dầu nhài có mùi hóa chất rất đặc trưng để nhận biết.
Các loại hóa chất nhân tạo chắc chắn là không tốt cho sức khoẻ , nhưng không tốt ở mức độ nào, tác hại đến đâu phải có những nghiên cứu cụ thể. Hiện ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có nghiên cứu cụ thể nào về các loại hương liệu tổng hợp này, vì trên thế giới đa phần người ta không sử dụng hương liệu này vào thực phẩm. Bản thân người dùng phải cân nhắc để hài hòa giữa ngưỡng chịu đựng của cơ thể với hóa chất mình dung nạp để quyết định sử dụng hay không, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh tư vấn.
Theo TS Phạm Thành Quân- Khoa Công nghệ Hóa học, trường ĐH Bách khoa TPHCM thông thường hóa chất hương nhài có nguồn gốc từ penzylacetat, trong khi hương sen từ P- Dimethoxy penzin. Đây là các chất đều xếp loại độc hại gốc hữu cơ, vì vậy ngâm tẩm các chất này lâu ngày, liều lượng cao làm cho người ngửi sẽ bị chóng mặt, thậm chí ngất xỉu do tác động lên hệ thần kinh.
PGS-TS Trần Hồng Côn - giảng viên khoa Hóa học Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ trên Phunuonline cho biết, có hàng ngàn loại chất để tạo màu và tạo mùi cho sản phẩm. Tuy nhiên, do mùi hương tự nhiên giá thành rất đắt đỏ nên nhiều doanh nghiệp sử dụng hương liệu nhân tạo để giảm chi phí.
TS Trần Hồng Côn cảnh báo, người tiêu dùng phải hết sức thận trọng với sản phẩm có mùi hương nhân tạo không rõ nguồn gốc, thành phần: "Để tạo ra các sản phẩm rẻ tiền, lợi nhuận cao, hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng hóa chất công nghiệp tạo hương như aldehyde, cetol… Các chất này có hàm lượng tạp chất cao.
Bản thân các hoạt chất không gây ảnh hưởng mà tác hại chủ yếu nằm ở tạp chất. Ví dụ, chất độc da cam vốn là một loại hóa chất diệt cỏ. Bản thân hoạt chất diệt cỏ không gây hại tới sức khỏe nhưng vì được sản xuất theo công nghiệp, thuốc có chứa 5-10% tạp chất dioxin. Đây mới là nguyên nhân làm nó trở thành chất độc gây chết người".