Vài năm gần đây, các nhãn hiệu xe máy điện, xe đạp điện xuất hiện tràn lan. Trong khi những thương hiệu chấp hành quy định về quản lý sản xuất, lắp ráp xe máy điện trên thị trường chỉ “đếm trên đầu ngón tay” như Espero, HK Bike, Anbico…. thì lượng xe điện trôi nổi, không tem mác đang chiếm đa số.
Dọc tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, Phố Huế, Tôn Đức Thắng... ở Hà Nội, các cửa hàng bán xe đạp điện, xe máy điện “mọc lên như nấm sau mưa”… Tại đây, xe điện được rao bán với mức giá từ 9 – 15 triệu đồng/chiếc (tùy thuộc vào thương hiệu). Hầu hết các loại xe này được quảng cáo có vận tốc tối đa 40-50km/h, sau nhiều giờ sạc, xe có thể vận hành trong khoảng thời gian 4-5 tiếng hoặc đi được quãng đường tối đa 80km.
Các tiểu thương khẳng định có ba loại xe điện được bán trên thị trường đó là hàng nhập khẩu nguyên chiếc, hàng lắp ráp và hàng Trung Quốc như Gianya, Dibao, Seeyes…. Một số sản phẩm xe điện khác được gắn thêm mác Suzika, Fuji, Sonik... khiến người mua dễ liên tưởng đến hàng nhập khẩu Đài Loan, Nhật Bản để bán với giá đắt hơn hàng Trung Quốc.
|
Tràn lan xe máy, xe đạp điện Trung Quốc trên thị trường. |
Không chỉ đa dạng nhãn hiệu, xe điện trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang vì có đủ chủng loại, kiểu dáng như nhái dáng xe Vespa, Spacy, Vespa 946 và Primavera… vận hành không khác một chiếc xe máy thực thụ. Ngoài ra, một số xe có khóa từ bánh sau để tránh trộm, khóa báo trộm hay ổ cắm usb để người dùng có thể nghe nhạc khi điều khiển xe.
|
Xe máy điện nhái xe máy Vespa. |
Mặc dù theo quy định, dù xe nhập khẩu nguyên chiếc hay xe sản xuất, lắp ráp trong nước phải có dán tem hợp quy TCVN do Cục đăng kiểm Việt Nam kiểm định cấp và được dán cho từng xe tại vị trí trên khung bên phải, nhưng khi khảo sát tại nhiều cửa hàng bán xe điện trên thị trường hầu như là không thấy chiếc xe nào có tem hợp quy dán theo quy định. Thậm chí, có những cửa hàng khẳng định xe đang bán không có chiếc nào đăng ký, dán tem hợp quy và không xuất hóa đơn, chứng từ lắp ráp. Khi mua xe điện, thứ duy nhất khách hàng được nhận là phiếu mua hàng và một quyển sổ bảo hành xe do cửa hàng cung cấp.
|
Gắn mác hàng liên doanh Nhật để thu hút khách mua xe máy điện giá cao. |
Một nữ nhân viên bán hàng, tại cửa hàng xe đạp điện trên đường Tôn Đức Thắng (Hà Nội) khẳng định: “Hầu hết sản phẩm đang bán trên thị trường là hàng không đăng ký, không có giấy tờ nhập khẩu hay lắp ráp”. Để trấn an khách hàng, các tiểu thương còn thẳng thắn đề cập: “Dù xe không giấy tờ nhưng nếu mua từ bây giờ đến tháng 6/2016 vẫn yên tâm làm đăng ký bình thường vì vẫn chưa có thời hạn chính thức về đăng ký xe điện. Dù xe không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, lắp ráp song chỉ cần chứng minh thư của người mua xe là vẫn đăng ký bình thường. Nếu khách không đăng ký được, cửa hàng sẽ nhận lại xe và hoàn tiền cho khách. ”
Ngoài những cam kết bằng miệng, bằng những chiêu quảng cáo, nhiều cửa hàng bán xe điện trôi nổi không thể đưa ra bất cứ cam kết uy tín nào cho khách. Một chủ cửa hàng xe trên đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) tiết lộ: “Xe điện có dán tem đúng quy định bao giờ cũng có giá đắt hơn so với xe không dán từ 2 triệu đồng. Trong khi chưa có quy định chính thức về việc đăng ký xe, vậy thì cửa hàng vẫn bán bình thường, giá rẻ dễ thu hút khách hơn”.
Buông lỏng quản lý xe máy điện - Mối nguy hại khôn lường
Mặc dù chưa thống kê được con số chi tiết về số lượng xe đạp điện, xe máy điện hiện nay nhưng theo ông Nguyễn Hữu Trí - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, số lượng xe nhập khẩu lắp ráp chui không qua đăng kiểm rất lớn. Số lượng xe có dán tem đạt chuẩn chỉ khoảng 10%, còn lại đa số là xe được lắp ráp trôi nổi trên thị trường.
Điều đáng nói, hiện chưa có quy định về giới hạn độ tuổi người điều khiển. Người điều khiển xe máy điện chủ yếu là các em học sinh cấp 2, cấp 3 chưa được trang bị những kiến thức và quy tắc tham gia giao thông an toàn, thường không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng ngang, chở quá số người quy định… nên khi gặp tình huống khẩn cấp, rất khó để xử lý tình huống...
Trong khi đó, đa phần phương tiện loại này không có nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật...Với tốc độ tối đa lên tới 40 - 50km/giờ như các đại lý bán xe đạp, xe máy điện tại Hà Nội giới thiệu thì nguy cơ gây tai nạn giao thông từ xe máy điện là rất lớn.
Chỉ lấy ví dụ tại Nghệ An, từ ngày 27/9/2013 đến 30/11/2015, đã xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy, xe đạp điện, làm chết 11 người, bị thương 13 người...
Trước thực trạng đáng báo động về mối nguy hại đối với an toàn giao thông từ xe đạp, xe máy điện, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 24 ngày 8/11/2013 yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tăng cường các biện pháp quản lý đối với các loại xe 2 bánh chạy điện. Trong đó yêu cầu Bộ công an nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện việc đăng ký xe máy điện; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đối với người tham gia giao thông bằng xe 2 bánh chạy điện. Bộ GTVT có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo việc đăng kiểm xe máy điện.
Như vậy, để giải quyết được những vấn đề bức xúc liên quan đến xe đạp, xe máy điện, phương án tối ưu nhất là bắt buộc đăng ký xe, ông Hoàng Thanh, cán bộ phòng Tuyên truyền, Cục CSGT Đường ộ (Bộ Công an) nhấn mạnh: "Việc triển khai thực hiện đăng ký xe mô tô điện, xe máy điện là hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, góp phần tích cực đảm bảo TTATGT, phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Việc đăng mô tô, xe máy điện cũng giúp cho người dân kiểm soát tài sản, đề phòng mất cắp, chứng minh được tài sản sở hữu của mình và qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, góp phần giảm thiểu TNGT".
Trao đổi với Kiến Thức, một đại diện Công ty cổ phần xe điện Anbico chia sẻ, nếu không siết chặt, để thị trường xe máy điện bát nháo như hiện nay thì những doanh nghiệp sản xuất trong nước, làm ăn chân chính sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.