Mổ xẻ máy bay VietJet Air bay Đà Lạt, hạ cánh Cam Ranh

Google News

“Đây là vụ việc hi hữu đầu tiên xảy ra ở VN” - ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không VN, nói về vụ việc máy bay của VietJet Air (VJA) chở khách đi Đà Lạt nhưng lại hạ cánh xuống Cam Ranh.

 Quy trình thực hiện một chuyến bay giữa hãng hàng không với các bộ phận liên quan và lỗi của nhân viên điều phối VJA đối với chuyến bay Hà Nội đi Đà Lạt ngày 19/6.
Ông Thanh nói:
- Theo kế hoạch của VJA trong ngày 19/6, máy bay A320 mang số đăng ký quốc tịch VN-A 692 có lịch trình thực hiện chuyến bay từ Sài Gòn - Hà Nội, Hà Nội - Cam Ranh, Cam Ranh - Hà Nội. Máy bay này sẽ thực hiện chuyến bay số hiệu VJ 8575 từ Hà Nội đi Cam Ranh khởi hành vào 17h40 ngày 19/6. Còn máy bay thực hiện chuyến bay Hà Nội - Đà Lạt số hiệu VJ 8861 khởi hành gần thời điểm này bị trục trặc kỹ thuật. Vì vậy, VJA đổi kế hoạch, thay vì để máy bay VN-A 692 đi Hà Nội - Cam Ranh thì điều máy bay này đưa khách đi Đà Lạt trước. Thực chất là đổi máy bay và tổ bay.
Về nguyên tắc, nhân viên điều phối của hãng phải làm thủ tục với phòng thủ tục bay tại sân bay và các bộ phận khác về việc thay đổi kế hoạch này. Sau đó, nhân viên điều phối mang kế hoạch bay thay đổi cho cơ trưởng. Căn cứ vào kế hoạch mới, cơ trưởng ký xác nhận và chuẩn bị các điều kiện cho chuyến bay. Tuy nhiên, nhân viên điều phối không đưa kế hoạch này cho cơ trưởng nên cơ trưởng vẫn chuẩn bị chuyến bay đi Cam Ranh như kế hoạch từ buổi sáng.
Tóm lại, máy bay VN-A 692 đúng là được điều đi Đà Lạt, khách đi Đà Lạt được đưa lên máy bay, tiếp viên soát vé biết khách đi Đà Lạt nhưng mỗi cơ trưởng (quốc tịch Czech) không biết là máy bay đi Đà Lạt nên vẫn bay đến Cam Ranh như kế hoạch bay trước đó.
- Nhưng trước khi cất cánh, tiếp viên có thông báo cho khách biết thông tin chuyến bay đi đâu, thời gian bay dự kiến. Tổ bay hội ý với nhau xác nhận các thông số về hành khách, hàng hóa, hành trình trước khi khởi hành?
- Tiếp viên có phát ngôn thông báo cho khách biết thông tin chuyến bay trước khi khởi hành. Nhưng lúc này cơ trưởng tập trung vào việc chuẩn bị khởi hành, chỉ khi máy bay bay bằng, cơ trưởng trao quyền điều khiển cho cơ phó thì cơ trưởng mới giới thiệu với hành khách một số thông tin về chuyến bay.
Trong sự việc này, tổ bay bỏ qua quy trình, không hội ý với nhau trước khi khởi hành.
- Ông đánh giá tính chất vụ việc thế nào?
- Đây là sự cố về mặt khai thác và mọi sự cố về mặt khai thác đều tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay. Tuy nhiên trong vụ việc này chưa trực tiếp uy hiếp đến an toàn bay. Tại vì việc điều hành vẫn diễn ra bình thường, cơ trưởng vẫn chuẩn bị cho kế hoạch bay mà mình tưởng là đúng, các hệ thống điều hành quản lý hoạt động bay vẫn điều hành chuyến bay đến đúng địa điểm theo sự liên lạc trực tiếp giữa hệ thống quản lý đường bay và cơ trưởng, không có sự cố nào uy hiếp chuyến bay. Vấn đề là kế hoạch của hãng với hoạt động bay thực tế khác nhau. Đây là sự cố trong quá trình khai thác nên liên quan đến nhiều khâu và nhiều bộ phận.
- Vậy lỗi cụ thể trong vụ việc hi hữu này được xác định từ khâu nào, thưa ông?
- Trong kết quả điều tra sơ bộ cho thấy cơ trưởng nhận kế hoạch bay nội bộ của hãng từ sáng nhưng đây là kế hoạch bay dự kiến. Theo quy định thì nhân viên điều phối có trách nhiệm trước mỗi chuyến bay phải làm kế hoạch bay với phòng thủ tục bay của mỗi sân bay. Khi hãng quyết định thay đổi kế hoạch bay thì nhân viên điều phối đi làm việc với phòng thủ tục bay về kế hoạch thay đổi này, thông báo cho các bên liên quan thực hiện kế hoạch thay đổi. Nhưng thông tin về kế hoạch thay đổi lại không đến được cơ trưởng trong trường hợp này.
Cục Hàng không cấp phép bay cho hãng và thông báo đến các nơi kiểm soát vùng trời, kể cả quân đội và nước ngoài nếu bay ra nước ngoài. Đến 14h55 hằng ngày lại phải có sự phối hợp với quân sự và hàng không chuẩn lại kế hoạch bay hằng ngày.
- Các bộ phận không lưu, phục vụ mặt đất có liên quan gì đến sai sót nói trên, thưa ông?
- Trong vụ việc này, bộ phận mặt đất sân bay và các đơn vị phục vụ không có lỗi gì cả. Tất cả đều thực hiện theo kế hoạch bay thay đổi nhưng kế hoạch này lại không được đưa đến cơ trưởng.
Thời điểm đó có hai chuyến bay của VJA đi Cam Ranh và Đà Lạt. Nhưng do máy bay thực hiện chuyến VJ 8861 đi Đà Lạt bị trục trặc nên VJA chuyển khách đi Đà Lạt lên chuyến bay số hiệu VJ 8575 (số đăng ký VN-A 692, dự kiến đi Cam Ranh theo kế hoạch trước đó) để đưa khách đến Đà Lạt trước. Do có hai chuyến bay của VJA đi Cam Ranh và Đà Lạt vào thời điểm gần nhau và cơ trưởng không nhận được sự thay đổi kế hoạch nên vẫn liên lạc với đài kiểm soát thông báo chuyến bay đi Cam Ranh (thực tế là đưa khách đi Đà Lạt) vẫn đúng với số hiệu chuyến bay VJ 8575 đi Cam Ranh đã đăng ký. Trong khi chuyến bay chở khách đến Cam Ranh vẫn đợi ở Nội Bài chờ sửa chữa máy bay (chiếc máy bay này dự kiến thực hiện chuyến bay VJ 8861 tới Đà Lạt theo kế hoạch trước đó).
Sân bay Cam Ranh vẫn tiếp nhận chuyến bay mang khách tới Đà Lạt vì cơ trưởng vẫn thông báo đúng số hiệu đăng ký của chuyến đến Cam Ranh. Theo quy định, dù có phát hiện máy bay đến nhầm sân bay, đài chỉ huy ở Cam Ranh vẫn phải có trách nhiệm điều hành để máy bay hạ cánh an toàn.
- Như vậy theo ông, lỗi chính vẫn là do nhân viên điều phối và cơ trưởng chuyến bay?
- Rõ ràng lỗi của nhân viên điều phối là lớn nhất khi thông tin kế hoạch bay thay đổi không được đưa đến cơ trưởng. Cơ trưởng cũng có lỗi nặng là chưa tiếp nhận, chưa ký vào kế hoạch bay chính thức từ điều phối cung cấp theo quy định mà vẫn cho máy bay khởi hành. Kế hoạch bay có thay đổi hay không thì trước mỗi chuyến bay cơ trưởng có trách nhiệm là phải nhận được kế hoạch bay và ký vào để xác nhận mình biết được đưa máy bay đi đâu. Nếu không thấy kế hoạch phải hỏi để được cung cấp và xác nhận. Theo quy định, cơ trưởng vẫn phải ký vào kế hoạch bay qua bản in hoặc email bằng chữ ký điện tử.
Nhóm điều tra cũng phát hiện một thông tin là bên dịch vụ mặt đất có đưa cho cơ trưởng một biên bản ký nhận về việc chuẩn bị cho chuyến bay. Trong đó có thông tin chuyến bay đưa khách đi Đà Lạt nhưng cơ trưởng không đọc kỹ, vẫn nghĩ là chuyến bay đi Cam Ranh và ký vào.
Còn đài kiểm soát được phòng thủ tục bay thông báo máy bay thực hiện chuyến nào được cất cánh chứ không cần phải nhìn bản kế hoạch bay có chữ ký xác nhận của cơ trưởng mới cho phép.
- Sau khi xảy ra sự cố, VJA có thông cáo báo chí cho rằng phi công đánh giá ở sân bay Liên Khương (Đà Lạt) có gió lớn nên phải hạ ở Cam Ranh để chờ thời tiết tốt rồi bay tới Đà Lạt. Ông đánh giá thế nào?
- Báo cáo của cơ quan điều hành bay tới nhóm điều tra là thời tiết tại Đà Lạt thời điểm đó tốt, không có gì bất thường. Tầm nhìn 7.000- 8.000m. Chiều 20-6, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không yêu cầu VJA cải chính thông tin, xin lỗi hành khách và công luận vì công bố thông tin sai. Cục đã chuyển cho hãng yêu cầu này. Hãng có quyền nói vụ việc này xảy ra nhưng không được phép công bố thông tin sai. Trong các hoạt động xã hội và đặc biệt với hàng không thì không bao giờ lấp liếm được những sự cố. Nhà chức trách lấp liếm một lần thì nguy hại cả hệ thống và tác động sâu xa là rất lớn.
Cục sẽ yêu cầu VJA giải trình tại sao lại đưa ra thông tin sai lệch cho công luận. Thông tin sai thì phải xin lỗi, không được phép như thế. Đó là chuyện đương nhiên. May mắn thông tin sai đó không phải là báo cáo chính thức tới cơ quan chức năng. Còn VJA chậm đưa ra lời xin lỗi theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ GTVT thì Cục Hàng không chưa rõ lý do.
- Cục Hàng không sẽ xử lý các sai phạm như thế nào?
- Với các nhân viên vi phạm quy trình hiện đang tạm đình chỉ. Cục Hàng không sẽ áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng với nhân viên vi phạm quy trình. Còn xét về lỗi hệ thống thì thuộc vào việc giám sát, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước với hệ thống khai thác máy bay của hãng. Do đó, Cục Hàng không sẽ có khuyến cáo cụ thể, yêu cầu hãng thực hiện tất cả những khuyến cáo đó theo quy định của Luật hàng không. Mức xử phạt và khuyến cáo cụ thể sẽ được đưa ra sau khi lãnh đạo Cục Hàng không làm việc cụ thể với nhóm điều tra dựa trên kết luận của nhóm này.
“Chúng tôi không có ý định che giấu thông tin”
Trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan đến các thông tin của chuyến bay VJ 8861, ông Lưu Đức Khánh - giám đốc điều hành VJA - cho biết đang phối hợp với Cục Hàng không để tìm hiểu rõ lý do của sự cố. Tuy nhiên nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định do lỗi phối hợp của nhân viên điều phối bay và tổ lái.
“Chúng tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến hành khách của chuyến bay đã bị ảnh hưởng trên chuyến bay này” - ông Khánh chia sẻ.
Về việc thông tin ban đầu từ VJA đưa ra có điểm khác với Cục Hàng không, ông Khánh cho biết: “Trong thời điểm xảy ra sự việc, chúng tôi phải tập trung ưu tiên để đưa toàn bộ hành khách đến điểm cuối cùng an toàn và tìm cách khắc phục hậu quả. Do thông tin sơ bộ ban đầu mà nhân viên truyền thông nhận được có liên quan đến thời tiết và để đảm bảo có thông tin cung cấp cho truyền thông, đại diện hãng đã gửi thông tin đầu tiên có liên quan đến thời tiết. Chúng tôi không có ý định che giấu thông tin mà tích cực hợp tác cùng Cục Hàng không tìm nguyên nhân chính xác nhất của sự cố. Đồng thời hợp tác cùng Cục Hàng không để làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự cố xảy ra với chuyến bay, giám sát chặt chẽ hơn việc tuân thủ quy trình khai thác, nhằm đảm bảo tình huống trên không thể lặp lại”.
Theo Tuổi Trẻ

Bình luận(0)