“Cõng” người và xe với hàng loạt phương tiện tự chế
Mưa to 2 ngày qua khiến một số khu vực tại Hà Nội chìm trong biển nước. Tại nhiều tuyến phố, người dân còn không thể qua lại được vì lo sợ xe máy, ô tô sẽ bị chết máy do nước vào bu-gi hoặc động cơ… Ngay lập tức, “thấu hiểu” nỗi khó khăn này, dịch vụ chở người và xe thuê đã nở rộ như nấm. Hàng loạt phương tiện từ thô sơ đến hiện đại được huy động như xe bè, xe cải tiến, xe ba bánh, xe tải.
|
Dịch vụ đẩy xe chết máy đắt khách. Ảnh: VTC
|
Giá cả của dịch vụ này cũng không hề “bèo”. Phí cho mỗi chiếc xe máy đi qua vùng ngập nước dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/lượt, tùy vào loại xe, với hầu hết đoạn đường dài chưa đầy 500 mét. Với mức giá “cắt cổ’ này thì chủ các phương tiện chở thuê cũng có thể kiếm về tiền triệu mỗi ngày, vì cao điểm có người “chạy” được gần trăm chuyến là chuyện thường.
Những năm trước đó, nhiều người cũng thấy tò mò với việc xuất hiện của một số "bè" được chắp vá, ghép dở bởi các miếng xốp biển lại với nhau để biến thành phương tiện chở khách. Tuy nhiên, dịch vụ này năm nay đã ít hơn vì sự “lên ngôi” của những phương tiện khác hiện đại và an toàn hơn.
Đẩy xe, mò biển số đắt hàng
Nhiều ô tô, xe máy lỡ đi vào vùng ngập thường nhanh chóng chết máy giữa đường. Tuy nhiên, điều này cũng không còn quá đáng ngại. Vì đã có dịch vụ “cứu trợ” xe chết máy. Mỗi ô tô bị chết máy nếu thuê sẽ được ít nhất hai người đẩy giúp “khổ chủ”, với mức phí 100.000 đồng/người, còn xe máy chết thì mức phí dắt qua thường “nhẹ nhàng” hơn, khoảng 30.000 -50.000 đồng tùy loại xe nặng, nhẹ
Không những thế mà chủ các phương tiện (đặc biệt là ô tô) cũng có thể thuê người dân “lặn ngụp” mò lại biển kiểm soát đã lỡ bị rơi khi đi qua vùng ngập. Với những người không biết biển số rơi thì sẽ phải liên lạc để “chuộc” lại. Mức giá cho dịch vụ này hầu hết là thỏa thuận giữa hai bên. Trên thực tế thì dịch vụ này không phải là không đắt hàng, có người dân đã mò cùng lúc được vài cái biển số xe ô tô chỉ trong ít phút.
Đi chợ hộ… “khổ chủ”
Mưa gió khiến nhiều bà nội trợ ngại đi chợ. Lo ngại ngập lụt là một chuyện. Ngoài ra, hàng hóa thiếu hụt và tăng giá mạnh do khan hiếm càng khiến việc đi chợ gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, dịch vụ đi chợ hộ đã xuất hiện. Chi phí cho một lần đi chợ theo yêu cầu và giao hàng tận nhà lên tới gần 100.000 đồng.
"Chỉ cần gọi điện thoại, đọc danh sách đồ cần mua, sau khoảng 1 tiếng sẽ có người mang hàng đến tận nhà. Giá thành thì cao hơn ngày thường một chút, do cộng thêm cả công dịch vụ, nhưng tiện lợi, và cái chính là không phải vật lộn ngoài đường ngày mưa bão", một bà nội trợ cho biết.
Tuy nhiên, mua hàng trong những ngày này thì khách hàng phải chấp nhận giá cả hàng hóa đắt đỏ hơn so với bình thường từ 20-25%. Nếu mua thêm đồ khô tại các cửa hàng tạp hóa hay siêu thị, khách phải trả thêm từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng một lượt, nhưng được đặt hàng bao nhiêu tùy thích, không hạn chế cân nặng.
|
Nhiều xe máy bị nạn đã phải nhờ "lực lượng cứu hộ".
|
"Thời điểm năm 2008, khi Hà Nội bị ngập trên diện rộng, tôi chỉ làm nhiệm vụ giao hàng tận nhà. Thời điểm đó, giá giao một thùng mì tôm cho khách ở khu đô thị Định Công là 10.000 đồng/lượt. Nay, với đoạn đường đó, nhưng bỏ thêm chút thời gian đi chợ, mỗi lần giao hàng có thể thu gấp 5-6 lần”, một nhân viên chở hàng đi chợ thuê cho biết.
Ngoài cách gọi điện đặt hàng cho những người giao hàng lẻ, thuê đi chợ hộ này, ngày mưa bão nhiều người đã đi chợ bằng cách mua hàng online tại các trang web mua sắm. Mua hàng online ngày bão tiền ship vẫn giữ nguyên mức như ngày thường là 30.000 đồng/lần, song hàng hóa kém phong phú và thời gian chờ đợi lâu hơn nhiều, nên dịch vụ đi chợ hộ vẫn hút khách nhất.
Lau bugi xe di động kiếm bộn tiền
Hàng trăm chiếc xe máy bị sa lầy, chết máy là cơ hội cho dịch vụ lau khô bugi xe nhanh chóng hốt tiền. Trước kia, những chủ xe lỡ “gặp nạn” thường cố kéo xe đến cửa hàng sửa xe gần nhất thì nay đã đỡ “vất vả” hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do dịch vụ này giờ đây đã xuất hiện thêm hình thức di động, có mặt ở mọi tuyến đường thường ngập nước. Những
Đồ nghề chỉ cần chiếc khăn khô, tuốc nơ vít thực hiện trong khoảng 10 phút là lau xong một chiếc bugi và xe lại chạy được. Còn xe gas đòi hỏi kỹ thuật hơn, mất công hơn phải kiểm tra bộ lọc khí và xả nước ở bô ra. Có nhiều xe mất cả giờ đồng hồ.
Dịch vụ này cứ “đến hẹn lại lên” lại rất đắt khách. Vì thông thường, rất ít trường hợp người dân có đủ kiên nhẫn để đợi nước rút mới phóng xe đi mà thường đi liều, vì thế sự cố sẽ xảy ra nhiều hơn.