|
Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Viet foods) tại ấp Lồ Ồ, xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương phải ngừng hoạt động từ ngày 21-4 đến 25-5 do ảnh hưởng từ thông tin Chi cục QLTT Hà Nội cung cấp cho báo chí rằng sản phẩm xúc xích của công ty có chất cấm, chất gây ung thư. Ảnh: Quang Định. |
Đội đã báo cáo chi cục và thanh tra, hiện chưa thể trả lời có xin lỗi Công ty Vietfoods hay không.
Theo vị đại diện này, có 3 vấn đề mà đội 14 thấy không sai khi thu giữ 2,2 tấn xúc xích Viet foods.
“Đến thời điểm này, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào cho phép sử dụng chất sodium nitrate trong thịt chế biến, Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex cũng chưa cho.
Họ nói chúng tôi phát ngôn sai khi nói chất này gây ung thư. Nhưng chúng tôi chỉ cung cấp thông tin sodium nitrate khi đưa vào thực phẩm qua chế biến nhiệt có thể sinh ra chất khác. Chất đó gây ung thư. Điều đó không sai.
Chúng tôi cũng đã trả hàng cho doanh nghiệp ngay ngày 23/5 khi Cục An toàn thực phẩm có văn bản thông báo kết luận của hội đồng chuyên môn rằng áp dụng thông lệ quốc tế, cho phép sử dụng sodium nitrate trong xúc xích” - vị đại diện này cho hay.
Trong khi đó, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho rằng cục này đã trả lời công tâm, theo quy định pháp luật trong vụ thu giữ xúc xích của Viet foods.
"Khi Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội có câu hỏi "sodium nitrate có ngoài danh mục và sản phẩm có an toàn?", chúng tôi đã trả lời sớm bằng văn bản theo đúng quy định của pháp luật, theo thông lệ quốc tế là nhiều nước đã sử dụng sodium nitrate trong sản phẩm thịt và hàm lượng như của Viet foods là hoàn toàn an toàn", ông Phong cho biết.
Trước đó, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Lê Văn Giang cho biết tuy Codex và danh mục phụ gia của Việt Nam chưa cập nhật chất sodium nitrate trong sản phẩm thịt, nhưng đã cho phép trong sản phẩm phô-mai.
Bộ Y tế cũng để quy định mở khi cho phép áp dụng thông lệ quốc tế, như sản phẩm xúc xích thì Mỹ, Úc, New Zealand, Singapore đều cho phép dùng sodium nitrate với hàm lượng cao hơn hàm lượng tìm thấy trong xúc xích Viet foods.
Đặc biệt, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang còn cho rằng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý sai đối tượng, khi xử phạt Vietfoods mà công ty này lại làm đúng theo giấy phép của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương.
"Giả sử có chất không được phép dùng thì phải phạt Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương, cớ sao lại thu giữ hàng và đòi phạt doanh nghiệp", ông Quang nói với Tuổi Trẻ.